Nâng cao chất lượng phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
08:59 18/01/2019

(Trích diễn văn khai mạc Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh).

Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ

"… Hôm nay, tỉnh Hà Tĩnh rất vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Kính thưa qúy vị đại biểu

Thưa các đồng chí!

Hà Tĩnh là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích tự nhiên 5.997 km2, có 1 thành phố, 02 thị xã, 10 huyện với 262 xã, phường, thị trấn; dân số gần 1,3 triệu người. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực khắc phục, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ổn định tình hình; đạt được những thành tựu, kết quả đặc biệt quan trọng: Kinh tế phục hồi nhanh và duy trì tốc độ tăng trưởng cao; năm 2017 và 2018 tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,5%, trong đó động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là ngành công nghiệp tăng bình quân 74%. Quy mô nền kinh tế được nâng lên theo hướng bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, năm 2018: nông nghiệp 15,28%, công nghiệp - xây dựng 43,79%, dịch vụ 40,93%. GRDP bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh. Thu ngân sách năm 2018 đạt trên 12.770 tỷ đồng.

Cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai tích cực. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá toàn diện, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có nhiều cách làm sáng tạo, trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, ngày càng đi vào chiều sâu. Hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp; xây dựng tiêu chí 20 - khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu trở thành điểm sáng của cả nước. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 158 xã đạt chuẩn (chiếm 68,9% tổng số xã), vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm. Huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới trước 02 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả tích cực, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quảng bá đầu tư, thu hút các dự án của một số tập đoàn mạnh đầu tư vào địa bàn, như tập đoàn Vingroup, T&T, FLC, Nguyễn Hoàng, Crystal Bay... đã khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư sau sự cố môi trường. Giai đoạn 2016-2018 đã thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng 50 dự án, bao gồm 37 dự án trong nước vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng và 13 dự án FDI vốn đầu tư 182 triệu USD. Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục được Trung ương lựa chọn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020, với hạt nhân phát triển là cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương và dự án Formosa; tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng, đầu tư, thu ngân sách, xuất khẩu, giải quyết việc làm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung cả nước.

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường, nhất là sau sự cố môi trường biển năm 2016. Đã kịp thời triển khai các giải pháp, từng bước ổn định tình hình, khôi phục sản xuất kinh doanh; Chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời; cơ bản hoàn thành công tác bồi thường bảo đảm khách quan, minh bạch, dân chủ, đúng quy định pháp luật; hỗ trợ người dân giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng. Môi trường biển, nguồn lợi thủy sản từng bước được phục hồi.

Nhiệm vụ sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 được triển khai nghiêm túc, quyết liệt. Ở cấp tỉnh hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Hợp nhất Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; giảm từ 26 ban quản lý dự án xuống còn 04 ban quản lý dự án.

Đại biểu tham dự hội nghị

Ở Cấp huyện: Hợp nhất các cơ quan ở huyện Đức Thọ: Hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện thành Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện; hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện; hợp nhất Văn phòng Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện thành Văn phòng Cấp uỷ - Chính quyền huyện. Hợp nhất đài truyền thanh - truyền hình với trung tâm văn hóa thành trung tâm văn hóa - thông tin ở 13/13 huyện, thành phố, thị xã. 11/13 địa phương thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở huyện, thành, thị ủy; Hợp nhất hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Anh, nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kỳ Anh. Thành phố Hà Tĩnh đã thực hiện Trưởng Ban Dân vận Thành ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố.

- Việc sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập thôn, tổ dân phố được triển khai quyết liệt. Đến nay giảm được 722 thôn, tổ dân phố (từ 2.837 giảm xuống còn 2.115 thôn, tổ dân phố; hiện toàn tỉnh bình quân một xã có 08 thôn, tổ dân phố; giảm bình quân gần 03 thôn, tổ dân phố/01 xã).

- Thực hiện nghiêm lộ trình tinh giản biên chế công chức giai đoạn 2016 - 2021. Toàn tỉnh đã giảm được 2.114 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó: 159 biên chế công chức hành chính, 1.398 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập, 557 biên chế cán bộ, công chức cấp xã; trong số đó, tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ là 775 người (nghỉ hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 657 người, nghỉ hưởng chính sách thôi việc ngay 118 người).

Thành lập và đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh, 13 trung tâm hành chính công huyện, thành phố, thị xã; 262/262 xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền liên quan đến người dân và doanh nghiệp đã được áp dụng tại Trung tâm Hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 12 bậc trong 2 năm 2016-2017, Hà Tĩnh thuộc nhóm 5 tỉnh có sự cải thiện tốt nhất chất lượng điều hành, thuộc tốp 10 xếp hạng cấp tỉnh về phát triển Chính phủ điện tử.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực và tiếp tục có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội cơ bản ổn định trong tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, giữ vững ổn định để phát triển. Quan hệ hợp tác đối ngoại ngày càng mở rộng.

Trong thành tích chung đó của tỉnh có sự đóng góp rất quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp. Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Kính thưa Hội nghị,

Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã phối hợp, luân phiên tổ chức các Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động với những chủ đề khác nhau. Đây là hoạt động rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh trong khu vực, đồng thời là dịp để chúng ta chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn hoạt động của mỗi tỉnh. Đặc biệt, đây còn là cơ hội quý báu để Hội đồng nhân dân được trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến chỉ đạo, định hướng của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Không chỉ giới hạn trong phạm vi các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ, Hội nghị của chúng ta hôm nay còn có sự tham gia của các đồng chí đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Văn phòng Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Đắc Nông với mong muốn mở rộng mối quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau và sẽ mang đến Hội nghị những ý kiến phong phú, đa dạng, đại diện cho các vùng, miền trong cả nước.

Kính thưa các đồng chí!

Phiên họp là một trong những hoạt động hết sức quan trọng của Thường trực Hội đồng nhân dân, là hình thức hoạt động mới được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tại phiên họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan. Việc tập trung nâng cao chất lượng phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh là một nội dung quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân nói chung và Thường trực Hội đồng nhân dân nói riêng. Chính vì vậy, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh trong khu vực đã thống nhất chủ đề của Hội nghị hôm nay là Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh” .

Mục đích của việc lựa chọn chủ đề nêu trên là để các đại biểu trao đổi, chia sẻ cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, một quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Từ đó có các kiến nghị, đề xuất góp phần hoàn thiện hơn quy định của pháp luật, làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động các phiên hợp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tôi đề nghị với các vị đại biểu từ hoạt động thực tế của địa phương, tích cực thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, những giải pháp tốt để vận dụng vào thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời có các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ những vấn đề cần quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn hoặc điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương.

Trên tinh thần đó, tôi xin khai mạc Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!"

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc