ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
21:08 22/07/2021

Chiều ngày 22/7, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận ở Tổ đại biểu để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và đề ra các giải pháp thực hiện 06 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025. Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng Tổ thảo luận với tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hải Phòng. Dự thảo luận có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tổ cùng các tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hải Phòng.

Thảo luận  tại Tổ, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội bầu tại Hà Tĩnh bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của các cơ quan Quốc hội; đồng thời khẳng định, giai đoạn vừa qua, phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong hơn một năm qua dẫn tới một số chỉ tiêu quan trọng đề ra không đạt kế hoạch. Nhưng tổng thể kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tích cực; KTXH có bước phục hồi, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận.

Đánh giá cụ thể, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Hoàng Trung Dũng cho rằng sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tác động của khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn; dịch bệnh trong gia súc gia cầm bùng phát rất mạnh, như Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp nhưng thiệt hại của Nhân dân rất lớn.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội và Chính phủ có những chủ trương, chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình, đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ đặc thù để Hà Tĩnh triển khai thành công Đề án Thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Về địa giới hành chính và việc sáp nhập, chia tách tổ chức bộ máy nhà nước, Trưởng đoàn Hoàng Trung Dũng đề nghị cần xây dựng lộ trình cụ thể, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai diện rộng để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung, cũng như tư tưởng của cán bộ và Nhân dân.

Khẳng định thời gian qua cán bộ thôn xóm, cán bộ bán chuyên trách đã triển khai thực hiện rất nhiều công việc quan trọng ở cơ sở, với áp lực lớn, nhưng theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP thì chế độ còn thấp, vì vậy Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề xuất cần quan tâm tăng chế độ, chính sách đãi ngộ để khuyến khích lực lượng này nhằm phát huy là ‘‘cánh tay nối dài” của hệ thống chính trị.

Đồng chí cũng đề nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn, tăng tính chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm của địa phương để các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh.

Tham gia ý kiến, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề xuất cần rà soát hệ thống pháp luật để đảm bảo sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, nhất là luật pháp về đất đai, đấu thầu, quản lý tài sản công; tăng cường kỷ luật tài chính, ngân sách, điều chỉnh cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững hơn. Đại biểu đề nghị phải bám sát diễn biến thực tế, đánh giá và xây dựng các kịch bản phù hợp trong tình hình đại dịch covid từ đó đưa ra các chỉ tiêu sát đúng, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp trung hạn.

Đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng thảo luận.

Đánh gía sự chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng của Chính phủ, cũng như thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Minh Hưng - Chánh văn phòng Trung ương đảng đề nghị phải làm rõ hơn những kinh nghiệm trong phát triển giai đoạn qua nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. Từ đó tháo gỡ những điểm nghẽn lớn, đồng bộ thể chế và pháp lý, đảm bảo hạ tầng thiết yếu, quản lý sử dụng đất đai, tính bền vững công tác giảm nghèo, kiểm soát chi ngân sách nhà nước, thu hút nguồn lực đầu tư… Đồng chí nhấn mạnh, sau khi Quốc hội có Nghị quyết, Chính phủ phải tập trung cao, triển khai hiệu quả, kịp thời và tiếp tục đề xuất với Quốc hội ban hành, sửa đổi các luật, nghị quyết hoặc cho thí điểm nếu vượt thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất với ý kiến phát biểu của đại biểu các Đoàn, đồng thời nhấn mạnh những kết quả nổi bật cũng như những khó khăn, hạn chế của tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và 06 tháng đầu năm 2021. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025. Đây là những giải pháp có tính đột phá, được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020, dự báo tình hình thế giới và trong nước trong thời gian tới; bám sát theo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 3, khoá XII.

Trước những diễn biến của dịch covid với biến thể Delta và Delta + có thể gây tác động lớn và kéo dài, thế giới đang tập trung đối phó bằng vắcxin, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam quyết tâm đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022; kiên trì thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo linh hoạt tuỳ theo thời điểm và từng địa bàn; ưu tiên tập trung cao trong lãnh đạo, dành thời gian, nguồn lực cho công tác phòng chống dịch./.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc