Trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến lĩnh vực Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn
EmailPrintAa
09:42 16/12/2022

Bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp mở đầu tại Kỳ họp thứ 11, cuối buổi chiều 15/12/2022, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời các nội dung liên quan đến ngành

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng chủ trì phiên chất vấn

Trả lời những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, Giám đốc Nguyễn Văn Việt cho biết : Hiện nay các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân với với các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn.. Giám đốc Sở đưa ra giải pháp thời gian tới như sau:

Bám sát mục tiêu, định hướng theo Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, Đề án Thí điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động số 16- CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tâm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung cao chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hiệu quả giải pháp đề ra, trong đó chú trọng cũng cố, hoàn thiện, nhân rộng các chuỗi, liên kết đã và đang hình thành trên các lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa chủ lực, trọng tâm: liên kết sản xuất lúa gạo theo hướng an toàn, hữu cơ, chè xuất khẩu, cây ăn quả (cam, bưởi Phúc Trạch) theo hướng thâm canh; trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ,... Tiếp tục thu hút, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi kép từ sản xuất, đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, trước hết là Nghị định số 98/NQ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 51/NQ-HNĐND của HĐND tỉnh về Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 và các nghị quyết liên quan. Hàng năm, chỉ đạo sơ kết, tổng kết đánh giá, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới phù hợp nhằm nhân rộng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Đại biểu tham dự phiên chất vấn

Lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực xã hội khác để đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất như: hạn tầng các vùng sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, đường lâm nghiệp; phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; kiểm tra, kiểm soát môi trường tại các vùng sản xuất tập trung. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng mẫu mã, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển chuỗi cửa hàng liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang được nông dân trong tỉnh quan tâm triển khai, bước đầu ở các địa phương đã có một số mô hình hiệu quả; tuy vậy, tỉnh chưa ban hành nhiều chính sách đủ mạnh về nông nghiệp hữu cơ Giám đốc Sở Nguyễn Văn Việt cho biết: Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới cần phải tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, nhận thức cho cả người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu và các quan điểm, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái  theo Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ tỉnh và các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 của Chính phủ, cùng các nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành.

Tiếp tục tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, trong đó trọng tâm: Chỉ đạo nhân rộng và tổ chức sơ kết đánh giá các mô hình, chuỗi liên kết nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn hiện có; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai các nội dung hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm. Đánh giá lại quy trình sản xuất thực tiễn đối với các sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp trên các phương diện: quản lý, chất lượng, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,… để từ đó nghiên cứu đề xuất, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trong thời gian tới. Mở rộng quy mô, triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đến chuẩn hữu cơ (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), trên cơ sở lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh gắn với chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách  theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND, số 78/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã ban hành. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu, xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, như mở rộng hỗ trợ sản xuất, cấp mã vùng trồng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu …

Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, các mặt hàng chế phẩm sinh học, phân bón, thức ăn có nguồn gốc hữu cơ vi sinh… Hình thành doanh nghiệp có vai trò đầu tàu về sản xuất hữu cơ, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật đến các trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình; đồng thời là đơn vị thu mua, bao tiêu, chế biến, liên kết khép kín chuỗi nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn (như Tập Đoàn Quế Lâm…). Khuyến khích xây dựng và phát triển hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc sản, có truy xuất nguồn gốc,…

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo thống nhất, phối hợp giữa các ngành và địa phương theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh. Trong đó, chú trọng, quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất hữu cơ (phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học, nguồn nước tưới, quy trình canh tác, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc...); tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn đã được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường

Liên quan đến vấn đề chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân; tuy nhiên còn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh đồng chí Giám đốc sở xin nêu ra một số giải pháp sau: Xác định chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ đang đóng vai trò quan trọng trong chăn nuôi lợn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 26/4/2022 về thực hiện Chiến lược chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển tiếp tục tổ chức lại theo hướng an toàn, hiệu quả; mục tiêu đến năm 2030 chăn nuôi lợn nông hộ chiếm trên 30% . Thời gian tới, để vừa phát triển chăn nuôi lợn bền vững, cũng như bảo vệ môi trường và kiểm soát tốt dịch bệnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm:

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi tổ chức tái đàn, thả nuôi lợn khi đảm bảo các các điều kiện về diện tích chuồng nuôi, khoảng cách đến các khu vực sinh hoạt, có các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường (như có hệ thống biogas, sử dụng các chế phẩm sinh học …), có phương án và áp dụng tiến bộ kỹ thuật đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Chỉ đạo tổ chức sản xuất tuân thủ đầy đủ các điều kiện trong hoạt động chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, như về kê khai hoạt động chăn nuôi, đáp ứng khoảng cách; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ định kỳ; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải, xác vật nuôi theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường… Nếu người chăn nuôi vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản: số 2215/UBND-NL  ngày 14/4/2021, số 7088/UBND-NL ngày 25/10/2021, số 5725/UBND-NL4 ngày 10/10/2022; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án di dời, quy định khu vực hạn chế chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn theo quy định. Triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các nội dung chính sách phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh; đồng thời, chủ động triển khai các chính sách của Trung ương (Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trong đó có chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ).

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, khuyến nông cơ sở thường xuyên cập nhật, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường để khuyến cáo người dân có kế hoạch thả nuôi, tái đàn hợp lý; chuyển đổi đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đối với việc thực hiện Chương trình nông thôn mới ở một số địa phương có biểu hiện chùng xuống; công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá chưa thường xuyên; một số nội dung, tiêu chí tỉnh nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao còn gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực lớn .đống chí Giám đốc sở thay mặt ngành xin nhân trách nhiệm là trước hết thuộc về Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc tham mưu, tổng hợp, điều phối cấp tỉnh; trách nhiệm của các sở, ngành trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát theo các nội dung, tiêu chí lĩnh vực phụ trách và các địa phương với vai trò tổ chức thực hiện.

Đồng thời nêu rõ một số giải pháp trọng tâm thời gian tới: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả tỉnh chung sức xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị và Nhân dân toàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lộ trình xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới..

Các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá lại nội dung, tiêu chí theo các Bộ Tiêu chí và Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và trên cơ sở kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh tại tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022, đánh giá giữa kỳ về xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kịp thời xây dựng và ban hành đồng bộ chương trình, kế hoạch cụ thể để củng cố, cập nhập đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mới; phấn đấu đến năm 2023 có 100% số xã đạt chuẩn; đến năm 2024 có 100% huyện đạt chuẩn, thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đối với 03 huyện (Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc) phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao theo Đề án được phê duyệt, cần tập trung cao thực hiện các nội dung, tiêu chí: Thu nhập; nước sạch tập trung, môi trường...; huyện Nghi Xuân thực hiện có hiệu quả Đề án huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các chỉ tiêu, tiêu chí đảm bảo phát triển một cách toàn diện; cần tập trung cao để có sự chuyển biến nhanh về chiều sâu, vững chắc. Các sở ngành phụ trách tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí và có giải pháp để thực hiện đảm bảo lộ trình.

Tiếp tục huy động tổng hợp các nguồn lực xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương đề xuất hỗ trợ nguồn lực, tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án thực hiện các tiêu chí tỉnh nông thôn mới, triển khai thực hiện các mô hình thí điểm theo Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; phát huy cao sự chủ động của người dân, của địa phương; tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giai đoạn 2022-2025; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; tăng cường xã hội hóa…

Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp (được ưu đãi) gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác xã đồng chí Giám đốc sở xin làm rõ một số nội dung sau:

- Đối với các dự án chưa được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, phải trả lại hồ sơ: Do các dự án đầu tư có quy mô và tổng mức đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả đầu tư… Các nhà đầu tư không có năng lực về tài chính, năng lực về quản trị kinh doanh, thiếu kinh nghiệm và trình độ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (như: Chăn nuôi, trồng trọt, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp); thiếu thị trường đầu ra ổn định…

- Về giao đất, cho thuê đất:  Qua kết quả rà soát cho thấy, đối với 16 dự án sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay chưa được thuê đất, nguyên nhân chính là sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục tiếp theo theo quy định để đề nghị UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất. Theo quy định để xây dựng hồ sơ thuê đất, chủ đầu tư phải phối hợp với các Sở, ngành liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư….) và chính quyền địa phương nơi có đất để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo thủ tục hành chính số 01 (mục I, phần B) thuộc Bộ thủ tục hành chính được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 18/4/2022. Tuy vậy, đối với 16 dự án nông nghiệp từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay, chưa có nhà đầu từ nào nộp hồ sơ đề nghị thuê đất và cũng không có kiến nghị, phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng hồ sơ thuê đất để UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định.

- Trong thực hiện giao đất, cho thuê đất sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư: Theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để thực hiện các thủ tục: quy hoạch chi tiết; đánh giá tác động môi trường; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trồng rừng thay thế; bồi thường GPMB hoặc thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoàn thành mới thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định; do đó, để thực hiện thủ tục thuê đất Nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan nêu trên.

Theo quy định tại Điều 73, Luật Đất đai 2013; Điều 16, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với những dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng, góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư; do đó, công việc này thường mất rất nhiều thời gian và khó khăn do không thỏa thuận được với những người có quyền sử dụng đất trong phạm vi GPMB thực hiện dự án.

Đại biểu Thái Văn Sinh, Tổ đại biểu huyện Đức Thọ

Sau phần trả lời của Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Thái văn Sinh – Tổ đại biểu huyện Đức Thọ: “Thời gian qua, trên mạng xã hội và báo chí lan truyền thông tin về tình trạng bò từ nước ngoài xâm nhập qua biên giới về Việt Nam vỗ béo rồi tiêu thụ, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vậy, ở Hà Tĩnh có loại bò này không? Nếu có thì ngành có giải pháp nào để ngăn chặn?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy, Tổ địa biểu huyện Hương Sơn

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy nêu thực tế, hiện nay nhiều địa phương thực hiện cánh đồng mẫu lớn song mới chỉ dừng lại ở việc phá bỏ bờ thửa, không phải tích tụ ruộng đất dẫn tới hiệu quả chưa cao. Vậy, ngành NN&PTNT đã tham mưu những giải pháp nào? Đại biểu Thủy cũng đặt câu hỏi về giải pháp quản lý trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản.

Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân - Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh

Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân - Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn khi hiện nay khối lượng công việc lớn nhưng cán bộ thú y còn thiếu khá nhiều, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở?

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga – Tổ đại biểu Nghi Xuân: Hiện nay, thực hiện Đề án tỉnh nông thôn mới, tỉnh ta còn 8 tiêu chí trong đó có nhiều tiêu chí yêu cầu cao (ví dụ như: Tiêu chí về phát triển sản xuất, Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt tối thiểu 60 triệu đồng (năm 2022 ước đạt trên 37 triệu đồng); Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình tập trung tối thiểu phải đạt 50% (hiện nay mới đạt 20,7%....) trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Với vai trò ngành tham mưu, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh giải pháp  nào trong thời gian tới để đạt được mục tiêu, lộ trình theo Đề án đã được TTCP phê duyệt?

Đai biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân

Ngay sau khi các ý kiến của đại biểu chất vấn về ngành, đồng chí Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn đã giải trình làm rõ những giải pháp, lộ trình thực hiện đối với các vấn đề liên quan; đồng thời, đề cập tới các giải pháp như: thực hiện mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân với với các DN, HTX còn nhiều khó khăn; định hướng về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới; giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khi trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM; chất lượng giống cây trồng; vấn đề an toàn trong sản xuất nông nghiệp.

BBT

    Ý kiến bạn đọc