Dân chủ, trách nhiệm, đi đến tận cùng của vấn đề cần chất vấn
EmailPrintAa
14:43 14/12/2019

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 14/12, Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực, nhóm vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Các đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trương Thanh Huyền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành chất vấn.

Phát biểu đặt vấn đề tại phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết Kỳ họp thứ 12 sẽ dành thời gian hơn 1 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đây là nội dung quan trọng và là diễn đàn của đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát tại kỳ họp. Sau khi các ý kiến của đại biểu HĐND và cử tri gửi đến Kỳ họp đã được tổng hợp thành 11 nhóm vấn đề trên các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn 4 nhóm vấn đề trả lời trực tiếp tại kỳ họp và 7 nhóm vấn đề trả lời bằng văn bản. UBND tỉnh đã phân công 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn trực tiếp tại kỳ họp là Tài nguyên - Môi trường; Đầu tư, xây dựng cơ bản; Tòa án và Lao động - Thương binh và Xã hội.

Giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường Hồ Huy Thành trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII

Để phiên chất vấn đạt hiệu quả cao nhất, đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, không né tránh, không ngại va chạm, thẳng thắn chất vấn. Các đại biểu đặt câu hỏi tập trung vào các nhóm vấn đề, lĩnh vực đã lựa chọn; nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần hỏi. Các Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời cần đi thẳng, trực tiếp vào nội dung câu hỏi chất vấn, đồng thời nêu rõ, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong thời gian thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn cần nghiêm túc, dân chủ, khách quan và mang tính xây dựng.

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hồ Huy Thành đăng đàn trả lời về việc công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 18/12/1980, theo thống kê sơ bộ thì trên địa bàn tỉnh có khoảng 174.383 thửa đất ở có nguồn gốc sử dụng trước ngày 18/12/1980. Việc công nhận lại đất ở trước năm 1980 chủ yếu dựa vào tài liệu đo đạc bản đồ, hồ sơ đăng ký đất đai theo Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo tài liệu lưu trữ tại Sở và báo cáo của các địa phương thì toàn tỉnh hiện chỉ còn hồ sơ bản đồ 299 của 240 xã. Đối với các trường hợp không còn hồ sơ đăng ký thì không đủ điều kiện để được công nhận lại. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện công nhận lại được 38.392 thửa đất, chiếm 80% số thửa đất có nguồn gốc sử dụng trước ngày 18/12/1980. Như vậy, sau hơn 1 năm thực hiện việc công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980 tiến độ đạt được rất chậm, đặc biệt tại các địa phương như: Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê... Nguyên nhân là do thiếu sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền  cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức triển khai thực hiện; việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương đến tận người dân còn hạn chế; quá trình thực hiện tại các địa phương còn cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định theo Luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Quyết định 2443/QĐ-UBND của UBND tỉnh; một số địa phương áp dụng chưa đúng đối tượng theo quy định của Quyết định 2443/QĐ-UBND và còn lúng túng khi xác định lại đất ở cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Thành ủy

Thời gian tới, ngành sẽ xây dựng kế hoạch làm việc với 13 huyện, thành phố, thị xã nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến việc công nhận lại đất ở trước năm 1980. Sau khi làm việc sẽ tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc và yêu cầu UBND cấp huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện công nhận lại đất ở trước năm 1980 cho người dân theo Luật Đất đai và Quyết định 2443 của UBND tỉnh.

Đại biểu Đặng Quốc Cương, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên

Liên quan đến việc giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân bị chồng lấn khá nhiều ở các địa phương, kéo dài nhiều năm gây ra việc tranh chấp đất đai, Giám đốc Hồ Huy Thành cho biết: Nguyên nhân là do quá trình giao đất cho các tổ chức quản lý bảo vệ rừng không bóc tách hết phần diện tích đất; sau khi được giao đất, thuê đất, các tổ chức không thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ diện tích được giao... Ngoài ra, một số đơn vị được giao, cho thuê đất nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng quản lý không tốt để người dân lấn, chiếm đất. Thời gian tới, ngành sẽ thực hiện dự án đo vẽ bản đồ địa chính, cắm mốc ranh giới sử dụng đất của các Công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014. Đối với các Ban quản lý rừng và các tổ chức khác, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện rà soát, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo vẽ bản đồ của các tổ chức; kết hợp rà soát, xem xét tiếp tục thu hồi một phần diện tích sử dụng không có hiệu quả về cho các địa phương để giao đất cho nhân dân, đồng thời xử lý dứt điểm diện tích chồng lấn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Đối với việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư một số dự án trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Việc chậm thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo; việc quy định về đấu giá đất khi giao, cho thuê đất và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chưa rõ ràng; thủ tục thực hiện dự án nhà ở đang chồng chéo giữa Luật nhà ở, Luật Đầu tư và Luật Đất đai… Thời gian tới, ngành tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở, xây dựng… để đảm bảo đồng bộ, minh bạch, dễ áp dụng tại cơ sở; nâng cao vai trò, trách nhiệm tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhóm dự án có sử dụng đất.

Đại biểu Đặng Văn Thành, Bí thư Thị Ủy Kỳ Anh

Đại biểu Bùi Nhân Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Sau phần trả lời của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, quan tâm đến nhóm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Danh đề nghị trả lời làm rõ thêm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc rước 18/12/1980 cho 57 hộ dân tại thôn Nam Sơn, huyện Kỳ Anh nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Đại biểu Đặng Quốc Cương phản ánh tình trạng một số hộ dân có bìa nhưng không có đất và ngược lại trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, đề nghị ngành Tài nguyên - Môi trường làm rõ hơn vấn đề này. Đại biểu Đặng Văn Thành đề nghị ngành trả lời rõ thời gian nào ngành sẽ tham mưu thực hiện việc sửa đổi Quyết định 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 (quy định về điều kiện, hạn mức và trình tự, thủ tục công nhận lại diện tích đất ở cho các thửa đất có vườn ao gắn liền với đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 18/12/1980) để tháo gỡ khó khăn, giúp cấp huyện triển khai đồng bộ.

Tiếp tục chất vấn thêm Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hồ Huy Thành, đại biểu Lê Ngọc Huấn chất vấn việc xử lý những bất cập về quy định hạn mức cho mảnh đất lớn có nguồn gốc trước năm 1980? Đại biểu Đỗ Khoa Văn phản ánh tiến độ cấp mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn chậm, đề nghị cho biết giải pháp xử lý thời gian tới.

Đại biểu Đoàn Đình Anh

Đại biểu Trần Văn Kỳ, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn

Đại biểu Bùi Nhân Sâm, đại biểu Nguyễn Văn Hổ băn khoăn việc 22 xã không còn hồ sơ, bản đồ 299, giấy tờ chứng minh trước 18/12/1980? Vậy ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết việc này như thế nào?. Đại biểu Đoàn Đình Anh cho rằng trong báo cáo có nêu nguyên nhân việc công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 18/12/1980 là do thiếu sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền  cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Vậy vấn đề này UBND tỉnh đã xử lý chưa? và đã giải quyết như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai?

Đại biểu Trần Văn Kỳ đề nghị việc đo vẽ bản đồ địa chính của công ty TNHH lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn còn chậm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty và thu hút đầu tư, đề nghị cho biết giải pháp xử lý thời gian tới.

Đối với việc bất cập về quy định hạn mức trong Quyết định 2443, đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh đặt câu hỏi: “Mặc dù Quyết định 2443 là một nỗ lực lớn của Hà Tĩnh trong việc cấp đổi đất ở trước 1980, tuy nhiên việc thực hiện ở cơ sở còn nhiều khó khăn. Trong đó, quy định hạn mức cho mảnh đất lớn có nguồn gốc trước 1980 có nhiều khó khăn trong thực hiện. Vậy bất cập này xử lý như thế nào, lúc nào sẽ tham mưu xử lý”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt bổ sung, giải trình một số vấn đề liên quan đến ngành tại phiên chất vấn Sở Tài nguyên - Môi trường

Đối các vấn đề chất vấn nêu trên đã được Giám đốc Sở Tài nguyên  Môi trường trả lời khá cụ thể. Sau trả lời của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi Trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến tình trạng chồng lấn, tranh chấp diện tích rừng, đất lâm nghiệp.

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng việc công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 18/12/1980 là chủ trương quan trọng, tuy nhiên đến nay kết quả đạt được thấp. Đề nghị ngành tham mưu UBND tỉnh cần thực sự tìm nguyên nhân, giải pháp, tập trung xử lý trong thời gian tới; tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp tốt với các địa phương để hướng dẫn, xử lý các tình huống vướng mắc cụ thể khi có yêu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc