Dòng sông mãi chảy!
EmailPrintAa
08:44 30/04/2018

Ngày 30.4.1975 mãi mãi là mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam!

Máu, mồ hôi và nước mắt như chan vào nhau trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ để con cháu hôm nay ngẩng cao đầu, sống trong trời xanh, biển biếc!

Đất nước này là thế, nhân dân này là thế. Hơn 4.000 năm cha ông ta tích tụ, đắp bồi, gạn đục - khơi trong tạo nên bản sắc con người Việt Nam. Không gì khác, tất cả chỉ một mục đích cho người dân ngày càng hạnh phúc, cuộc sống ngày càng chất lượng hơn!

Đường lối của Đảng, gương sáng của Bác Hồ đã nâng tầm dân tộc lên vị thế mới. Nhìn lại 43 năm trước, khi đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, cả non sông ngập tràn trong khúc hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, hỏi lòng người dân Việt nào không trào dâng hạnh phúc? Hạnh phúc đến nghẹt thở, đến rơi nước mắt, nhiều người đến giờ vẫn còn nghĩ như mơ!

43 năm đi qua, đất nước như dòng sông không ngừng chảy, có lúc sóng cồn lên, có khi êm đềm, trầm lắng trong chiêm nghiệm. Có nhiều thành tựu nhưng cũng có cả những việc chưa như mong muốn, thậm chí là vội vàng, sai lầm trong mỗi bước đi. Nhưng đất nước của một dân tộc hay lam, hay làm, giàu sáng tạo; đất nước của một Đảng trí tuệ, luôn biết soi mình, sửa mình, lấy dân làm gốc đã làm nên một non sông rạng ngời của lòng nhân ái và chất chứa nhân văn.

43 năm non sông thu về một mối, bước  chân ra từ hoang tàn chiến tranh, giờ cả mảnh đất hình chữ S này thay da đổi thịt ít ai ngờ. Từ các thành phố lớn đến các vùng quê xa nẻo, nghèo đói dần lùi xa, sự no ấm, sung túc đang dần hiện hữu từ bàn tay, trí tuệ của một thế hệ thời hậu chiến. Mới thấy, lớp cha anh đánh giặc, giữ nước hào hùng bao nhiêu, thì lớp con cháu hôm nay đang cùng nhau khởi nghiệp làm giàu cho mình, cho đất nước với những kỳ tích như huyền thoại.

43 năm đi qua, những chiến sĩ hừng hực sức trẻ, rầm rập bước trong đoàn quân vào giải phóng Sài Gòn ngày nào, giờ là những cựu binh già. Thoáng trong cái trầm ngâm, nhìn nhận những đổi thay của cuộc sống hôm nay, không giấu nổi vẻ tự hào về một thời trai trẻ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, để hôm nay con cháu họ thỏa sức xây dựng, thỏa sức vươn lên trong thời hội nhập.

Chuyện trò với một cựu chiến binh gốc Bắc, giờ là cư dân thứ thiệt của TP Hồ Chí Minh, ông kể: Sinh ra ở vùng quê nghèo Phú Xuyên, đánh giặc xong ông quyết định ở lại lập nghiệp tại mảnh đất phương Nam nhiều nắng gió này. Bàn chân ông từng đi khắp 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, càng đi càng thấy, chẳng đâu tuyệt vời như vùng non nước rộng dài này. Bốn đứa con của ông đều được sinh ra và lớn lên ở đây. Chúng được nuôi dạy, học hành tử tế. Mỗi đứa mỗi việc: Đứa mở nhà hàng, đứa kinh doanh khách sạn... Tất cả đều sống khỏe, có nhà, có xe, con cái ngoan ngoãn, học giỏi...

Đang kể chuyện vui, bỗng giọng người lính già như chùng xuống: Những người  may mắn, nắm bắt được cơ hội để vượt lên như ông không ít, nhưng cũng còn nhiều người khốn khó với mưu sinh. Biết mảnh đất hào hiệp và bao dung này luôn mở rộng vòng tay đón nhận và trao cơ hội cho tất cả những ai tìm đến, nên người dân cả nước đổ dồn về đây, kéo theo bao lo toan. Vẫn hiểu “đất lành, chim đậu”, nhưng hạ tầng, giao thông,  trường học, bệnh viện... đều quá tải. Dù vậy, ai đi xa về gần cũng phải thừa nhận, Sài Gòn xưa nay đã “lột xác”. Cao ốc chen chân giữa trời, đô thị, trung tâm mua sắm điện sáng thâu đêm... thua gì “trời tây”. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong nhịp chảy mới, ghi thêm dấu ấn khi được Đảng, Quốc hội, Chính phủ trao cho cơ chế đặc thù. Thêm cơ chế, thêm động lực, chính quyền và nhân dân thành phố thêm cơ hội, xây dựng thành phố xứng với danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông”.

Thời mở cửa sự giàu nghèo càng nhìn rõ hơn, cạnh tranh thương trường càng gay gắt hơn. Trong cuộc sống khá giả và đủ đầy, tư duy cũng khác thời nghèo khó xưa. Không thể không trĩu buồn về một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức không giữ nổi mình trước cám dỗ vật chất, tha hóa đạo đức, lối sống.  Tham nhũng, thao túng quyền lực, vụ lợi “kết bè, kéo cánh”, ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, làm nhức nhối lòng dân. Khi xưa khó nghèo thì cuộc đời thơm thảo trong sạch, giờ dư dả hơn, đủ đầy hơn lại nảy sinh nhiều chuyện buồn về đạo đức xuống cấp, về “cái sự” tham lam. Có một, muốn 5, muốn 10! Một bộ phận khi được trao trọng trách lại cơ hội, dùng ngay quyền chức ấy để tính bài vụ lợi. Không ít cán bộ hiên ngang giữa bom rơi đạn nổ nhưng lại gục ngã trước bạc tiền, nhà đất thời mở cửa. Rồi tình trạng “đôn con, nhét cháu”, làm ăn giả dối biến tướng đủ chiêu trò cũng nảy sinh nhiều chuyện khó lường!

Hội nhập trong một quốc gia có kỷ cương là không thể khác! Chính sách ban ra phải đi vào cuộc sống, đi vào lòng dân. Quốc hội xây dựng hàng loạt đạo luật cũng vì một quốc gia vận hành trong kỷ cương, khuôn phép. Nói kiến tạo, liêm chính, Chính phủ cũng đều phải hỏi dân, từ dân. Trong khi ngân sách chưa dư dả, Chính phủ càng quyết tâm chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp nâng niu từng đồng thuế của dân, không thể chi tiêu “phóng tay”.

Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, đâu phải việc gì cũng  như ước muốn. Đây đó  vẫn còn những người khoác áo “công bộc” quyền uy, lợi dụng khe hở của chính sách, sự chưa đồng bộ của pháp luật để làm méo mó cả kỷ cương phép nước. Không có “vùng cấm” cho bất cứ ai, càng thấy sự chỉ đạo của Đảng ta với cuộc chiến chống tham nhũng, thao túng quyền lực quyết liệt thế nào!

Dòng sông lịch sử mãi chảy lại ghi thêm trang mới oanh liệt trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Vai trò, vị trí của Đảng trước bước ngoặt mang tầm thời đại càng thể hiện sự kiên cường của một Đảng bản lĩnh, trí tuệ tất cả vì dân, luôn đề cao lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Độc lập tự chủ, bảo toàn bờ cõi ông cha trao truyền là tuyên ngôn bất di, bất dịch! Hành động tất cả vì dân, lo cho dân, sống trong lòng dân, là phương châm của mọi cán bộ, đảng viên ở bất cứ vị trí nào! Không né, nể, không ngại động chạm trong xử lý những cán bộ sai phạm, càng không để ai chi phối “dắt tay” trong đường đi, nước bước. Đảng luôn đặt quyền lợi dân tộc, quyền lợi người dân lên trên hết. Nhờ vậy, hình ảnh của Đảng càng đẹp lên, ngời sáng trong lòng dân tộc!

Từ ngày 30.4.1975, lịch sử như dòng sông mãi chảy để mỗi người Việt Nam luôn  biết phải làm gì để xứng với lịch sử 4.000 năm của cha ông!


    Ý kiến bạn đọc