Hiệu quả từ cơ chế hổ trợ nguồn lực xây dựng NTM ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
15:48 10/11/2014

Nghị quyết số 45/2012/NQ-HĐND ngày 20/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành đã mở ra hành lang pháp lý cho việc xã hội hoá nguồn lực với quan điểm ngân sách nhà nước các cấp đóng vai trò hỗ trợ, kích hoạt các nguồn lực khác đã huy động được nguồn lực khá lớn từ cộng đồng để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với cách làm “sáng tạo, bài bản, quyết liệt, hiệu quả”, tỉnh ta đã đạt được những kết quả toàn diện, rõ nét, đi vào chiều sâu; được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Có được những thành quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới tỉnh; sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần quyết định lớn cho thành công của Chương trình là hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh được ban hành đồng bộ, kịp thời, sát đúng; đặc biệt là cơ chế về huy động, lồng ghép, quản lý nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trong đó có Nghị quyết số 45 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định 10 của UBND tỉnh.

 Nghị quyết số 45/2012/NQ-HĐND thông qua chủ trương hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2015 được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành ngày 20/12/2012 và được Uỷ ban nhân dân tỉnh cụ thể hoá bằng Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 22/02 /2013, ban hành khung định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp để thực hiện các nội dung công việc trong xây dựng nông thôn mới đã mở ra hành lang pháp lý cho việc xã hội hoá nguồn lực với quan điểm ngân sách nhà nước các cấp đóng vai trò hỗ trợ, kích hoạt các nguồn lực khác đặc biệt là huy động nguồn lực từ cộng đồng để thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình nông thôn mới. Mức đóng góp được quy định cụ thể đến từng hạng mục, công trình, nội dung công việc với cơ chế lồng ghép tối đa các nguồn vốn và đơn giản hoá thủ tục xây dựng cơ bản, trao quyền cao hơn cho cơ sở đặc biệt là người dân đã tạo được sự chủ động cho cộng đồng quyết định lựa chọn các nội dung ưu tiên thực hiện trên cơ sở cân đối đảm bảo nguồn lực phù hợp với điều kiện của địa phương mình nhằm quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nông thôn mới.

Để thực hiện tốt hơn Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh và Quyết định 10 của UBND tỉnh, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành chuyên môn ban hành các mẫu thiết kế điển hình để tiết kiệm chi phí và đồng nhất tiêu chuẩn kỹ thuật của các công trình trên toàn tỉnh. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích các địa phương ưu tiên giao nhân dân tự thực hiện các công trình và đơn giản hoá các thủ tục.

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết đã góp phần xã hội hóa nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình nông thôn mới, mang lại những hiệu quả tích cực; huy động được nguồn lực lớn để thực hiện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 12.424 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh trực tiếp hỗ trợ 567 tỷ đồng, ngân sách huyện 52 tỷ đồng, ngân sách xã 409 tỷ đồng; vốn lồng ghép 1.296 tỷ đồng, vốn tín dụng 7.668 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 374 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 1.576 tỷ đồng, vốn khác 482 tỷ đồng); kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước được nâng cấp, củng cố đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tiêu biểu như phong trào làm giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng phát triển mạnh, nhất là giai đoạn 2013 - 2014 đã nhựa hóa và bê tông hóa hơn gần 2000km đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá gần 400km kênh mương do xã quản lý; làm mới hơn 400km đường điện; nâng cấp, sửa chữa gần 100 trường học các cấp đạt chuẩn; xây dựng hơn 100 nhà văn hóa và khu thể thao thôn; xoá và xây dựng lại hơn 3000 nhà tạm; về phát triển sản xuất xây dựng mới thêm được hơn 2000 mô hình theo 3 loại quy mô lớn, vừa, nâng tổng số mô hình từ khi triển khai thực hiện Chương trình lên hơn 3500 mô hình; đến nay đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 30 xã đạt từ 11-14 tiêu chí, 130 xã đạt từ 7-10 tiêu chí, 61 xã đạt dưới 7 tiêu chí.

Hầu hết các công trình sử dụng vốn nông thôn mới đều do người dân thực hiện, tự quản lý và giám sát nên chất lượng công trình được đảm bảo, rút ngắn thời gian và quan trọng nhất là phát huy được quyền làm chủ nhân dân, giảm được chi phí đầu tư khá lớn (khoảng 20 - 25%). Các công trình thực hiện theo cơ chế này đều phát huy hiệu quả, giá trị sử dụng, việc quản lý, bảo vệ các công trình tốt hơn nhờ có sự tham gia bàn bạc quyết định lựa chọn công trình cần thiết và trực tiếp đóng góp công sức, tiền của của người dân cũng như trực tiếp giám sát trong quá trình thực hiện.

Điển hình huy động nguồn lực là thôn Thái Kiều, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc đã hoàn thành xây dựng công trình văn hoá thôn với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ xây dựng Trạm Y tế bằng phương thức xã hội hoá nguồn lực, huy động đóng góp từ con em xa quê, doanh nghiệp và ngày công của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua kết quả kiểm tra tình hình quản lý sử dụng vốn thực hiện Chương trình nông thôn mới, một số địa phương, cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết áp dụng chưa linh hoạt dẫn đến vẫn còn hiện tượng sử dụng nguồn ngân sách vượt tỷ lệ so với quy định. Đặc biệt là nhóm công trình phúc lợi chung cho toàn xã có mức đầu tư lớn, việc cân đối nguồn lực theo quy định của Quyết định 10 rất khó khăn; nguồn lực huy động từ doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; việc thực hiện lồng ghép các Chương trình, Dự án không thực hiện được do các Chương trình, Dự án đều đã có mục tiêu, đối tượng, địa bàn cụ thể, cơ chế quản lý riêng; vốn tín dụng người dân vay để phát triển sản xuất đang chiếm tỷ lệ lớn, bản chất vẫn là vốn của nhân dân tuy đã có chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng tính rủi ro trong sản xuất nông nghiệp nên vẫn còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn các địa phương và chủ trương của Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới là không được huy động quá sức dân thì cần nghiên cứu điều chỉnh định mức tại Quyết định 10 theo hướng tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là nhóm công trình phúc lợi chung toàn xã hội, nguồn huy động của nhân dân chủ yếu bằng ngày công và một phần vật liệu sẵn có của địa phương (nếu có); đồng thời tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đảm bảo cơ bản người dân được bàn bạc, lựa chọn quyết định các nội dung và mức đóng góp cụ thể để thực hiện các công trình, hạng mục.


    Ý kiến bạn đọc