Thành phố Hà Tĩnh cần đánh giá toàn diện, công khai, minh bạch để triển khai việc tự chủ tài chính các trường học
EmailPrintAa
13:44 06/05/2022

Sáng 6/5/2022, Đoàn giám sát về việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh trên lĩnh vực giáo dục đã khảo sát và làm việc với thành phố Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga chủ trì cuộc giám sát.

Cùng dự có các đồng chí trong Thường trực, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; các Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; các sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Trên địa bàn thành phố hiện có 43 cơ sở giáo dục công lập, 61 cơ sở ngoài công lập. 100% trường có đủ công trình nước sạch, 90% số trường có công trình vệ sinh đạt chuẩn, 9 trường có nhà đa chức năng, 02 trường có bể tập bơi, 16 trường có thư viện đạt chuẩn, 7 trường có sân cỏ nhân tạo; 100% trường mầm non, tiểu học, THCS đã có trang thiết bị dạy học hiện đại; 100% trường tiểu học, THCS có phòng máy tính để giảng dạy tin học; có 37 trường đạt chuẩn quốc gia trong đó có 27 trường chuẩn Mức 2, 10 trường đạt chuẩn Mức 1. Về đội ngũ, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.587 cán bộ quản lý, giáo viên, tổng phụ trách đội, nhân viên; đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo đủ về số lượng và cơ cấu ở các bộ môn. Tổng số học sinh tại các cấp học, bậc học là 27.364 em (Mầm non có 140 lớp mẫu giáo công lập, 159 nhóm lớp tư thục, 44 nhóm trẻ độc lập tư thục với 8.455 trẻ; tiểu học có 308 lớp công lập, 60 lớp tư thục với 12.011 học sinh; THCS có 165 lớp công lập, 19 lớp tư thục với 6.898 học sinh).

Đoàn khảo sát tại trường THCS Lê Bình...

...tại trường Tiểu học Tân Giang...

…tại Trường Phổ thông Liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh.

Thực hiện Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 152/2019/NQ-HĐND, thành phố đã có 313 cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên được hưởng các chính sách của Nghi quyết với tổng kinh phí thực hiện là 6.364 triệu đồng. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 95,7%, trong đó ngoài công lập 40%; Tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 15,5%, trong đó ngoài công lập 15,4%;  Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 94,9%; 100% trường học có đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới; 100% học sinh được giáo dục kỹ năng sống... Đối với Nghị quyết số 57/2019/NQ-HĐND, trên địa bàn thành phố có 68.353 học sinh Mầm non và THCS tham gia đóng góp học phí với tổng kinh phí đóng góp 48.352 triệu đồng.

Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thị Hà Tân: Việc ban hành chính sách cần cân đối với nguồn lực của địa phương, đảm bảo triển khai nhanh các nghị quyết vào cuộc sống.

Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thái Văn Sinh: Cần đánh giá rõ những nguyên nhân các chỉ tiêu chưa đạt trong thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết mới sát thực tiễn.

Tại cuộc làm việc, thành phố Hà Tĩnh đề nghị tỉnh quan tâm phân bổ  kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, xem xét hỗ trợ các địa phương, đơn vị đảm bảo các thiết bị dạy học; có kế hoạch đảm bảo giáo viên cho các đơn vị đủ số lượng, tỷ lệ, cơ cấu đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đặc biệt là thực hiện chương trình GDPT mới; thành lập Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Cần sớm triển khai đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch các nguồn thu của trường Lê Văn Thiêm để sớm thực hiện thí điểm trường tự chủ tài chính; đồng thời cần nghiên cứu chính sách riêng để hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi học tại trường.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy nga: Cần đẩy nhanh kế hoạch chuyển trường tiểu học Tân Giang sang địa điểm mới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu đề nghị thành phố làm rõ thêm một số nội dung như: Tỷ lệ giáo viên thi lấy chứng chỉ quốc tế; nguyên nhân chưa đạt chỉ tiêu của các Nghị quyết HĐND tỉnh; thực trạng, giải pháp trong phân luồng học sinh; lộ trình, kế hoạch tự chủ về tài chính đối với các trường học; việc ưu tiên kinh phí trong đầu tư cho lĩnh vực giáo dục của UBND thành phố; tình trạng thừa, thiếu giáo viên sau sáp nhập trường; việc xây dựng, phê duyệt, phát huy chất lượng đối với đội ngũ giáo viên cốt cán; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga phát biểu tại cuộc làm việc.

Trao đổi tại cuộc làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của thành phố trong thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực giáo dục. Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục trên địa bàn thành phố đã đạt được những thành tích khá toàn diện, nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu về giáo dục của tỉnh. Quy mô, mạng lưới trường lớp cơ bản ổn định, các loại hình học tập được tổ chức phù hợp; cơ sở vật chất được tăng cường; công tác phổ cập giáo dục được giữ vững; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt hiệu quả khá cao; chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên ngày một nâng lên; công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh. Thời gian tới, đề nghị UBND thành phố, các phòng, ban có liên quan cần tập trung rà soát, đánh giá toàn diện các mục tiêu mà HĐND tỉnh đã ban hành, từ đó tham mưu, đề xuất các chính sách phù hợp thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Lưu Thành - Trương Liên

    Ý kiến bạn đọc