Cảo thơm lần giở - chuyện nhỏ về những nhà báo lớn
EmailPrintAa
20:24 20/06/2020

Dù kỹ thuật và phương pháp làm báo thay đổi từng ngày, nhưng lòng yêu nghề, tinh thần không mệt mỏi và tác phong của người làm báo thì mãi còn đó. Lần theo những tư liệu, lời kể của lớp người đi trước, để thấy như lịch sử sống lại, rút ra bài học bổ ích cho hôm nay, tất cả vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Một lối nghĩ riêng

Sinh thời, trong bài viết “Kể chuyện công tác phóng viên ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II” năm 1951 (trong tập Cây tre Việt Nam), nhà báo Hà Văn Lộc nhắc đến cuộc thảo luận về thể tài tờ báo mới của Đảng (lúc đó, báo Sự thật đang ra mấy số cuối cùng). Thành phần tham dự thảo luận có một số nhà văn tên tuổi, xu hướng nói rõ là muốn tờ báo Đảng linh hoạt hơn, đỡ khô khan, hấp dẫn một chút, “văn nghệ” hơn, rất nhiều ý kiến. Đến khi hình thành đề cương, cả hội nghị sang xin ý kiến quyết định của Tổng Bí thư. Đó là buổi tối mùa đông Việt Bắc, trời rét căm căm. Bên đống lửa cời to lên giữa gian nhà tranh, đồng chí Trường Chinh chăm chú lắng nghe và dứt khoát bác bỏ đề cương, thay đổi đề tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc làm việc tại Báo Sự thật khoảng năm 1947 - 1951 (có một số nhà báo như Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm…).
Ảnh tư liệu

“Vì tờ báo Đảng là một tờ báo chính trị trước hết, trang bị bằng tư duy chính trị của Đảng. Nếu tôi không lầm, cái tên báo ngày nay - tên Nhân dân được bật ra từ buổi tối bên bếp lửa hồng đó”. Và ấn tượng những ngày đầu của tờ báo Nhân dân ấy là nhiều bài viết phản ánh những sự kiện, khía cạnh, nội dung phong phú, sinh động của cuộc sống, dưới bút danh: Thép Mới, của nhà báo Hà Văn Lộc. Ông nói về bút danh này của mình: “Một nhà báo cách mạng cần phải có ngòi bút, tư duy chính trị, nghề nghiệp sắc như thép mới mài, hoặc như loại thép hiện đại sắc hơn thép cũ. Vì cuộc cách mạng của ta đã thắng lợi oanh liệt, song còn phải đương đầu với nhiều thế lực thù địch, nhiều thử thách ác liệt”.

Cố nhà báo Hữu Thọ (trong cuốn Tình bút mực) kể về kỷ niệm ngày đầu làm phóng viên, có những bài viết khô khan, tẻ nhạt, bị lãnh đạo chê, ông rất buồn và nghĩ mình đã chọn sai nghề. Lúc ấy, nhà báo Thép Mới gọi ông lại bảo: “Cậu chưa chi đã nản. Làm việc gì cho giỏi mà chẳng khó. Còn cứ làng nhàng thì khó gì. Phải đi vào ngóc ngách đời sống, phải tạo cho mình một lối nghĩ riêng, phải có suy nghĩ thật mới thì người ta mới đọc. Nên bắt đầu từ những hiểu biết sâu sắc của mình”. Đấy là bài học đầu tiên của Hữu Thọ về nghề báo. Sự hiểu biết thấu đáo của ông bấy giờ chủ yếu là cuộc kháng chiến chống Pháp, là đời sống nông dân ở đất lúa Thái Bình quê ông. Thế là ông viết về sự biến đổi của đời sống nông dân thời kỳ mới, bài viết “Những con đường kháng chiến quê tôi” được cho đăng ngay, không chữa một chữ. Rồi Hữu Thọ đi chiến trường, viết những bài nóng hổi hơi thở của mặt trận.

Làm báo phải có ba "bằng đại học"

Nền báo chí cách mạng Việt Nam có nhiều đại thụ, không chỉ lưu danh qua những trang viết chính luận, phóng sự, phê bình… xuất sắc, mà còn ở phong cách làm việc, những trải nghiệm và suy ngẫm, đúc kết về nghề. Đến giờ, nhà báo Phan Quang vẫn còn nhớ lần được cử làm phóng viên phục vụ chuyến Bác Hồ đi thăm cơ sở. “Bài tường thuật suôn sẻ. Tuy nhiên ngay sáng hôm báo đăng, Tổng Biên tập Hoàng Tùng gặp giữa sân, nhăn mặt: “Sao anh không gửi bài anh viết cho cả báo Thủ đô Hà Nội, Thông tấn xã và Đài Phát thanh cùng sử dụng? Bác Hồ vừa phê bình tôi. Bác bảo: “Ra Bác Hồ là chỉ của Báo Nhân dân, Bác Hồ không phải của các báo, đài khác nữa sao?”. Anh nói tiếp, giọng nhẹ nhàng hơn: “Lần sau anh lưu ý hộ tôi nhé. Tôi có quên, anh là người làm trực tiếp, anh phải nhớ”. Theo nhà báo Phan Quang, “nhớ” ở đây là nhớ bài học về nghề, về nghiệp, bài học về con người.

Từng lời nhắc nhở của người đi trước, mỗi lần va vấp, trải nghiệm là một bài học để làm nghề. Đó là quan niệm của nhà báo Hà Đăng trong suốt mấy chục năm theo nghiệp báo. Ấn tượng trong cuộc đời lăn lộn với con chữ của ông là có một số bài báo được Bác Hồ cho ý kiến. Đó là năm 1956, Hà Đăng viết tin phản ánh một hội nghị tổng kết nông nghiệp, có Bác đến dự. Nhưng ông chỉ phản ánh những “khuyết điểm” mà Bác nêu ra, trong khi năm đó được mùa lớn và Bác đã có thư khen. Những “khuyết điểm” mà Bác nêu ra để dặn dò đừng có tự cao tự đại. Sau khi bài báo được in, Bác đã điện thoại cho Tổng Biên tập phê bình: “Nông nghiệp được mùa, Chủ tịch Nước đến thăm hội nghị, sao chỉ có phê bình?”. Năm 1968, ông viết bài “Phá bĩnh và láo xược” phê phán thái độ của bọn Thiệu - Kỳ phá hoại việc đến dự hội nghị Paris và có những lời lẽ xấc xược đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Bác điện thoại khen bài viết nhưng phê bình hai chữ “phá bĩnh” không ổn, thiếu tính chính trị.

Nhà báo Hà Đăng chia sẻ, sau những lần đó, ông thấm thía rằng: “Viết một cái tin cũng phải rất thận trọng, phải đúng sự thật, nhưng nhìn nhận sự thật đó như thế nào, mình phải cân nhắc kỹ, không thể theo một tư duy ấu trĩ, càng không thể chiều theo cảm xúc cá nhân. Đồng thời phải lăn xả vào cuộc sống, xa rời cuộc sống thì không thể có những trang viết nóng hổi cảm xúc. Mới nói làm báo phải có ba "bằng đại học": đại học văn hóa, đại học chính trị và đại học đường đời là như vậy”.

Đừng bao giờ bỏ cái nghề đáng yêu, đáng quý này

Trong một lần gặp gỡ tại Đại hội Liên hiệp Công đoàn thế giới ở Berlin (Đức) tháng 10.1951, Gaston Monmousseau, nhà báo từng hướng dẫn Nguyễn Ái Quốc học viết báo ở Paris những năm đầu thế kỷ XX, đã hỏi: “Anh làm báo lâu chưa?”. Quang Đạm trả lời: “Thưa, năm năm rồi”. “Vậy anh có ý định làm báo lâu dài không?”. “Suốt đời!”. Cụ Gaston đang ngồi bỗng đứng phắt dậy, vừa cười vừa nói: “Tôi cho anh một lời khuyên: Đừng bao giờ bỏ cái nghề đáng yêu, đáng quý này nhé”. Câu chuyện trên trong suốt những năm tháng cuối đời, cố nhà báo Quang Đạm vẫn còn thuật lại rành rọt từng chi tiết (sau còn lưu lại trong cuốn Quang Đạm - Một nghề đáng quý). Câu nói “Đừng bao giờ từ bỏ cái nghề đáng yêu, đáng quý này nhé” tới giờ vẫn được dẫn ra khích lệ sinh viên báo chí nuôi dưỡng đam mê nghề báo.

Một thế hệ làm báo đã đi qua. Thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những phương thức mới để báo chí bắt nhịp xu hướng, song điều căn bản, cốt lõi của nghề báo thì vẫn vậy. Nói như cố nhà báo Hữu Thọ (trong Hồi ký Một thời làm báo Nhân dân): “Người ta không thể đem cách làm việc ngày nay để phán xét cách làm việc trước đây, vì mỗi thời mỗi khác. Kỹ thuật và phương pháp làm báo thay đổi, phát triển theo hướng hiện đại hóa, nhưng tấm lòng yêu nghề, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, tác phong cẩn thận, chu đáo của người làm báo thì mãi mãi còn đó”.

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc