Điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
EmailPrintAa
19:04 28/06/2019

Sáng 28/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghe các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII và thông qua kết quả giám sát chuyên đề "Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập giai đoạn 2016-2019". Đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Theo báo cáo, Quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3209/QĐ-UBND ngày 29/12/2006. Trong quá trình triển khai thực hiện, Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng đã phát huy hiệu quả và phục vụ tốt cho việc hoạch định chiến lược phát triển lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về rừng, góp phần to lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, về quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đến năm 2020 còn có sự chênh lệch giữa các chỉ tiêu so với Nghị quyết số 75/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, cần điều chỉnh để Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với chỉ tiêu, cơ cấu sử dụng đất tại Nghị quyết 75/NQ-CP; góp phần nâng cao hiệu quả việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo hài hòa giữa quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với các quy hoạch khác; nâng cao tính năng phòng hộ của rừng, phục vụ tốt cho sản xuất lâm nghiệp; đáp ứng yêu cầu về quỹ đất phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh

Qua rà soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng. Cụ thể: chuyển đất lâm nghiệp quy hoạch loại rừng phòng hộ sang sản xuất với diện tích 28,6 ha; chuyển đất trống, đất chưa có rừng vào quy hoạch rừng phòng hộ với diện tích 22,1 ha; chuyển đất khác, đất chưa có rừng quy hoạch rừng phòng hộ ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng với diện tích 171,9 ha; chuyển đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất sang rừng phòng hộ với diện tích 3.145,3 ha; chuyển đất khác, đất chưa sử dụng trong rừng sản xuất ra khỏi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với diện tích 2.438,7 ha.

Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập giai đoạn 2016-2019.

Sau khi điều chỉnh bổ sung, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh là 341.256 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 74.501 ha, đất rừng phòng hộ 115.895 ha, đất rừng sản xuất 150.860 ha.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng đồng tình với phương án điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; đồng thời đề nghị xem xét lại tên Nghị quyết đảm bảo phù hợp.

Cuộc họp cũng đã nghe và cho ý kiến liên quan đến báo cáo kết quả giám sát "công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập giai đoạn 2016-2019". Hà Tĩnh hiện có 32 tuyến đê với 317,1km; 67,195 km kè sông và bờ biển; 351 hồ chứa với dung tích trên 1,57 tỷ m 3 ; 89 đập dâng; 455 trạm bơm; 12 công trình ngăn măn giữ ngọt và hàng ngàn km kênh mương thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, sinh hoạt và phòng chống lũ cho địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, việc triển khai, thực hiện đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình thủy lợi được Trung ương, tỉnh quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 5 hồ chứa, 2 đập dâng, nâng cấp 11 hồ chứa và 30 km đê với tổng kinh phí hơn 3.400 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt giải trình và làm rõ một

số vấn đề liên quan.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ban Kinh tế - Ngân sách và các đại biểu tham dự cơ bản đồng tình với tờ trình, báo cáo, dự thảo nghị quyết và nhất trí phương án điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Đồng thời, đề nghị ngành: rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Nghị quyết 34/NQ-HĐND tỉnh và Quyết định 607/QĐ-UBND tỉnh; xem xét kỹ tính cấp thiết việc điều chỉnh quy hoạch loại rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; vấn đề tích hợp quy hoạch và xem xét lại tiêu đề nghị quyết để phù hợp nội dung điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng.

Đối với báo cáo kết quả giám sát "công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập giai đoạn 2016-2019", trên cơ sở các ý kiến góp ý, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tiếp tục chỉnh sửa hoàn chỉnh báo cáo trình kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc