Cần quyết liệt, chủ động, linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” phù hợp với diễn biến tình hình
EmailPrintAa
09:51 17/07/2021

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định và phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách đã thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư phát triển 06 tháng đầu năm 2021, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 06 cuối năm 2021 và các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về một số nội dung trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách trình Kỳ họp thứ 02 Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVIII. Thay mặt Ban Kinh tế - Ngân sách, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách đã báo cáo kết quả thẩm tra như sau:

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 2, nhiệm kỳ 2021-2026.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 06 đầu năm 2021, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với những đánh giá về khó khăn, hạn chế và những tồn tại như nhận định của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời Ban đề nghị đánh giá sâu hơn một số nội dung về chỉ số tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách Nhà nước, hoạt động ngân hàng; chi ngân sách nhà nước; đầu tư phát triển; phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư; công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 244/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Triển khai cụ thể các giải pháp theo Kết luận số 28-KL/TU ngày 05 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; dự báo dịch bệnh Covid 19 đang còn diễn biến phức tạp, cần quyết liệt, chủ động, linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” phù hợp với diễn biến tình hình. Kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước. Tiếp tục huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ, nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai trước mùa mưa lũ.

Rà soát, xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các quy định, cơ chế, chính sách trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, theo hướng tinh gọn, trọng tâm, trọng điểm; cân đối hợp lý cho các lĩnh vực ưu tiên. Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kịp thời công bố quy hoạch, thu hút đầu tư. Thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trong tỉnh. Nắm chắc thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, đất đai, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm tiến độ; Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và nguồn từ năm trước chuyển sang. Hoàn thiện và trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đảm bảo công khai, minh bạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở nguồn vốn năm trước.

Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp. Phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Hà Tĩnh, quan tâm chuẩn bị các điều kiện cần thiết như hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng sạch. Đa dạng các hình thức, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án lớn, có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu; có biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Rà soát tổng đàn gia súc, gia cầm theo hướng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, công nghiệp, áp dụng quy trình kỹ thuật chặt chẽ, an toàn dịch bệnh, kiểm soát chất lượng đầu vào, sản phẩm đầu ra, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Kịp thời tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 để điều chỉnh mục tiêu, phương thức quản lý, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP phù hợp với quy định của trung ương và thực tiễn của tỉnh. Quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các vi phạm, chú trọng hơn trong công tác trồng rừng thay thế. Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa các hồ, đập có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão và thực hiện các dự án phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu.

Sớm hoàn thiện Đề án tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” để tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Triển khai đồng bộ các giải pháp về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Tập trung cao cho việc ban hành và thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Hoàn thành việc lập hành lang bảo vệ bờ biển theo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc bảo vệ môi trường biển và thu hút đầu tư du lịch biển.

Thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Chú trọng thu hút và phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đối với các tờ trình và dự thảo Nghị quyết các nội dung trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách, Ban cơ bản thống nhất và có một số ý kiến cụ thể như sau:

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị, sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, nếu có những nội dung chưa đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng thì đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức rà soát, trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh theo quy định.

Bố cục báo cáo cần sắp xếp lại đảm bảo tính logic, khoa học hơn, loại bỏ các nội dung còn trùng lặp; phạm vi ranh giới và thời kỳ lập quy hoạch phù hợp với quy định. Về mục tiêu cụ thể, cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch tỉnh cần đảm bảo được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch.

Luận chứng các phương án phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, thực tiễn phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn vừa qua nhà phụ thuộc nhiều vào công nghiệp thép, nay lựa chọn phương án 2 - Chiến lược tăng trưởng xanh Hà Tĩnh là phù hợp, về lâu dài kinh tế của tỉnh sẽ phát triển bền vững hơn khi giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà máy thép Formosa.

Về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi quy hoạch tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, tích hợp đầy đủ các quy hoạch ngành, lĩnh vực để đảm bảo tính khả thi khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị quan tâm một số nội dung sau: Đối với nguồn vốn, các dự án mới chỉ làm rõ được nguồn của Trung ương trong tổng nguồn vốn đầu tư; vì vậy, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, định mức theo Nghị quyết số 245/2020 của HĐND tỉnh để cân đối, bố trí đủ vốn thực hiện các dự án này.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư cần chủ động tranh thủ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có và đảm bảo tiêu chí) để bố trí cho dự án đảm bảo việc triển khai theo đúng kế hoạch; căn cứ nguồn vốn được bố trí, lựa chọn phương án triển khai phù hợp, không để xảy ra nợ xây dựng cơ bản.

Đối với các dự án cụ thể, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng có những kiến nghị cụ thể, rõ ràng để các dự án triển khai đúng quy định, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng đã báo cáo kết quả thẩm tra đối với các tờ trình, dự thảo nghị quyết về : Sửa đổi điểm e khoản 7 Điều 5 và bãi bỏ khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 253/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND ngày 28/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất (bổ sung) năm 2021; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2045.

BBT

    Ý kiến bạn đọc