Triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ; khẳng định hiệu quả sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
EmailPrintAa
10:33 23/06/2020

Chiều 22/6/2020, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tiến hành giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) và thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố tại huyện Can Lộc. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì cuộc giám sát.

Thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh về Quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; huyện Can Lộc đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai; xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy có hiệu quả.

Ông Trần Xuân Hoài, Trưởng phòng Nội vụ huyện Can Lộc: Huyện đã thực hiện sắp xếp 8 ĐVHC cấp xã thành 03 ĐVHC mới , giảm 5 ĐVHC ; giảm 62 CBCC, 23 người hoạt động không chuyên trách.

Trước sắp xếp, huyện Can Lộc có 23 ĐVHC cấp xã (21 xã và 02 thị trấn), trong đó có 7 ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, do đó huyện đã thực hiện sắp xếp 8 ĐVHC cấp xã, hình thành 03 ĐVHC mới, giảm 5 ĐVHC. Hiện nay, huyện Can Lộc còn 18 ĐVHC cấp xã với 197 thôn. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện là 365 người, 158 cán bộ không chuyên trách cấp xã, 383 cán bộ không chuyên trách cấp thôn.

Ông Bùi Việt Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn: Sau sắp xếp thị trấn Nghèn không còn công an viên do không có chế độ hỗ trợ phù hợp. Tại các thôn, các chức danh Phó Bí thư, Chi ủy viên Chi bộ chưa có chế độ bồi dưỡng, đề nghị tỉnh nghiên cứu.

Ông Hồ Quang Huy, Trưởng thôn Phúc Yên, xã Kim Song Trường: Hiện nay, chế độ bồi dưỡng cho các chi hội ở thôn quá thấp. Đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét nâng chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thôn để đảm bảo các phong trào được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tổng số cán bộ, công chức (CBCC) của 8 xã trước sắp xếp là 145 người (75 cán bộ và 70 công chức) và 60 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; sau sắp xếp còn 83 CBCC (40 cán bộ và 43 công chức) và 37 người hoạt động không chuyên trách; giảm 85 CBCC và người hoạt động không chuyên trách (35 cán bộ, 27 công chức, 23 người hoạt động không chuyên trách). Việc lựa chọn trụ sở; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo kịp thời và đúng quy định… Hiện huyện còn có 5/18 xã, thị trấn bố trí dôi dư cán bộ, công chức theo Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND, tổng số dôi dư là 19 người; có 13/18 xã, thị trấn bố trí, sắp xếp đảm bảo đúng quy định; 18/18 ĐVCH bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách theo đúng quy định tại Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc: Trước thời điểm thực hiện sắp xếp xã, huyện đã để dành biên chế của huyện để bố trí cán bộ xã dôi dư nên huyện Can Lộc tỷ lệ dôi dư cán bộ ít. Đề nghị tỉnh nghiên cứu có chế độ bồi dưỡng cho Công an viên; kiên quyết thực hiện việc sáp nhập các hội.

Ông Trần Đình Sơn, Trưởng ban Pháp chế huyện Can Lộc: Qua giám sát của Ban, đề nghị tỉnh cần có chính sách để huyện tăng mức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm; sớm xử lý tài sản công các xã, thôn sau sáp nhập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện còn gặp một số khó khăn như: Sau sắp xếp, ĐVHC mới có quy mô dân số và diện tích lớn nên công tác quản lý nhà nước gặp khó khăn; các chính sách hỗ trợ CBCC nghỉ việc chưa thật sự đáp ứng mong muốn nên khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí CBCC; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố còn thấp nên ảnh hưởng đến công việc chung của địa phương…

Ông Võ Văn Phúc, Chánh Thanh tra tỉnh: Các xã sau sắp xếp cần có phương án xử lý nợ xây dựng cơ bản

Ông Nguyễn Trọng Nhiệu, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Đề nghị huyện rà soát lại chế độ, chính sách của CBCC nghỉ việc

Qua làm việc, các đại biểu đề nghị huyện Can Lộc trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, vận động CBCC, người hoạt động không chuyên trách thực hiện tinh giản để bố trí sắp xếp cán bộ đảm bảo đúng quy định; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ máy hành chính mới hoạt động; lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; rà soát các thôn, tổ dân phố chưa đảm bảo tiêu chuẩn để chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng đề án sắp xếp thôn.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Huy Hùng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của huyện Can Lộc trong thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh. Đồng thời, trong thời gian tới, đề nghị huyện quan tâm: Triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện đề ra tạo sự đột phá ở các địa phương, khẳng định hiệu quả việc sắp xếp xã, thôn, xóm thời gian qua; tiếp tục thực hiện việc bố trí, sắp xếp cán bộ đảm bảo đúng quy định, gắn với thực hiện tốt các chế độ, chính sách. Xử lý phù hợp các tài sản công sau sắp xếp xã; đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho các xã sau sắp xếp; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị trường học, trạm y tế trên địa bàn. Rà soát để thực hiện việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố toàn huyện nói chung và các xã sau sắp xếp nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính và chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc