Thạch Hà cần chuẩn bị tốt nhất cho việc sáp nhập ở giai đoạn 2 (2022-2025)
EmailPrintAa
11:38 21/12/2021

Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát, chiều ngày 20/12/2021, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” tại huyện Thạch Hà.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt chủ trì buổi làm việc

Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ và các phòng, ban, ngành liên quan của huyện Thạch Hà.

Trước buổi làm việc Đoàn đã đi kiểm tra khảo sát xã Tân Lâm Hương và xã Việt Tiến.

Trong thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho đội ngũ  cán bộ, công chức, viên chức, đảng viênvà các tầng lớp Nhân dân về  các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, từ đó đã tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, từ đó huyện đã triển khai thực hiện các bước theo lộ trình. Giai đoạn 1 (2019-2021), huyện Thạch Hà đã thực hiện sắp xếp 15 ĐVHC cấp xã để hình thành 6 ĐVHC cấp xã, giảm 9 ĐVHC cấp xã.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa đề nghị tỉnh xem xét tỷ lệ điều tiết nguồn thu đối với huyện Thạch Hà cân bằng với các huyện xây dựng NTM nâng cao; cần có chính sách riêng để xử lý các tồn tại sau sáp nhập như: quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ cán bộ dôi dư...

Qua báo cáo của UBND huyện, sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2019 – 2021, toàn huyện có 22 xã, thị trấn, trong đó: 02 đơn vị hành chính đạt 100% về quy mô dân số và quy mô diện tích; 04 xã đạt 100% về quy mô dân số và trên 65% quy mô diện tích; 01 xã đạt trên 50% quy mô dân số và quy mô diện tích; 13 xã đạt trên 50% quy mô dân số nhưng chưa đạt 50% quy mô về diện tích; 02 xã chưa đạt 50% quy mô dân số và diện tích.

Theo đó, huyện Thạch Hà giảm từ 15 trạm y tế xuống còn 6 trạm (theo ĐVHC mới), giảm 05 trường tiểu học, 03 trường mầm non, hiện nay toàn huyện còn dôi dư 9 trụ sở UBND và 9 trạm y tế.

Sau khi sáp nhập các xã đã có quy mô dân số và diện tích lớn tạo thuận lợi trong huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các công trình giao thông, công trình công cộng phục vụ Nhân dân.  Toàn huyện giảm 9 đầu mối đơn vị hành chính cấp xã, 9 trạm y tế xã, 8 trường mầm non và tiểu học; theo đó, giảm 18 đầu mối đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trụ sở làm việc, giảm chi ngân sách cho hoạt động thường xuyên mỗi năm khoảng trên 25 tỷ đồng để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội;  theo Đề án giảm 181 cán bộ, công chức cấp xã, 72 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; 9 trạm trưởng trạm y tế; 8 hiệu trưởng các trường học. Trước khi sáp nhập đường địa giới hành chính một số xã đan xen trong khu dân cư nên công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội khó khăn; sau sáp nhập công tác quản lý quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội thuận lợi hơn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đề nghị huyện làm rõ việc bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp; giải quyết trụ sở dôi dư sau sáp nhập; đánh giá hiệu quả nhiệm vụ ngân sách sau sáp nhập

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, của huyện. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế sau sáp nhập như: Một số xã sau sáp nhập có diện tích và dân số lớn, nên công tác tham mưu quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn  như  Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng – Thống kê; số lượng cán bộ, công chức dôi dư còn nhiều; trung tâm hành chính cấp xã (mới) chưa thực sự thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch; một số trú sở làm viềm việc, trạm y tế không sử dụng, chưa kịp thời chuyển đổi công năng, còn để lãng phí…

Cũng tại buổi làm việc, huyện Thạch Hà đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép huyện Thạch Hà giao đất không qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 22 hộ dân đã được UBND xã Thạch Thanh cũ xét (nay nhập về thị trấn Thạch Hà). Công nhận xã Lưu Vĩnh Sơn là xã miền núi; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các xã sau sắp xếp ĐVHC, nhất là trụ sở hành chính, trạm y tế, đường giao thông đảm bảo tính kết nối và đồng bộ. Tiếp đó, huyện đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép Thạch Hà chưa thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 – 2025 để tiếp tục giải quyết những tồn đọng, khó khăn, đồng thời đảm bảo ổn định để phát triển KT-XH và xây dựng NTM.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát Trần Đình Gia ghi nhận huyện Thạch Hà trong quá trình triển khai về việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 nghiêm túc và bài bản. Mặc dù, huyện có số lượng ĐHVC cấp xã phải sáp nhập lớn nhưng sau khi sáp nhập đã ổn định được tình hình, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó phát triển KT-XH nâng cao đời sống cho người dân. Ngoài ra, đề nghị huyện Thạch Hà quan tâm chế độ cho đội ngũ cán bộ sau sáp nhập; đầu tư hạ tầng ở những đơn vị mới; tận dụng tối đa cơ sở vật chất trường học, trạm xá dôi dư để chuyển đổi công năng đưa vào sử dụng; chuẩn bị tốt nhất cho việc sáp nhập ở giai đoạn 2 (2022-2025) theo lộ trình. Đối với những đề xuất, kiến nghị của huyện Thạch Hà Đoàn giám sát sẽ tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết.

Xuân Hoa

    Ý kiến bạn đọc