Môi trường đầu tư kinh doanh nhìn từ góc độ cải cách nền hành chính và tài chính công
EmailPrintAa
22:18 04/05/2015

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã đề ra 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá thứ nhất là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Sau hơn 4 năm thực hiện đột phá này đã mang lại những kết quả khá rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Tuy nhiên, để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm sự vận hành thông suốt của thị trường trong điều kiện hội nhập, huy động có hiệu quả các nguồn lực phát triển thì cần xem xét nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở phạm vi rộng hơn. Cần nhận thức rõ những vấn đề đang đặt ra.

Cải cách hành chính luôn luôn bao gồm 3 bộ phận: thủ tục hành chính, bộ máy vận hành và đội ngũ cán bộ, công chức (tức là con người vận hành bộ máy). Trong vài chục năm qua chúng ta luôn luôn đặt ra nhiệm vụ cải cách hành chính, nhưng tại sao cho đến nay, nhiệm vụ này vẫn được xem là đột phá chiến lược? Nguyên nhân do đâu?

Năm 2014, Chính phủ đã dành nhiều nỗ lực để rút ngắn thời gian khai thuế và thủ tục hải quan thông qua Nghị quyết 19-NQ/CP của Chính phủ tháng 3.2014, lấy tiêu chí thời gian khai thuế và hải quan của các nước ASEAN - 6 làm mục tiêu phấn đấu và đến nay đã mang lại kết quả khá ấn tượng. Tuy nhiên, để môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và mang tính cạnh tranh so với khu vực ASEAN thì cần có sự đồng bộ trong cải cách hành chính như thế nào? Những hạn chế nếu thực thi một cách phiến diện, thiếu đồng bộ?

Thể chế kinh tế, nền tài chính công và hành chính công là 3 bộ phận chính yếu tạo nên hiệu quả của quản trị quốc gia. Chúng ta thường nói: hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước thấp, thậm chí kém hiệu quả, cần tìm nguyên nhân từ nội dung của 3 bộ phận nêu trên, tính đồng bộ của nó trong cải cách.

Xác lập quyền tự do kinh doanh của công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm: bước đột phá về thể chế kinh tế:

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là bước nối tiếp của quá trình Đổi mới thực hiện từ gần 30 năm qua. Tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII (tháng 11.2014), QH đã thông qua nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật sửa đổi một số điều của các Luật thuế… cùng với các đạo luật ban hành trước đó như: Luật Đất đai, Luật Phá sản... đã từng bước hình thành cơ chế vận hành thuận lợi hơn cho thị trường. Dĩ nhiên, để thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế, trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII còn phải thông qua nhiều đạo luật quan trọng khác như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước… kể cả Bộ luật Dân sự ( sửa đổi). Nhưng các đạo luật liên quan  trực tiếp đến thể chế kinh tế nêu trên đã mang một dấu ấn rất quan trọng về đổi mới tư duy quản lý nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Nếu nhìn suốt quá trình Đổi mới, đặc biệt từ năm 1991, khi ra đời Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân thì quyền tự do kinh doanh của công dân (một loại quyền đương nhiên trong thể chế kinh tế thị trường) để được xác lập đã trải qua 3 thời kỳ: thứ nhất, phải được Nhà nước cho phép trước khi lập doanh nghiệp (Luật năm 1991); thứ hai, được đăng ký lập doanh nghiệp và kinh doanh các ngành nghề theo giấy phép đăng ký (Luật năm 2000); thứ ba, được kinh doanh những gì mà luật không cấm hoặc ghi điều kiện (Luật năm 2014). Chúng ta mất gần 1/4 thế kỷ để xác lập tư duy về một vấn đề mang tính đương nhiên phải có trong cơ chế thị trường. Nhưng để sự đổi mới tư duy này đi được vào cuộc sống thì vẫn đang còn là vấn đề phía trước.

Cho đến thời điểm này, doanh nghiệp chỉ kinh doanh những gì được Nhà nước cho (gọi làchọn cho) vì các Luật mới nêu trên phải đến ngày 1.7 năm nay mới có hiệu lực thi hành. Khi các luật mới có hiệu lực thì doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà luật không ghi rõ là cấm (gọi là chọn bỏ). Theo Điều 6 Luật Đầu tư (sửa đổi), chỉ có 6 loại ngành nghề cấm hoạt động đầu tư kinh doanh là: kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này; kinh doanh mẫu các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loại thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này; kinh doanh mãi dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Ngoài 6 nội dung cấm kinh doanh như trên, Điều 7 Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tức là những ngành nghề phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được cụ thể hóa tại Phụ lục số 4 kèm theo Luật và chi tiết về nội dung các điều kiện Luật quy định: phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tránh tình trạng các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước đẻ ra các loại giấy phép con như đã từng xảy ra. Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho những doanh nghiệp kinh doanh chấp hành tốt pháp luật, định hướng cho doanh nghiệp hoạt động tự giác tuân thủ pháp luật và hạn chế đất sống của doanh nghiệp làm ăn sai trái và sự nhũng nhiễu của một bộ phận công chức thừa hành công vụ. Đây chính cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Thay đổi tư duy từ chọn cho sang chọn bỏtrong Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân theo Hiến pháp 2013 công dân được làm những gì mà luật không cấm chính là điểm đột phá trong tư duy quản lý nền kinh tế thị trường và kỳ vọng tạo ra một động lực phát triển mới.

Có thể nói, những đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, là cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Nhưng việc áp dụng luật vào cuộc sống có kết quả đến đâu còn tùy thuộc ở bộ máy vận hành từ Trung ương đến địa phương, tức là, còn tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức nền hành chính và đội ngũ công chức thực thi công vụ. Chúng ta kỳ vọng đến sự đổi mới đồng bộ giữa thể chế kinh tế với đổi mới nền hành chính công và tài chính công, mà những dự án luật có liên quan đang nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH Khóa XIII sẽ thông qua trong năm 2015.

Thực tiễn 30 năm đổi mới đã cho thấy: thể chế kinh tế chính là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự  phát triển.

Trong 25 năm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, tính từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất là trong 5 năm đầu (1991 - 1995 - riêng năm 1995 GDP tăng 9,5% - mức cao nhất cho đến nay) và kéo dài đến hết năm 1996 (GDP tăng 9,3%), trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999). Có thể nói giai đoạn này là thời kỳ nền kinh tế có sức bật mạnh nhất, nhờ động lực đổi mới thể chế kinh tế, trong đó cùng với Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1988), Luật Đất đai (năm 1993) thì Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (năm 1991) đã tạo cơ sở pháp lý để nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế thị trường, tạo khuôn khổ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thời gian tăng trưởng chỉ được 4 năm (1992 - 1996). Cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đã kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 1997 đến năm 2000, mà năm 1999 được xem là đáy của suy giảm (GDP chỉ tăng 4,8%). Bước qua giai đoạn 2001 - 2005, tình hình kinh tế khu vực và thế giới diễn biến thuận lợi hơn, nhưng đặc biệt là với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000, nền kinh tế nước ta như có một luồng sinh khí mới để phục hồi tốc độ tăng trưởng dù chưa lấy lại được tốc độ của giai đoạn 1992 - 1996. Năm 2005, tốc độ tăng GDP đạt mức cao nhất của thời kỳ này là 8,4% và bắt đầu suy giảm dần từ năm 2006 (tăng 8,2%) cho đến chạm đáy vào năm 2012 (5,25%) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và sự bất ổn vĩ mô của nền kinh tế trong nước. Động lực về thể chế của nền kinh tế giảm tác dụng, trong điều kiện hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu.

Như vậy, trong gần 5 kế hoạch 5 năm từ năm 1991 đến năm 2015 thì trong 5 năm đầu (1991 - 1995), nhờ vào cải cách đột phá về thể chế (luật hóa hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân), nền kinh tế đã tự vượt qua cuộc khủng hoảng từ bên trong (1986 - 1988) và đặc biệt là vượt qua sự hụt hẫng do mất chỗ dựa từ khối xã hội chủ nghĩa; trong 5 năm tiếp theo (1996 - 2000), do động lực tạo ra sức bật giảm dần cùng với khủng hoảng tài chính khu vực, nền kinh tế trở nên trì trệ; trong 5 năm kế tiếp (2001 - 2005), nhờ vào sự tiếp tục cải cách thể chế (nổi bật là Luật Doanh nghiệp năm 2000 và Luật Đất đai năm 2003...), sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong nước (tốc tộ tăng trưởng của khu vực tư nhân cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, bên cạnh đó, do sự yếu kém về thể chế (luật pháp, quản trị công, tiêu cực trong quản lý nhà nước...) đã tạo ra bong bóng của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, mà sự bùng nổ của nó diễn ra trong 2 năm 2006 - 2007. Hậu quả của 2 bong bóng này là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài từ năm 2008 đến năm 2014.

Bước vào năm 2015, mặc dù các di chứng của giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục phải khắc phục như: vấn đề nợ xấu, lãi suất cao, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản ngừng hoạt động và niềm tin của thị trường… Tuy nhiên, năm 2015 sẽ mở ra hướng phát triển mới, trong đó, cần xem hội nhập như một cơ hội để phát triển nhanh và doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội hội nhập này để phát triển chứ không nên quá lo sợ là không cạnh tranh được. Trong hội nhập, sẽ có nhiều thách thức nhưng chính những thách thức là điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua để phát triển bền vững. Sự thách thức khiến doanh nghiệp vượt lên, tạo cho doanh nghiệp nền tảng, sức mạnh để đương đầu với thương trường.

Hiện nay, các chính sách và thể chế kinh tế được cải cách thông qua việc sửa đổi và ban hành các đạo luật mới nêu trên đang đi vào cuộc sống, kỳ vọng đáp ứng được mặt bằng chung về môi trường pháp lý như các nước trong khu vực. Thiết nghĩ, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ chính là 3 nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải là các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Phải cải cách đồng bộ nền hành chính công và tài chính công

Tổ chức nền hành chính quốc gia, mà khâu đột phá là tổ chức lại chính quyền địa phương theo nguyên tắc nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương nhằm bảo đảm tính linh hoạt của thị trường đang là xu hướng chung trong quản trị công của thế giới ngày nay. Xu hướng này ở nước ta thường gọi là mở rộng việc phân cấp của Chính phủ cho chính quyền địa phương. Việc phân cấp cần được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản sau: một là, mở rộng phân cấp nhưng đồng thời phải tạo cơ chế để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương. Cụ thể là, Chính phủ cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra giám sát chế tài vi phạm, còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. Hai là, phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia nhưng không đồng nhất, bảo đảm tính chất của một Nhà nước đơn nhất nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị. Xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp dịch vụ đô thị của chính quyền các đô thị. Ba là, việc phân cấp cần được thực hiện theo hướng việc gì cấp dưới, địa phương làm tốt thì giao cho cấp đó thực hiện; cấp nào giải quyết sát thực tế hơn, có điều kiện thực hiện và có hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó. Bốn là, nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ (tự quyết, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lắp giữa việc do Trung ương làm với việc của địa phương làm và công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động). Từ các nguyên tắc trên, mối  quan hệ giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo 3 cơ chế: phân quyền, ủy quyền và phân cấp. Tùy đặc  điểm của mỗi địa phương, sẽ có sự lựa chọn khác nhau trong việc áp dụng 3 cơ chế nêu trên.

Những nguyên tắc nêu trên là cơ sở để xây dựng các đạo luật có liên quan như: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ngân sách Nhà nước, mà trong năm nay, QH sẽ thông qua. Nếu không đổi mới đồng bộ nền hành chính và tài chính công theo những nguyên tắc trên thì rất khó cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh như kỳ vọng, dù các luật doanh nghiệp, luật đầu tư có tiến bộ đến đâu.

Phải chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không quản lý xã hội theo phương thức bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân hay nói cách khác là hành chính hóa các quan hệ dân sự mà Nhà nước cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự. Điển hình là trong các loại thủ tục hành chính tư pháp của nước ta vừa qua, dường như Nhà nước đã làm thay trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự như: hoạt động công chứng, thi hành án dân sự, hộ tịch… Tư duy bao cấp trách nhiệm của Nhà nước trong các quan hệ dân sự đang để lại dấu ấn rất nặng nề trong hệ thống pháp luật có liên quan. Cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính nhà nước ngày càng phình to nhưng vẫn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Xây dựng nền hành chính phục vụ dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ. Hiện nay, luật pháp nước ta chưa chế định các định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận. Cần xác định rõ bản chất của định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận là các tổ chức cung cấp các dịch vụ công cho xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, dịch vụ đô thị, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thông tin, các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư… do các thành phần kinh tế và Nhà nước đầu tư; không phân biệt ai là chủ sở hữu được thành lập để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng mà nhà đầu tư không thu lợi nhuận về cho mình (nhà đầu tư không thu lợi nhuận không có nghĩa là tổ chức đó không hoạt động kinh doanh, mà phải mang tính chất kinh doanh nhằm tích tụ vốn để không ngừng phát triển). Để thực hiện vai trò này của Nhà nước, cần sớm xây dựng một đạo luật về các tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận. Khi có đạo luật này thì vai trò quản lý của Nhà nước chính là giám sát hoạt động của các tổ chức trên chứ không phải làm thay các tổ chức này.

Tóm lại, để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, việc cải cách thủ tục hành chính bước đầu là cần thiết, và trên thực tế, đang mang lại kết quả. Tuy nhiên, thủ tục hành chính chỉ là sản phẩm của một nền hành chính nên nếu không cải cách đồng bộ cả 3 bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy và con người thì tác dụng của cải cách thủ tục hành chính rất hạn chế và nhanh chóng giảm hiệu quả. Hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp mà phải đặt nó trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia với 3 trụ cột: thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra, khi mà chúng ta muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đạo luật có liên quan. Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, trước hết, cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia chứ không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường. Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng. Trong điều kiện nước ta hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào 3 nhân tố: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là 3 nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

 

 


    Ý kiến bạn đọc