Giá trị Dân tộc và nhân loại trong tư tưởng Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
10:44 28/04/2017

Trong hành trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh luôn ấp ủ tìm cách để giải phóng dân tộc, Người tự đặt trách nhiệm cho mình: “Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi trở về giúp đồng bào tôi”. Người lên đường trên con tàu Đô đốc Latutsơ Trevin đi sang Pháp. Trong cuộc hành trình vượt qua 3 đại dương, bốn châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ) đến hầu hết những nơi được coi là trung tâm văn minh đương thời để tìm lời giải. Người đã hoạt động lâu nhất ở Pháp, nơi tụ họp nhiều trào lưu văn hóa, tư tưởng của phương Tây và thế giới. Đã có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, tiếp cận với các giá trị tiến bộ của tuyên ngôn độc lập 1776. Người làm việc và hoạt động tại Anh, tham dự các cuộc diễn thuyết do những nhà chính trị và triết học tổ chức, tham gia “Hội những người hải ngoại”...

Tiếp cận với cuộc sống cơ cực của người lao động và qua những hoạt động chính trị xã hội cũng như nhiều tài liệu, sách, báo, Người đã có được những hiểu biết sâu sắc về đời sống chính trị xã hội, về sự phân chia giai cấp giàu nghèo, về những áp bức bất công trong lòng xã hội của các nước tư bản, về cuộc đấu tranh của người lao động cũng như tinh thần tự do bình đẳng, bác ái trong văn hóa phương Tây. Trong lúc đang băn khoăn về con đường mình cần tìm kiếm, bởi hệ tư tưởng tư sản tuy có những giá trị tiến bộ nhưng không thể đi theo được vì bản chất của nó là bóc lột, là thực dân xâm lược, thì may thay tháng 7/1920 Người tìm đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Luận cương nêu ra những nội dung cơ bản như: quyền tự quyết độc lập tự chủ của các dân tộc; các Đảng cộng sản ở các nước tư bản phải ủng hộ, giúp đỡ tích cực đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc; các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có nhiệm vụ đánh đổ ách thống trị của nước ngoài và các lực lượng áp bức ở trong nước; đoàn kết chặt chẽ việc giải phóng dân tộc các nước thuộc địa với các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; Quốc tế III là bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới, nước Nga Xô viết là thành tựu của cách mạng thế giới...

Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Thế là một con người ở thời niên thiếu được tiếp cận với nền giáo dục Nho học, tiếp thu tư tưởng trọng dân, nhập thể; hành đạo giúp đời, xã hội thái bình, công bằng tốt đẹp; lễ giáo tu thân, dưỡng tính. Rồi lớn lên tiếp cận với trào lưu tư tưởng mới ở trong nước như của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; ở phương Đông của Găngđi, Nêru (Ấn Độ), Tôn Dật Tiên (Trung Quốc) về tinh thần yêu nước, về mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc... nhưng làm sao để đạt được thì chính là nằm ở lời giải từ “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin và thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga

 

Trên cơ sở tiếp thu những giá trị văn hóa, tư tưởng tích cực tiến bộ và với lòng yêu nước nồng nàn Hồ Chí Minh đã tiếp nhận những tri thức mới mẻ về sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, theo tư tưởng của giai cấp công nhân trên nền tảng tư tưởng yêu nước và giá trị dân tộc. Đây chính là bước ngoặt lớn trong quá trình tìm đường cứu nước và có tính quyết định làm thay đổi căn bản về chất trong tư tưởng và lập trường từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh.

 

Từ sự giác ngộ đó mà Người đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế cộng sản, trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng cộng sản Pháp và được Đảng cộng sản Pháp cử đi dự đại hội lần thứ V của Quốc tế cộng sản ở Liên Xô. Sang Liên Xô lần đầu tiên từ tháng 6/1923 đến tháng 10/1924, trong thời gian ngắn nhưng Người được cử làm đại biểu tham gia Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản, tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân và nhiều hoạt động của Quốc tế cộng sản. Tại đây Người trực tiếp chứng kiến được những thành quả của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, qua đó đã giúp Người có sự hiểu biết phong phú thêm về lý luận và thực tiễn để vận dụng vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc cho quê hương mình. Từ đó Người đã truyền bá tư tưởng Mác-Lênin cho tầng lớp thanh thiếu niên trí thức yêu nước và quần chúng cách mạng ở Việt Nam về con đường giải phóng dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, tiến hành thành lập Đảng cộng sản Việt Nam với mục tiêu: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản”.

 

Có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là một tổ chức cách mạng, sản phẩm văn hóa của dân tộc gắn liền với văn hóa thời đại; là kết hợp giữa đỉnh cao của phong trào giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin. Hồ Chí Minh đã nói về sự ra đời của Đảng: “Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân, phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng”.

 

Từ khi có Đảng, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã bước sang một trang sử mới mà ở đây đặc trưng lớn nhất là sự thống nhất giữa tính dân tộc, tính giai cấp và tính nhân loại vừa đáp ứng với thực tiễn của cách mạng giải phóng dân tộc, vừa phù hợp với trào lưu phát triển của xã hội loài người trong thời đại mới.

 

Trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc với sự học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, khảo nghiệm về lý luận cũng như thực tiễn của nhân loại, cùng với lòng yêu sâu nặng, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã kế thừa và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông, phương Tây không ngừng bồi bổ kiến thức đồng thời góp phần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, hình thành nên tư tưởng cách mạng, khoa học, tiến bộ và thực hiện thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là một mẫu mực về việc kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị dân tộc và nhân loại gắn với giá trị thời đại, là điểm xuyên suốt về lý luận cũng như thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh 


    Ý kiến bạn đọc