Xiết chặt công tác quản lý xuất khẩu lao động trên địa bàn
EmailPrintAa
10:48 15/12/2019

Bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề chất vấn trực tiếp cuối cùng tại Kỳ họp thứ 12, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc đã trả lời về các nhóm vấn đề liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, kết quả thực hiện công tác xuất khẩu lao động và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc: Tính đến nay, Hà Tĩnh đang có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản có 11.658 người, Hàn Quốc có 11.253 người, Đài Loan có 17.523 người, Thái Lan có 10.772 người, Angola có 2.982 người; Lào có 2.077 người và các nước Châu Âu có 5.676 người. Tổng thu nhập của người lao động đi làm ở việc ở nước ngoài đạt được là rất lớn, chỉ tính riêng số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong thời gian qua tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm. Cùng với những sai phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, thì tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước đang là vấn đề đáng báo động. Hà Tĩnh hiện có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nếu tính số lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động của nước sở tại, Hà Tĩnh có trên 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Đây thực sự là con số đáng báo động đối với tình hình xuất khẩu lao động hiện nay của tỉnh.

Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt chất vấn

Với những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài và nhiệm vụ thời gian tới, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời rằng: Tất cả số lao động di cư tự do ra nước ngoài làm việc, xét về mặt pháp lý thì người lao động không vi phạm pháp luật của Việt Nam vì người lao động sử dụng hộ chiếu, VISA hợp pháp đi du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, du học… Vì vậy, để thực hiện các biện pháp hạn chế hay xử lý là không có căn cứ.

Đại biểu Đào Thị Anh Nga

Bên cạnh đó, công tác quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng hết sức khó khăn; công tác tuyển chọn lao động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng không tuân theo một chuẩn mực, hay một quy định nào; hình thức tuyển dụng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động là sử dụng điện thoại và mạng xã hội Zalo, Facbook để giới thiệu đơn hàng, hướng dẫn người lao động đăng ký tham gia các chương trình xuất khẩu lao động. Các chế tài xử phạt đối với người lao động vi phạm các quy định pháp luật đã được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng, nhưng văn bản hướng dẫn của liên bộ chưa rõ ràng và người lao động bị xử phạt thì đang cư trú ở nước ngoài. Chính vì vậy, mặc dù đã có trên 1.300 lao động thuộc đối tượng bị xử phạt, nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa xử lý được trường hợp nào, điều này làm gia tăng số lao động cư trú bất hợp pháp.

Đại biểu Đoàn Đình Anh

Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường xuất khẩu lao động đến tận cơ sở và người lao động để mọi người dân nắm bắt thông tin, lựa chọn, đăng ký tham gia. Yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cung cấp thông tin công khai, chính xác về các khoản chi phí người lao động phải đóng nộp, về điều kiện làm việc, về tiền lương, phúc lợi xã hội để người lao động nắm bắt thông tin. Tăng cường công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động. Tăng cường công tác kiểm soát của các Cơ quan chức năng: Ngoại vụ, Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình lao động di cư tự do đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động xuất khẩu lao động; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Chất vấn ngành Lao động Thương binh và Xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt đề nghị Giám đốc Sở cho biết số lượng doanh nghiệp ngoài tỉnh hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Có hay không việc các doanh nghiệp, cá nhân chưa có giấy phép xuất khẩu lao động tiến hành tư vấn, tuyển sinh, đào tạo xuất khẩu lao động. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhi

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động không đúng quy định; giải pháp giảm số lượng lao động bất hợp pháp ở nước ngoài là những vấn đề được đại biểu Đào Thị Anh Nga, Nguyễn Thị Nhi, Trần Hậu Tám chất vấn ngành Lao động Thương binh và Xã hội.

Băn khoăn về tình trạng nhiều doanh nghiệp về tận địa phương để tư vấn, tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động, đại biểu Trần Việt Hà, Nguyễn Văn Danh đề nghị Sở cần công khai các doanh nghiệp có uy tín trên lĩnh vực này để khi có doanh nghiệp về địa phương có cơ sở để quản lý.

Thắng thắn nhìn nhận tình trạng xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Trí Lạc đã trả lời từng vấn đề cụ thể các đại biểu chất vấn và cho biết thêm: Hiện nay, ngành đang phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ngành Lao động Thương binh và Xã hội

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh bước vào phiên giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn và tiến hành phiên bế mạc tại Kỳ họp

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc