Giám sát việc huy động nội lực của nhân dân trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
10:20 10/12/2015

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, thống nhất của lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên chính trị xã hội, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong huy động nội lực của Nhân dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.

Ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành kế hoạch, Quyết định thành lập Đoàn giám sát; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến… Tiến hành giám sát, đoàn giám sát đã gặp gỡ, phỏng vấn đại diện 174 hộ gia đình, thăm 1 số mô hình kinh tế, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu và 1 số công trình do dân đóng góp, xây dựng...; trực tiếp làm việc với Liên đoàn cán bộ của 20 khu dân cư, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của 10 xã và 5 huyện. Đồng thời, giám sát gián tiếp thông qua báo cáo tự giám sát của 7 huyện, thành phố thị xã còn lại. Qua giám sát cho thấy: Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong huy động nội lực của Nhân dân để xây dựng NTM trên địa bàn các huyện cơ bản đã thực hiện theo đúng Pháp lệnh 34 và các văn bản  hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và của các địa phương về thực hiện Quy chế dân chủ.

Việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình trong xây dựng NTM đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở thực hiện cơ bản dân chủ, công khai, đúng quy trình và quyết toán theo đúng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.

Trước khi quyết định xây dựng công trình, tổ chức họp dân thông báo chủ trương, dự toán giá trị công trình để người dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về các công trình cần làm, mức đóng góp, chính quyền cấp xã và thôn, xóm không áp đặt hoặc quy định bắt buộc mức đóng góp của Nhân dân và các công trình cụ thể phải thực hiện. Trong quá trình thi công, đã phát huy vai trò giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng nên hạn chế được thất thoát, lãng phí, đảm bảo chất lượng công trình. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các khoản thu, chi. Những quy định về dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc.

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các địa phương được chú trọng thường xuyên, đảm bảo quy chế dân chủ cơ sở và không để xảy ra sai phạm lớn và đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

Ba là, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về mức huy động: Việc huy động nguồn lực của Nhân dân để xây dựng NTM chưa đồng đều ở các địa phương. Một số xã mức huy động tiền mặt còn cao trong khi thu nhập của người dân thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương, huy động ngày công ít, chủ yếu huy động tiền mặt để thuê nhân công bên ngoài, hoặc huy động ngày công, nhưng nếu không tham gia được thì phải nộp tiền mặt cao, Nhân dân còn băn khoăn.

Thứ hai, về đối tượng huy động: Một số địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định của Văn bản số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” và Văn bản số 50/BCĐ-NL1, ngày 04/8/2015 của Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh về “Tăng cường công tác kiểm tra việc huy động đóng góp của người dân thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới”.

Thứ ba, về quy trình tổ chức họp dân, lấy ý kiến biểu quyết của Nhân dân  về các công trình phần việc cần làm, mức huy động từ Nhân dân, số lượng hộ dân đi họp, bàn và quyết định, một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh 34 và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTU MTTQVN (có những khu dân cư tỷ lệ dân đi họp thấp, có khu dân cư không thể hiện được tỷ lệ biểu quyết trong biên bản). Chưa thể hiện rõ sự dân chủ trong bàn bạc, chưa tuyên truyền vận động tốt nên một bộ phận Nhân dân chưa đồng thuận, băn khoăn...

Thứ tư, về hồ sơ, sổ sách và công tác lưu trữ, tại một số huyện hồ sơ, thủ tục lưu trữ (nhất là ở thôn, xóm) chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, đặc biệt là hồ sơ tại các thôn, xóm sử dụng và lưu trữ chưa đúng quy định, chưa khoa học. Sổ ghi chép biên bản họp chi bộ, họp dân còn sơ sài, ghi chép không đầy đủ, chưa cụ thể và không đúng theo quy định...

Thứ năm, một số địa phương chưa quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; nhất là về cơ chế và kinh phí hoạt động, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các Ban và chất lượng các công trình. Một số địa phương cán bộ chưa nắm vững nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước; một số cơ sở, đời sống người dân còn ở mức thấp, việc huy động đóng góp của Nhân dân trong một thời gian ngắn với số tiền khá lớn đã tạo ra áp lực trong tổ chức thực hiện.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở nói chung và Quy chế dân chủ trong huy động nội lực để xây dựng NTM nói riêng, Ủy ban MTTQ tỉnh kiến nghị thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Đối với Thường trực Tỉnh ủy, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện dân chủ ở  xã, phường, thị trấn; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 4/2/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW..., nhất là thực hiện quy chế dân chủ trong huy động nội lực của Nhân dân để xây dựng NTM theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm túc các sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh: Cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát lại các văn bản quy định về cơ chế, chính sách trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, để kịp thời bổ sung, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản quy định phù hợp. Có cơ chế cụ thể, đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, giải ngân và quyết toán phần vốn nhà nước hỗ trợ đối với những công trình nguồn vốn thấp, kỹ thuật đơn giản do cộng đồng dân cư thực hiện. Chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát lại các xã, khu dân cư về huy động nội lực của Nhân dân để xây dựng NTM chưa đúng theo văn bản số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 50/BCĐ-NL1, ngày 4/8/2015 của Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh. Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình thu, mức thu, đối tượng thu và việc lưu trữ hệ thống văn bản, hồ sơ liên quan đến huy động nguồn lực của Nhân dân; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đặc biệt là quy định cụ thể các nội dung: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát trong huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới.

Chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra. Tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và chỉ đạo UBND các huyện quan tâm tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các công trình phúc lợi công cộng, công trình xây dựng nông thôn mới; kiên quyết xử lý về trách nhiệm và bồi thường đối với những công trình không đảm bảo chất lượng hoặc chậm tiến độ. Bố trí ngân sách phù hợp để các địa phương thực hiện đúng lộ trình, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho xã điểm, xã khó khăn để hoàn thành các tiêu chí; điều chỉnh bộ tiêu chí xây dựng NTM (theo quyết định 73/2014) về tiêu chí thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Mặt khác, chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc lập kế hoạch, dự toán và các thủ tục thanh, quyết toán, công khai tài chính các công trình đầu tư xây dựng NTM do Ban phát triển các thôn chủ trì xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện.

Đối với UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã: Tập trung chỉ đạo các xã tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra; tiếp tục triển khai việc huy động nội lực của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn các khu dân cư thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về quy định mức thu, đối tượng thu, công khai về tài chính trong huy động nội lực của Nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Quan tâm tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định tại Luật Thanh tra và các văn bản hiện hành. Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách về huy động, sử dụng các nguồn huy động xây dựng NTM tại các khu dân cư theo đúng quy định.

MTTQ huyện, thành phố, thị xã cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân để người dân thực sự hiểu, đồng thuận, tham gia tích cực và có hiệu quả hơn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị, đặc biệt cần tăng cường và phát huy các hoạt động giám sát của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Thanh tra Nhân dân để việc phát huy dân chủ trong huy động nội lực của Nhân dân trong tham gia xây dựng NTM thực sự hiệu quả, đúng pháp luật.

Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã khẳng định tính đúng đắn trong việc phát huy vai trò đại diện quyền làm chủ của người dân thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên, góp phần hạn chế những tồn tại, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo sự đồng thuận và động viên tối đa vai trò của người dân trong tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.


    Ý kiến bạn đọc