Điện Biên Phủ - chiến công chói lọi của dân tộc Việt Nam
EmailPrintAa
16:12 04/05/2014

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi nhất... đánh thẳng vào thành trì của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới; đánh dấu thắng lợi của tinh thần đoàn kết, sức mạnh quật khởi, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát.
 Ảnh: Tư liệu

Dân tộc ta có hàng nghìn năm lịch sử, trong hàng nghìn năm đó dân tộc Việt Nam đã phải rất nhiều lần đứng lên khởi nghĩa, làm chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để giữ được non sông gấm vóc như chúng ta có được ngày hôm nay. Những chiến công chói lọi đấy có thể kể đến như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Rạch Gầm - Xoài Mút… có thể thấy những chiến công trong lịch sử rất nhiều, nhưng đến thế kỷ XX thì dân tộc ta đứng trước một thử thách mới, rất nghiệt ngã. Nói như vậy, bởi vì những thế lực xâm lược nước ta từ thời phong kiến trở về trước đều là các thế lực tương đương trình độ chính trị và kinh tế với ta. Về mặt sức mạnh của quốc gia phong kiến thì họ có sức mạnh lớn hơn ta như dân số, quân số, khả năng hậu cần. Nhưng đến thế kỷ XX điều này hoàn toàn khác, Việt Nam phải đối phó với một thế lực xâm lược từ phương Tây dựa trên cơ sở sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển trình độ cao đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, mà không phải mới hình thành mà đã có bề dày kinh nghiệm với đội quân nhà nghề, có thuộc địa gần như khắp thế giới.

Như vậy về mặt bằng kinh tế mà nói thì Pháp hơn hẳn Việt Nam. Thứ hai là rõ ràng trên mặt bằng kinh tế thì thực lực và đội quân nhà nghề đi xâm lược không phải là đội quân đi xâm lược kiểu phong kiến mà là đội quân xâm lược tư bản chủ nghĩa được huấn luyện chính quy, được trang bị vũ khí tối tân. Trong khi đó nước ta gần như vẫn đấu tranh với những vũ khí thô sơ từ thời phong kiến để lại. Đó là một thực tế. Nhưng rõ ràng Việt Nam lúc đó lại có một yếu tố mà không thời kỳ nào trước kia có được đó là có tính chất thời đại mới. Đó là thời kỳ tư bản chủ nghĩa và cũng là thời kỳ các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập, tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà mở đầu là Cách mạng tháng Mười Nga.

Rõ ràng trong thời đại mới ấy việc đi theo con đường cộng sản trở thành xu thế đang lên của các nước. Và trong thời đại mới ấy, dưới sự định hướng của phong trào cộng sản, các phong trào giải phóng dân tộc về cơ bản muốn thắng lợi phải đi theo xu hướng ấy, và nó tạo được sự cố kết mang tính toàn cầu. Nằm trong xu hướng này và rất may mắn là Việt Nam đã bắt nhịp được bằng việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, có lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng nắm bắt được xu thế vận mệnh của thời đại, cho nên đã hòa nhịp được với thời đại ấy trong con đường giải phóng dân tộc. Đây là một lợi thế, thời  kỳ mới của Việt Nam khác thời kỳ phong kiến trước kia. Và cũng lý giải được vì sao trong thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược, lực lượng phong kiến Việt Nam đã thất bại nhanh chóng. Nhưng đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nhưng cũng với chính những người dân ấy, với một dân tộc tưởng như không còn sức sống ấy đã làm nên một cách mạng tháng Tám thắng lợi và đi vào cuộc cách mạng chống Pháp.

 
Những "chú ngựa sắt" vận chuyển hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
 Ảnh: Tư liệu

Nếu nói về mặt chiến công, dân tộc ta đã có nhiều trận quyết chiến chiến lược rất nổi tiếng và kết thúc chiến tranh. Để thấy rằng các cuộc chiến tranh thì diễn ra thường xuyên nhưng để giành thắng lợi thì bao giờ cũng dẫn đến những trận mang tính quyết chiến chiến lược để chấm dứt chiến tranh. Đây là một thực tế của lịch sử dân tộc. Trong thời kỳ chống Pháp chúng ta cũng trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến, toàn dân kháng chiến, kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính theo định hướng đường lối của Đảng. Trải qua 9 năm như thế chúng ta đã thắng Pháp trong phản công của Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch biên giới 1950. Nhưng sau Chiến dịch Biên giới 1950 chúng ta đứng trước một thử thách lớn đó là kế hoạch Nava với tinh thần chính là tập trung binh lực để giành thế chủ động trên chiến trường chính Bắc bộ, đẩy quân ta vào thế bị động.

Còn kế hoạch của chúng ta là bằng mọi cách buộc thực dân Pháp phân tán binh lực. Với các hướng tiến công chiến lược giải phóng Lai Châu, tiến công chiến lược Trung Hạ Lào, tiến công chiến lược ở Thượng Lào, tiến công chiến lược Bắc Tây Nguyên và đánh ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Chúng ta đánh vào nơi sơ hở của địch, nhưng lại rất quan trọng mà Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương Henri Navarre không thể bỏ được. Do vậy, buộc phải tung lược lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ lên để giữ. Như vậy, bước đầu kế hoạch Nava đã phá sản.

Khi nghe ta điều một sư đoàn chủ lực lên khu vực Điện Biên, Lai Châu, Tướng Navarre sợ sẽ mất Điện Biên - một vị trí chiến lược quan trọng không chỉ đối với chiến trường Đông Dương, mà còn đối với khu vực Đông Nam Á. Do vậy Pháp đã nhanh chóng chiếm đóng, tăng quân tạo thành một cứ điểm như một “con nhím” khổng lồ ở Điện Biên. Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung binh lực lớn nhất của quân Pháp. Còn về phía Việt Nam cũng coi đây là một trận quyết chiến chiến lược, vì sau 9 năm kháng chiến, lúc này thế và lực của ta đã khác, lớn mạnh lên cũng có nhưng cũng có những thiệt hại về người và của. Cần có một đòn quyết định để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.

Vì vậy mà 2 bên đều chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược. Ở Điện Biên đã diễn ra một cuộc đọ sức như một điểm hẹn lịch sử. Tại điểm hẹn lịch sử ấy phần thắng đã thuộc về Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam và phần thua đã thuộc về quân đội viễn chinh Pháp. Thế trận quyết chiến chiến lược này đã có ảnh hưởng mang tính quyết định toàn bộ cuộc kháng chiến của chúng ta đối với thực dân Pháp và đồng thời quyết định đối với cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, ý chí xâm lược của thực dân Pháp gần như sụp đổ. Còn Việt Nam đứng trên thế thắng để đi đến bàn Hiệp định Genève.

Về bình diện quốc tế, khi Việt Nam giành thắng lợi, “tiếng sấm” Điện Biên Phủ vang ra đã rung chuyển thế giới và toàn bộ hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp. Sau Việt Nam, một loạt các nước thuộc địa đã vùng lên đấu tranh giải phóng đất nước. Nên có thể nói Điện Biên Phủ là một chiến công chói lọi nhất trong chiến tranh chống thực dân Pháp, đồng thời cũng là một chiến công chói lọi của dân tộc Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng thảo luận kế hoạch đánh địch.
 Ảnh: Tư liệu

Ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ có sức lan tỏa rất lớn, không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới, những chính khách của Pháp, Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam đều rút ra được kết luận cay đắng người Pháp đã sai lầm về mặt chiến lược, chính trị, đã đặt lực lượng quân đội viễn chinh Pháp dưới sự chỉ huy của những quan điểm, đường lối chính trị sai lầm. Ngược lại chính khách của Pháp lại cho rằng, quân Pháp và những người chỉ huy quân sự ở Đông Dương là những kẻ bất tài. Nhưng thật ra không phải, đó đều là những người được đào tạo rất bài bản và có tài năng. Nhưng có chăng là do họ đã sai lầm ở góc độ tầm chiến lược, không nhìn thấy xu thế tất yếu của thời đại, không đánh giá hết sức mạnh của một dân tộc dù rằng nhỏ bé, nhưng đoàn kết và có sự lãnh đạo đúng đắn của một chính đảng theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, có Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt. Với một dân tộc có truyền thống lịch sử, văn hóa dày dặn như thế thì không một đội quân xâm lược nào có thể đánh bại được.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một động lực tinh thần hết sức to lớn, như một hành trang để các thế hệ Việt Nam tiếp theo đi vào cuộc trường chinh chống Mỹ và đi vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh một đường lối chính trị, đường lối chiến tranh đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ. Chính Henri Navarre đã từng tổng kết, người Pháp trong khi đánh Việt Nam không có một cái gì mang tính nhất quán, ngay cả những người chỉ huy cấp cao. Trong khi đó Việt Nam luôn nhất quán đường lối và quan điểm. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của ta. Chưa kể đến, lực lượng vũ trang của chúng ta là lực lượng vũ trang nhân dân được sinh ra và phát triển ở phong trào chính trị quần chúng, hay nói cách khác là được nhân dân sinh ra và nhân dân nuôi dưỡng đùm bọc, khác hẳn với đội quân xâm lược của đối phương, một đội quân nhà nghề. Quân đội Việt Nam có một sức sống mãnh liệt vì gắn với dân.

Ở góc độ tinh thần, rõ ràng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tạo nên một sức mạnh tinh thần vô cùng lớn, tiếp tục tô thắm thêm truyền thông của tổ tiên ta trong đánh giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông. Trong thế kỷ XX chúng ta đánh thắng thực dân Pháp, và như một sức mạnh tinh thần để đưa chúng ta vào cuộc trường chinh chống Mỹ, khí thế xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Và hiện nay sức mạnh tinh thần tiếp tục trở thành hành trang của lớp trẻ, của những người lính trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay. Đây là vốn liếng hết sức quý báu mà chúng ta phải tiếp tục khơi dậy để biến sức mạnh tinh thần trở thành sức mạnh vật chất hiện hữu của người dân Việt Nam trong thế kỷ mới.

Đối với chúng ta, những người đương thời nhìn Điện Biên Phủ như thế nào, có mấy vấn đề đặt ra. Thứ nhất  là chúng ta phải nhìn chiến thắng đó là một điểm tự hào của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam, của quân đội Việt Nam trong thế kỷ XX. Tự hào như thế thì chúng ta phải có trách nhiệm làm sao để phát huy truyền thống quý báu đây trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đó là cách nhìn nhận chung nhất, nhưng đi vào cụ thể thì phải có rất nhiều biểu hiện, bởi vì con người không thể đem niềm tin, lòng tự hào một cách duy ý chí. Bởi như vậy không thể chuyển biến được sức mạnh vật chất, vì lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh bại bởi lực lượng vật chất. Vậy khi nào lực lượng tinh thần sẽ trở thành lực lượng vật chất? Đó là khi nó ngấm vào nhân dân, ngấm vào quần chúng, chính nhân dân và quần chúng sẽ biến sức mạnh chính trị, tinh thần trở thành sức mạnh vật chất.

Vấn đề thứ hai đặt ra là phải chủ động giáo dục cho lớp trẻ, cho mọi người nhận diện sâu sắc hơn thực chất những bài học kinh nghiệm và những ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, để mọi người hiểu, nhận đúng chân giá trị. Có như vậy mới chuyển thành hành động thực tế trong xây dựng bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Thứ ba là về phương diện lãnh đạo. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, rõ ràng cần phải có sự đổi mới về đường lối để có thể tận dụng được sức mạnh nội lực của nhân dân, bên cạnh việc đem lại lợi ích cho nhân dân là việc hòa nhập với thế giới đang từng ngày, từng giờ đổi mới. Chỉ có đường lối đó mới phù hợp với hiện thực. Vấn đề hiện nay là làm sao để dân tin Đảng, Đảng tin dân, Đảng và dân phải là một, hệ thống chính trị với dân phải là một. Tránh tạo ra mâu thuẫn trong nhân dân, vì chính điều này sẽ làm suy yếu sức mạnh nội lực của dân tộc, không có ngoại viện nào có thể thay thế được nội lực của dân tộc. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị phải làm như thế nào để có thể truyền tải thông điệp, quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng đến dân, đến lúc đó sẽ có đủ sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta có Điện Biên trong chống Pháp, chúng ta cũng có những thành tựu nổi bật trong chống Mỹ, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vậy thì Đảng và Nhà nước hiện nay, nhân dân Việt Nam hiện nay đặc biệt là thế hệ trẻ có dám làm một Điện Biên mới trong xây dựng kinh tế hay không? Điều này sẽ quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, quyết định sức mạnh của Việt Nam trong thời kỳ mới. Phải có dũng khí như thế và chỉ như thế dấu ấn Điện Biên không phải chỉ là câu chuyện quá khứ mà nó còn là đích đến, phải làm được Điện Biên mới trong lĩnh vực kinh tế.

Việt Nam đã làm được Điện Biên Phủ trong chống Pháp, đã làm được Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, đã làm nên một thắng lợi 30/4/1975. Vậy hà cớ gì chúng ta không dám nói đến chuyện làm một Điện Biên mới trong mặt trận kinh tế ngay trên mảnh đất Điện Biên lịch sử. Và chỉ khi nào chúng ta có một Điện Biên trong xây dựng chủ nghĩa xã hội mới ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở Điện Biên, thắng lợi ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn, khi đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao được vị thế uy tín của đồng bào dân tộc, nhân dân thật sự có được đời sống ấm no hạnh phúc, có như vậy chúng ta có xã hội chủ nghĩa, có sức mạnh nội lực để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nếu không làm được thì coi như thế hệ sau đã có lỗi với thế hệ đi trước và lỗi hẹn với lịch sử.

 


    Ý kiến bạn đọc