“Nóng” nhiều vấn đề tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân
EmailPrintAa
10:04 15/12/2019

Tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Nguyễn Văn Thắng được các đại biểu quan tâm nhiều đến tình hình và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa; việc cải sửa án của TAND tỉnh đối với các vụ án của TAND cấp huyện; giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, đặc biệt là công tác xét xử, tranh tụng tại phiên tòa và nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn Tòa án nhân dân tỉnh

Trả lời chất vấn về các vấn đề nêu trên, khẳng định một số kết quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Thời gian qua, Tòa án đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tố tụng về xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự tham gia vào quá trình tố tụng, nghiên cứu hồ sơ, tranh luận công khai và không hạn chế về thời gian, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, góp phần làm sáng tỏ sự thật của vụ án, giúp Hội đồng xét xử có được phán quyết khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tòa án đã thực hiện việc chỉ định người bào chữa đối với các trường hợp pháp luật quy định nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập thêm điều tra viên, kiểm sát viên, người tham gia tố tụng khác để xét hỏi tại phiên tòa.

Chánh án Tòa án nhân dân Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn tại Kỳ họp

Đối với vấn đề việc cải sửa án của TAND tỉnh đối với các vụ án của TAND cấp huyện, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trong năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh đã cải sửa 110 vụ án do Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm; trong đó, 97 vụ cải sửa do nguyên nhân khách quan, chiếm tỷ lệ 88,2%; 13 vụ cải sửa do lỗi chủ quan của cấp sơ thẩm, chiếm tỷ lệ 11,8%. Những sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm đã được cấp phúc thẩm sửa kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chất vấn

Để nâng cao chất lượng công tác, đặc biệt là công tác xét xử, tranh tụng tại phiên tòa và nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cho biết một số giải pháp thời gian tới như: Tăng cường sự phối hợp trong công tác với các sở, ban, ngành liên quan. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, đối thoại trong các vụ án hành chính; tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm để Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân học tập; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án. Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án. Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân thông qua công tác đào tạo, đào tạo lại. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, các khiếu nại tố cáo của công dân…

Phó Trưởng ban HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trần Hậu Tám

Chất vấn về các vấn đề nêu trên, liên quan đến công tác cải cách tư pháp đại biểu Nguyễn Huy Hùng đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cho biết các vụ việc tranh tụng tại phiên tòa đã đảm bảo đúng nguyên tắc theo nghị quyết 49-NQ/TW chưa? Tỷ lệ các vụ việc có luật sự bào chữa còn thấp, vậy ông đánh giá hiệu quả các vụ việc này như thế nào? Trong tổng số 110 cải sửa vụ án, có bao nhiêu vụ cải sửa theo hướng tăng nặng? Đề nghị ông cho biết với tư cách lãnh đạo ngành, ông đã kiểm soát được trình tự, nội dung giải quyết các vụ việc hình sự.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hổ

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Đỗ Khoa Văn

Liên quan đến chất lượng thẩm phán, đại biểu Trần Hậu Tám và đại biểu Đỗ Khoa Văn đề nghị làm rõ chất lượng, năng lực đội ngũ thẩm phán, luật sư trong công tác xét xử, tranh tụng tại tòa? Quy trình bổ nhiệm thẩm phán? Thẩm phán ít nhưng việc nhiều, phức tạp, vậy có nên tổ chức thành lập thẩm phán khu vực? Nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại.

Xung quanh đến các vụ việc liên quan đến đất đai, đại biểu Nguyễn Văn Hổ và đại biểu Đỗ Khoa Văn cho rằng các vụ án về giải quyết tranh chấp đất đai phần nhiều liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, tuy nhiên khi tòa án xét xử thì lãnh đạo chính quyền không có mặt. Vậy Tòa án xử lý vấn đề này như thế nào? Đồng thời, làm rõ có bao nhiêu vụ hòa giải thành liên quan đến lĩnh vực đất đai?

Đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần nêu lên những vụ việc cụ thể mà cử tri phản ánh, như vụ án của ông Hoàng Bá Dũng do gửi bản án chậm dẫn đến việc thi hành án chậm, đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và đã thực hiện giải quyết như thế nào? Có một số loại tội phạm đánh bạc, lừa đảo có xu hướng tăng, phải chăng mức án tuyên chưa đủ sức răn đe? Giải pháp nào để thực hiện hòa giải đoàn tụ đối với các vụ án ly hôn? Đại biểu Bùi Nhân Sâm chất vấn về tình trạng nhận đơn khởi kiện nhưng chậm thụ lý, giải quyết, đề nghị làm rõ thực trạng, nguyên nhân và biện pháp giải quyết.

Đại biểu Đoàn Đình Anh chất vấn thêm về việc giải quyết vụ án dân sự, hành chính thường thiếu sự hợp tác của chính quyền địa phương, vấn đề này Tòa đã có biện pháp xử lý như thế nào? Đại biểu Nguyễn Quốc Hà đề nghị cho biết các giải pháp để giúp các đối tượng phạm tội không tái phạm, hòa nhập cộng đồng.

Trả lời các câu hỏi đại biểu chất vấn, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã giải trình rõ về mức tuyên án theo xu hướng tăng hình phạt tiền, giảm bớt hình phạt tù theo chỉ đạo của TAND tối cao; chất lượng, năng lực của thẩm phán, luật sư trong hoạt động tranh tụng tại tòa. Chánh án TAND tỉnh cũng làm rõ thêm về việc cải sửa án hiện nay, khẳng định: Án phải cải sửa năm 2019 có giảm hơn so với 2018 và chưa vượt quá quy định cho phép. Việc cải sửa là điều không thể tránh khỏi bởi do những khó khăn trong quá trình thu thập, điều tra cũng như những chồng chéo về luật. Trong thời gian tới, ngành sẽ nỗ lực hơn nữa để hạn chế thấp nhất việc cải sửa, hủy án.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Lê Thị Quỳnh Hoa tham gia giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu chất vấn

Đối với câu hỏi chất vấn về chất lượng, quy trình bổ nhiệm thẩm phán, Chánh án Tòa án tỉnh khẳng định: Việc bổ nhiệm thẩm phán là hết sức chặt chẽ, đảm bảo quy định. Các thẩm phán được bổ nhiệm đều phải đảm bảo các điều kiện hết sức khắt khe, ngoài đảm bảo về trình độ, chuyên môn thì còn cần phải có trên 5 năm hoạt động phấn đấu cán bộ.

Về vấn đề tỷ lệ tội phạm đánh bạc, lừa đảo có xu hướng gia tăng, Chánh án Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin ngày càng đồng bộ kéo theo sự hoạt động mạnh của các loại tội phạm này, hình thành các băng nhóm tội phạm. Thời gian qua, Tòa án đã xét xử và tuyên ngán nghiêm minh, có sức răn đe đối với loại tội phạm này. Tuy nhiên, để thực sự phòng ngừa, ngăn chặn được loại tội phạm này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; không ngừng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn kết luận phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân

Cùng tham gia làm rõ thêm phần trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Lê Thị Quỳnh Hoa giải trình các vấn đề về hoạt động tranh tụng, tố tụng các vụ việc tại phiên tòa; việc cải sửa án của TAND tỉnh đối với các vụ án của TAND cấp huyện.

Kết thúc phần chất vấn của Chánh án Tòa án nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị với các câu hỏi chất vấn hôm nay chưa được làm rõ tại Kỳ họp, đề nghị Chánh án TAND chuẩn bị kỹ các nội dung để trả lời, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh sắp tới.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc