Điều chỉnh quy hoạch, thu hút đầu tư, tăng cường quản lý hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
14:21 02/04/2018

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Hà Tĩnh có 18 bến xe khách đạt tiêu chuẩn từ loại I - IV, đến nay 10 bến đã được đầu tư, trong đó có 5 bến xe xây dựng đúng vị trí, đủ diện tích, 2 bến xe xây dựng đúng vị trí nhưng chưa đủ diện tích theo quy hoạch, 3 bến xe đang hoạt động nhưng không đúng vị trí, không đủ diện tích; hiện 08 bến đang hoạt động, 01 bến tạm ngừng hoạt động (bến xe Can Lộc) và 01 bến chưa đưa vào hoạt động (bến xe Cẩm Xuyên). Trong các bến xe trên, Ban Quản lý bến xe Hà Tĩnh quản lý, khai thác 07 bến, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý 01 bến, doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hoá và quản lý 02 bến
Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra cơ sở hạ tầng tại Bến xe huyện Đức Thọ
 

Nhìn chung, hàng năm tỉnh đã quan tâm bố trí ngân sách, có các giải pháp thu hút, huy động nguồn lực để từng bước đầu tư các bến xe theo các tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, việc xã hội hóa đầu tư, đưa vào khai thác bến xe Trung tâm thành phố Hà Tĩnh có hạ tầng văn minh, hiện đại đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Các cấp, các ngành, các đơn vị đã thường xuyên, tích cực triển khai thực hiện quy hoạch, các chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm tra hoạt động bến xe theo quy định, tổ chức quản lý các tuyến, dịch vụ vận tải, phối hợp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng đường bộ theo hướng phát triển bền vững.

Tuy vậy, công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý, điều hành, khai thác hệ thống bến xe khách trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác quy hoạch mạng lưới bến xe khách chưa đồng bộ, còn manh mún, tính kết nối chưa cao, thiếu giải pháp đồng bộ; việc thành lập, mở rộng, bố trí và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn khó khăn, tiến độ triển khai chậm; cơ chế thu hút xã hội hóa đầu tư kinh doanh chưa hấp dẫn; quy mô, cơ sở hạ tầng, chất lượng một số bến xe chưa đảm bảo; nhiều bến xe đã hết hạn công bố lại theo Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT; sử dụng hạ tầng và tài nguyên hiệu quả thấp; lưu lượng phương tiện qua bến chưa nhiều; mức giá dịch vụ xe ra, vào bến chưa đảm bảo; kết quả kinh doanh còn khó khăn; thiếu phương án tổng thể, khả thi để chuyển đổi mô hình quản lý Ban Quản lý bến xe khách và các bến liên quan.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn một số bất cập, chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; quản lý, điều hành, khai thác tại các bến xe chưa khoa học, ứng dụng các công nghệ mới còn hạn chế; an toàn giao thông và trật tự đô thị chưa đảm bảo; dịch vụ tiện ích chưa được quan tâm; một số bến xe không đủ điều kiện nhưng vẫn khai thác tuyến cố định liên tỉnh đường dài; một số xe không xuất phát tại bến vẫn được xác nhận lệnh vận chuyển, chạy không đúng tuyến quy định, chạy vào nội đô; các nhà xe vẫn còn đón khách trước khi vào bến, đón trả khách không đúng điểm...

Để chấn chỉnh, tăng cường quản lý, đưa hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiện đại thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống bến xe khách gắn với Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, theo hướng: Xác định nhu cầu thực tế và phát triển kinh tế từng địa phương để quy hoạch đảm bảo tập trung, không dàn trải; khai thác tối đa các công trình hiện hữu; xác định rõ nguồn lực, tăng cường xã hội hóa đầu tư, phân kỳ hợp lý; có giải pháp xử lý đối với các bến hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, cơ sở vật chất; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa quy hoạch tổng mặt bằng các bến xe, xác định các khu chức năng cần thiết, bố trí đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quy trình khai thác, nâng cao hệ số sử dụng đất; gắn quy hoạch với phương án sắp xếp, kiện toàn bộ máy quản lý. Đối với các bến xe khách không đúng quy hoạch, trước mắt duy trì đảm bảo dịch vụ công, khi có nhà đầu tư tại bến mới thì lập phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tài sản phù hợp.

Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, khai thác, kinh doanh bến xe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Rà soát, xem xét điều chỉnh giá dịch vụ ra, vào các bến xe khách trên địa bàn tỉnh theo các quy định hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương. Từng bước thoái vốn, thu hồi ngân sách tại các bến theo đúng quy định.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên điều hành, phục vụ nhiệt tình, lịch sự, chu đáo theo đúng tiêu chí “Bến xe kiểu mẫu” văn minh, hiện đại. Công khai tại bến các thủ tục hành chính, quy trình xuất nhập bến, điều kiện của xe chạy tuyến cố định, thời gian biểu chạy xe, giá vé, quy chế làm việc, quy chế tiếp công dân, nội quy bến bãi, giá thu dịch vụ tại bến xe... Thường xuyên kiểm tra tại chỗ công tác niêm yết trên phương tiện, thiết bị giám sát hành trình, giá vé áp dụng, bảng đăng ký chất lượng dịch vụ; tổ chức kiểm tra hành khách và hàng hóa trước khi phương tiện xuất bến. Ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động tại các bến; rút ngắn thời gian kiểm tra thủ tục hành chính, đảm bảo phương tiện xuất bến đúng quy định; lắp đặt hệ thống điều khiển tín hiệu tự động, giao thông thông minh trong quản lý và điều hành hoạt động của bến xe khách.

Bốn là, kịp thời sắp xếp, tổ chức lại Ban Quản lý bến xe khách Hà Tĩnh phù hợp (cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập) hoặc giải thể; đồng thời, xác định giá đất và tài sản gắn liền với đất để tổ chức đấu thầu, kêu gọi đầu tư hệ thống bến xe khách theo quy định; bổ sung, hoàn chỉnh các hạng mục đủ điều kiện để công bố bến xe theo quy định tại Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách.

Năm là, xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực đầu tư bến xe trên cơ sở các quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải; tổ chức xúc tiến đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng bến xe khách gắn với các dịch vụ khác nhằm bù đắp chi phí hoạt động bến xe; xây dựng tiêu chí, lựa chọn, đề xuất dự án đầu tư hạ tầng một số bến xe khách theo hình thức đối tác công tư (PPP). Có phương ánvà giải pháp sớm đưa các bến xe Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hoành Sơn đi vào hoạt động, khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển, dịch vụ bến xe khách và tránh lãng phí.


    Ý kiến bạn đọc