Phát huy vai trò và trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
07:34 27/11/2015

Đại biểu Hội đồng Nhân dân do dân bầu ra làm người đại diện cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực ở địa phương, thực hiện quyền dân chủ đại diện của dân thông qua Hội đồng Nhân dân. Như vậy, với trách nhiệm dân giao phó, đại biểu Hội đồng Nhân dân phải thực hiện đúng chức trách của mình là người của Nhân dân, thay mặt Nhân dân để tham gia vào cơ quan Nhà nước, để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, vì dân. Để làm tròn được vai trò đó, người đại biểu Hội đồng Nhân dân cần phải thấy hết được vinh dự và trách nhiệm của mình, luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà dân tin yêu giao phó.

Làm tốt chức trách người đại biểu của dân

Dẫu đang giữ cương vị công tác gì, khi được dân bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân thì người đó đã thuộc về dân, phải đứng trên lập trường của dân, thay mặt dân để tham gia vào cơ quan Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân. Để làm được điều đó, đại biểu Hội đồng Nhân dân phải luôn sâu sát dân, gần gũi dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, thu thập ý kiến của dân để phản ánh khách quan, trung thực cho Hội đồng Nhân dân. Người đại biểu của Hội đồng Nhân dân phải có chính kiến, phải thường xuyên và chủ động tiếp xúc với dân để một mặt nắm bắt những đề nghị chính đáng của dân phản ánh cho Hội đồng Nhân dân, mặt khác giải thích cho dân rõ, dân hiểu luật pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như những chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền để dân hiểu và thực hiện. Muốn làm tốt điều này, người đại biểu Hội đồng Nhân dân phải luôn học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết trên các lĩnh vực, đủ sức để nghe, tiếp thu, phân tích những ý kiến của dân khi đứng trước dân cũng như khi tham gia phát biểu chính kiến của mình trong Hội đồng Nhân dân.

 

Đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp thứ 14,

HĐND tỉnh khóa XVI

 

Là đại biểu cho dân, người đại biểu Hội đồng Nhân dân phải luôn tự trau dồi mình, tự vươn lên, tự rèn luyện để đảm đương tốt vai trò của mình và xứng đáng với sự tín nhiệm của dân. Trong cơ chế thị trường, trước những tiêu cực, cám dỗ, người đại biểu phải vững vàng, phải có bản lĩnh để không chỉ tự đề phòng cho mình giữ được trong sạch, mà còn phải tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Phẩm chất đạo đức của người đại biểu Hội đồng Nhân dân là tiêu chuẩn không thể thiếu được, bởi khi đã là đại diện cho dân thì không chỉ là đại diện cho tiếng nói, đại diện cho quyền lợi và nghĩa vụ mà còn là đại diện cho nhân cách của dân.

Chức trách của người đại biểu Hội đồng Nhân dân còn phải được thể hiện ở việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị công tác đang đảm nhiệm. Trong thực tế do sự cơ cấu về tổ chức của Hội đồng Nhân dân mà các đại biểu Hội đồng Nhân dân hoặc là chuyên trách ở cơ quan của Hội đồng Nhân dân, hoặc nói chung đang giữ các chức vụ trong bộ máy của hệ thống chính trị ở các cấp, hay đại diện cho các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh... Việc thực hiện tốt nhiệm vụ công tác của mình cũng là một tiêu chuẩn không thể thiếu được của người đại biểu Hội đồng Nhân dân. Vì có làm tốt nhiệm vụ công tác thì dân mới tín nhiệm bầu, khi được bầu làm đại biểu rồi thì cần phải làm tốt hơn để xứng đáng với sự tín nhiệm của dân.

Tạo điều kiện cho đại biểu Hội đồng Nhân dân thực hiện được vai trò của mình

Là đại biểu của dân thì phải gần dân, được nghe đầy đủ ý kiến của dân để phản ánh cho Hội đồng Nhân dân. Bởi vậy, ngoài việc tự tìm hiểu, tự liên hệ gắn bó với dân thì các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để đại biểu Hội đồng Nhân dân được tiếp xúc với cử tri, tiếp xúc với dân theo định kỳ đều đặn. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri phải tạo được không khí dân chủ để dân nói lên hết tâm tư nguyện vọng cũng như phản ánh những kiến nghị, đề xuất công khai, thoải mái, đồng thời để đại biểu Hội đồng Nhân dân trả lời, giải thích với dân về những điều mà dân chưa rõ hoặc còn thiếu thông tin. Khi những ý kiến đề xuất của dân được đại biểu phản ánh thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiêm túc lắng nghe để giải trình và tiếp thu thực hiện. Có như vậy thì dân mới tin đại biểu và đại biểu mới có uy tín với dân.

Hoạt động quan trọng của đại biểu là ở các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân. Ở kỳ họp các đại biểu dân chủ thảo luận, phát biểu ý kiến của mình vào các chủ trương, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân trên các lĩnh vực của xã hội; các đại biểu chất vấn các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn về những vấn đề có liên quan đến trực tiếp đời sống của dân trên các lĩnh vực, cũng như việc quản lý, điều hành của bộ máy công quyền. Muốn làm tốt được chức năng quan trọng này ngoài bản lĩnh, trình độ năng lực thì các đại biểu cần tự nắm và được cung cấp đầy đủ các thông tin. Các báo cáo gửi đến cho đại biểu phải có thời gian để đại biểu đọc, nghiên cứu; các số liệu các thông tin phải cập nhật và chính xác. Có như vậy thì đại biểu mới đủ cơ sở để tham gia ý kiến và tham gia có chất lượng vào các quyết định của Hội đồng Nhân dân một cách thực chất, tránh hình thức, chiếu lệ.

Suy cho cùng chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu. Ngoài việc “chọn mặt gửi vàng” dân bầu ra các đại biểu thực sự có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác thì việc tự phấn đấu vươn lên để đáp ứng với yêu cầu của người đại biểu Hội đồng Nhân dân là hết sức quan trọng. Một mặt mỗi đại biểu có chương trình kế hoạch để tự bồi dưỡng, phấn đấu, nhưng mặt khác Hội đồng Nhân dân, cấp uỷ Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho người đại biểu hoạt động trong thực tiễn cũng như tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề, nghiệp vụ, các lớp tập huấn về vai trò, nhiệm vụ người đại biểu, các đợt học tập nghiên cứu Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp, luật pháp là hết sức cần thiết.

Các cơ quan chuyên môn giúp việc Hội đồng Nhân dân luôn hướng công việc của mình về các đại biểu, thường xuyên cung cấp thông tin và tạo mọi điều kiện đảm bảo để các đại biểu được thuận lợi nhất trong hoạt động của mình.

Trong thực tế, ngoài một số đại biểu hoạt động chuyên trách thì đa phần các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, phần lớn thời gian và tâm sức tập trung vào công việc chuyên môn trên lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Nên làm sao các đại biểu có đủ thời gian và tâm trí dành cho hoạt động của người đại biểu là một vấn đề đặt ra trong thực tế. Bởi vậy, ngoài sự phấn đấu, nhận rõ trách nhiệm đại biểu của mình, thì các cơ quan, đơn vị có đại biểu tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp cần động viên giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho người đại biểu hoạt động, làm trọn nghĩa vụ là người đại diện cho cơ quan và tổ chức của mình, là người đại diện cho dân, được dân bầu ra thay mặt mình tham gia Hội đồng Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.


    Ý kiến bạn đọc