Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - những bài học sống mãi với thời gian
EmailPrintAa
11:23 28/05/2018

Ngay sau khi cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi; được sự giúp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã trở lại đứng chân trên đất Đông Dương. Nhân dân Việt Nam ta phải tiếp tục đương đầu với cuộc chiến đấu mới trường kỳ gian khổ.

Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc lại đi vào cuộc kháng chiến mới. Sau 7 năm nỗ lực phấn đấu, quân đội và Nhân dân ta đã từng bước làm chủ chiến trường. Để cứu nguy cho sự thất bại sớm, thực dân Pháp đã quyết định tập trung xây dựng Trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ với một lực lượng quân đội vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại. Ở đây tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, đảm bảo nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là điểm quyết chiến của kế hoạch Nava. Muốn giành thắng lợi hoàn toàn quân đội ta phải tiêu diệt được cứ điểm quan trọng này. Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược trong cuộc đọ sức cuối cùng của ta với địch.

Vận chuyển vũ khí lương thực tiếp tế cho các chiến sĩ ở tiền tuyến.

 

Nắm được âm mưu và thủ đoạn của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tác chiến hợp lý, để sau 56 ngày đêm (từ 13-3-1954 đến 17 giờ 30 ngày 7-5-1954), lá cờ chiến thắng được cắm lên hầm chỉ huy của địch. Quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 7/5/ 1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang và vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó đã tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng đã củng cố niềm tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.

Lịch sử sang trang, đất nước đã bước vào thời kỳ xây dựng mới, hội nhập quốc tế; nhưng rất nhiều những bài học to lớn từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn theo sát, sống mãi với chúng ta trong sự nghiệp đổi mới.

Trước hết, đó là bài học về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp - sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong cuộc chiến đấu không cân sức như vậy, chúng ta không thể chiến thắng nếu chỉ đánh địch bằng nghị lực, ý chí quyết tâm mà còn phải bằng cả những điều kiện đảm bảo về vật chất. Chúng ta không chỉ đánh địch bằng 50.000 quân chính quy mà còn có cả sức mạnh toàn dân đánh giặc trong cả nước. Trong chiến dịch này chúng ta đã huy động tới hơn 26 vạn lượt dân công; 21 ngàn xe đạp thồ, 914 con ngựa thồ; 3.130 chiếc thuyền; 1.800 mảng nứa với 25.560 tấn gạo; 226 tấn muối; 1.909 tấn thực phẩm. Chỉ tính sau 4 đợt huy động từ 10/1953-4/1954, một địa phương xa như Hà Tĩnh cũng đã huy động gần 3 vạn dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường. Đây là điều kiện rất quan trọng đảm bảo cho cuộc chiến đấu của chúng ta có thể duy trì được nhiều ngày tiêu diệt từng bộ phận quân địch tiến tới chiến thắng hoàn toàn.

Bài học về sự kiên định mục tiêu nhưng linh hoạt và sáng tạo trong từng bước đi và cách làm cụ thể. Sau khi cục diện chiến trường thay đổi, thực dân Pháp dồn quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bộ chính trị Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm “Mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương”. Để thực hiện mục tiêu to lớn ấy, phương án tác chiến của chúng ta được thống nhất là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”: tập trung binh lực, ấn định ngày nổ súng và bằng những cuộc tấn công ồ ạt để tiêu diệt địch trong 3 ngày 2 đêm. Thế nhưng, với tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Từ thực tiễn chiến trường, Bộ đội chưa quen đánh công sự trên địa hình bằng phẳng; chưa có sự tập dượt phối hợp binh chủng; chưa quen với lối đánh ban ngày; đã sớm cho chúng ta thấy được rằng không thể chỉ tập trung dồn quân đánh úp một trận vào pháo đài địch để giành chiến thắng. Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển kế hoạch tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh dài ngày, “đánh chắc, thắng chắc”. Đây là bài học linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch để bảm bảo chiến thắng mà chính ngay tướng Pháp Na Va trong hồi ký của mình củng phải thừa nhận: Nếu tướng Giáp tấn công như ý định ban đầu “thì chắc chắn ông ta đã thất bại, nhưng không may cho chúng ta, ông ấy đã nhận ra...”.

Bài học về tinh thần chịu trách nhiệm của người cán bộ. Bước vào chiến dịch lớn có ý nghĩa quyết định chiến trường, cho thấy Đảng và Bác Hồ rất coi trọng công tác cán bộ. Xét thấy không thể chỉ huy chiến dịch từ tầm xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đưa Tổng chỉ huy ra mặt trận và giao quyền hạn cụ thể. Trước khi đi vào chiến dịch Người nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”.. “Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định”(1). Như vậy phương hướng chiến dịch đã rõ ràng,  người chỉ huy đã được trao quyền cụ thể. Nhưng chính yếu tố này đã đặt ra cho chiến dịch những chuyển biến quan trọng có ý nghĩa quyết định. Ngay sau khi bộ chỉ huy chiến dịch họp để thống nhất phương án tác chiến, rất nhiều tướng lĩnh đã có ý kiến khác nhau; có điều không ai dám khẳng định tổ chức đánh nhanh thắng nhanh là chắc chắn giành thắng lợi. Điều này buộc Tổng tư lệnh phải thay đổi phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, thắng chắc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng đây là một “quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân”. Với quyết định sáng suốt, bản lĩnh và đầy trách nhiệm này đã giúp chúng ta tránh được sự tổn hại lực lượng, góp phần làm nên sức mạnh áp đảo quân Pháp trong trận tiến công mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ giành chiến thắng vang dội lừng lẫy năm châu.

Bài học về phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với ngoại lực. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn cho chúng ta thấy rõ một sự phối hợp tuyệt đẹp giữa sức mạnh nội lực và sức mạnh ngoại lực được phát huy hiệu quả cao độ. Điện Biên Phủ một cứ điểm nằm tận sâu biên giới Tây Bắc, cách xa hậu phương hàng trăm cây số đường rừng hiểm trở. Để có thể chiến thắng được địch chúng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp nội lực từ sức người, sức của, phương tiện vận tải, vũ khí... không chỉ từ bộ đội, mà từ trong Nhân dân của tất cả mọi vùng miền đất nước từ vùng hỏa tuyến, vùng tạm chiếm của địch, vùng hậu phương của mặt trận phía Bắc đến cả vùng chiến trường Nam Bộ rộng lớn. Tuy nhiên nếu chỉ có sức mạnh nội lực chúng ta không thể giành thắng lợi quyết định. Bởi thế Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, chủ trương Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống bọn phản động thực dân Pháp, đoàn kết với Miên, Lào; thân thiện với Tàu, Xiêm, Ấn Độ, Nam Dương... Coi Đông Dương là một chiến trường. Đồng thời với chiến dịch Đông Xuân Việt Nam, phối hợp tấn công địch cả mặt trận Thượng và Hạ Lào. Nhờ chủ trương đúng, chúng ta đã phát huy cao hiệu quả sức mạnh từ ngoại lực. Chỉ từ tháng 12-1950 đến tháng 6-1954 các nước anh em đã viện trợ cho ta 21.517 tấn vũ khí, nguyên liệu lương thực thực phẩm; 136 khẩu pháo các loại, 715 xe ô tô vận tải...(2). Nhờ làm tốt công tác địch vận đã có hàng ngàn người lính mang quốc tịch các nước trong quân đội Pháp bỏ hàng ngũ về với lực lượng kháng chiến Việt Nam. Có thể khẳng định rằng chính việc phát huy đồng bộ sức mạnh nội và ngoại lực đã làm quân đội viễn chinh Pháp nhanh chóng thất bại, chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương...

 


    Ý kiến bạn đọc