Một số vấn đề cần lưu ý về số lượng và tiêu chuẩn Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
EmailPrintAa
16:00 21/01/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong nhiệm kỳ mới. Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần xác định đúng tiêu chuẩn, số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Những nội dung này được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn bản số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về tiêu chuẩn Đại biểu Hội đồng nhân dân:

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đảm bảo các tiêu chuẩn: (1) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; (2) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; (4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân; (5) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương thì người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm      quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Đối với Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng quy định tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương.

Về số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 quy định theo hướng giảm số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp so với trước đây. Cụ thể:

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bảy mươi lăm đại biểu (trước đây là 85 đại biểu). Tỉnh không thuộc trường hợp miền núi, vùng cao có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm bảy mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu (trước đây không quá 95 đại biểu).

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân huyện được thực hiện theo nguyên tắc : Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ bốn mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên bốn mươi nghìn dân thì cứ thêm bảy nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu). Huyện không thuộc trường hợp miền núi, vùng cao có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu). Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở huyện có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc: Thị xã có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu). Thành phố thuộc tỉnh có từ một trăm nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên một trăm nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu).

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân phường được thực hiện theo nguyên tắc : Phường có từ mười nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi mốt đại biểu; Phường có trên mười nghìn dân thì cứ thêm năm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu (trước đây không quá 35 đại biểu).

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn được thực hiện theo nguyên tắc : Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ hai nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu. Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu. Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ ba nghìn dân đến bốn nghìn dân được bầu hai mươi mốt đại biểu; có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu (trước đây không quá 35 đại biểu). Xã, thị trấn không thuộc trường hợp miền núi, vùng cao có từ năm nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên năm nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn năm trăm dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu (trước đây không quá 35 đại biểu).

Theo hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 thì dân số của từng đơn vị hành chính để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu được xác định theo số liệu thống kê dân số do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố tại thời điểm gần nhất tính đến ngày 31/12/2020.  Việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu căn cứ vào văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan rà soát, tập hợp các văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo và công bố trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia (http://hoidongbaucu.quochoi.vn) chậm nhất là ngày 01 tháng 02 năm 2021.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách:

Đối với cấp tỉnh, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người (trừ Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thực hiện theo quy định riêng). Đối với cấp huyện, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người. Đối với cấp xã, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 01 người.

Về dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng:

Theo quy định tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

Bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của Hội đồng nhân dân;

Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng không thấp hơn 10% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không thấp hơn 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở từng cấp;

Giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016 - 2021;

Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại các đơn vị bầu cử phải bảo đảm công bằng, bình đẳng; bảo đảm tương quan hợp lý với tỷ lệ dân số giữa các đơn vị hành chính trực thuộc, giữa các thôn, tổ dân phố.

Thời gian tới, cần tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bầu cử HĐND các cấp, cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc lựa chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn theo quy định, xứng đáng tham gia đại biểu HĐND. Trong quá trình tổ chức bầu cử, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho nhân dân tiếp xúc với các ứng cử viên, tăng cường đối thoại trực tiếp để người dân có đầy đủ thông tin chính xác, rõ ràng, đảm bảo Nhân dân lựa chọn đúng những người có đức, có tài đại diện cho mình thực hiện quyền lực nhà nước./.

Nguyễn Thị Nhuần - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh

    Ý kiến bạn đọc