Giáo dục hà tĩnh bước vào năm học mới
EmailPrintAa
08:46 15/03/2013

Năm học 2010 - 2011 gắn liền với nhiều sự kiện chính trị có ý nghĩa to lớn: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bầu cử Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016; là năm diễn ra Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Hà Tĩnh. Ngành Giáo dục tỉnh nhà đã có những cố gắng nổ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chủ đề năm học “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, tạo được sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Trên nền tảng chất lượng đại trà ngày càng vững chắc (tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2011 đạt 99,14%, Bổ túc THPT là 97,56%,), chất lượng mũi nhọn tiếp tục giữ vững và nâng cao. Thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT, Hà Tĩnh có đủ 10 đội tuyển với 71 em tham gia: 62 em đạt giải, tăng 13 giải so với năm trước (2 giải Nhất, 6 giải Nhì, 30 giải Ba, 24 giải Khuyến khích), xếp thứ 7/63 tỉnh, thành. Thi Quốc gia Giải toán trên máy tính các cấp học gồm 4 đội tuyển (Toán, Vật lý, Sinh học, Hoá học) với 30 em tham gia có 19 em đạt giải (4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 3 giải Khuyến khích), được xếp Xuất sắc toàn đoàn. Thi Olympic tiếng Anh cấp THCS có 2 em đoạt Huy chương Bạc... Đặc biệt, kỳ tuyển sinh đại học năm 2011, học sinh Hà Tĩnh đã đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm qua, tạo nên sức thuyết phục lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của ngành. Thống kê kết quả bước đầu của Bộ GD&ĐT, Hà Tĩnh xếp thứ 4/63 tỉnh thành về số thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên; 7/100 em trên toàn quốc có tổng điểm 3 môn cao nhất; 5/35 thí sinh trong cả nước đạt điểm cao ở cả 2 khối thi; 14 thủ khoa các trường Đại học, trong đó có những tấm gương vượt khó học giỏi như: Đậu Thị Thu (THPT Hồng Lĩnh); Thái Quỳnh Trang, Trần Đình Anh (THPT Minh Khai); Lê Tùng Ngân (THPT Chuyên tỉnh) v.v... Thành tích thi Quốc gia Tiếng hát Giáo viên lần thứ III cũng rất ấn tượng với 4 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, xếp thứ Nhất toàn quốc.

Bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng văn hoá, nhiệm vụ giáo dục toàn diện đã được quan tâm chỉ đạo; số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh; việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, công tác khảo thí và kiểm định chất lượng, phổ cập giáo dục được tăng cường; kỷ cương, nền nếp được giữ vững; các cuộc vận động và phong trào thi đua được thực hiện một cách sâu rộng, hiệu quả; nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội được chú trọng đúng mức... Đó là diện mạo của một nền Giáo dục mang tính ổn định, bền vững và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước. Toàn ngành đã phấn đấu quyết liệt, hoàn thành xuất sắc 16/16 lĩnh vực công tác của Bộ GD&ĐT. Hà Tĩnh là 1 trong 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “hai không”; là 1 trong 4 tỉnh (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nam Định) có 14/16 lĩnh vực công tác dẫn đầu toàn quốc được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, Hà Tĩnh được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu tiêu biểu.

Phát huy thành tích đã đạt được, Ngành Giáo dục xác định những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm học 2011 - 2012, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp:

Tập trung chỉ đạo việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Chỉ thị và hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc thực hiện Chỉ thị 35 và Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ đó, xây dựng các chương trình hành động cụ thể cho cả năm học  và theo học kỳ phù hợp với đặc thù của từng cấp học, bậc học, ngành học.

Giữ vững và phát triển giáo dục đại trà theo hướng toàn diện, chú trọng phát huy khả năng sáng tạo, thực hành, hình thành và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống của học sinh; củng cố và nâng cao chất lượng mũi nhọn; phát huy thành quả xoá mù chữ và PCGD các cấp đạt chuẩn, đẩy mạnh thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi và PCGD Trung học phù hợp. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục bằng việc xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc huy động nguồn đầu tư, giám sát, đánh giá toàn diện GD&ĐT.

Tiếp tục rà soát quy hoạch nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý theo hướng đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt chuẩn về chất lượng; sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường lớp theo hướng đa dạng hóa, chuẩn hóa, bảo đảm tính phân luồng rõ rệt; tổ chức đánh giá và đề nghị công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia gắn với các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo triển khai đạt chất lượng, hiệu quả và tổng kết Chương trình kiên cố hoá trường học giai đoạn 2008 - 2012; tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục tham mưu, triển khai để hoàn thành kế hoạch và thực hiện chuyển đổi loại hình trường theo Thông tư số 11 của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số 248/TB-VPCP ngày 16 tháng 9 năm 2010 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị về Đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu Khu kinh tế Vũng áng; chỉ đạo phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng đa dạng hoá các loại hình và phương thức đào tạo, đảm bảo cân đối, hài hoà giữa các ngành, nghề, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhu cầu của tỉnh đồng thời gắn với việc phân luồng hợp lý học sinh sau THCS, THPT.

GD&ĐT là Quốc sách hàng đầu và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, vì lợi ích trăm năm của dân tộc, Ngành mong muốn và tin tưởng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm có hiệu quả cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội, quyết tâm phấn đấu để sự nghiệp “trồng người” trên quê hương “đất học” ngày càng đơm hoa, kết trái.


    Ý kiến bạn đọc