Một nhà lãnh đạo luôn coi trọng khoa học và giáo dục
EmailPrintAa
14:53 30/06/2015

Lĩnh vực khoa học, giáo dục tuy chưa có điều kiện bàn luận nhiều như một số lĩnh vực khác, nhưng thông qua các bài viết, bài nói chuyện cũng như hoạt động thực tiễn cho thấy những đóng góp to lớn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong lĩnh vực này.

Các nhà khoa học là vốn quý của đất nước

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng chủ trương: “Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của khoa học - kỹ thuật. Kết hợp chặt chẽ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật; hướng mọi hoạt động của khoa học - kỹ thuật vào thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Gắn chặt khoa học - kỹ thuật với sản xuất và đời sống. Phát huy năng lực sáng tạo đội ngũ các nhà khoa học, đồng thời đẩy mạnh phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học - kỹ thuật”.


Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh xem máy cắt lúa trên đồng ruộng của Hợp tác xã
Phước Tú 
Ảnh: Tư liệu

Quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh về nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học - kỹ thuật thể hiện khá cụ thể tại cuộc tiếp xúc với 40 nhà khoa học nổi tiếng của cả nước tháng 6.1990. Tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: (1) Vai trò to lớn của khoa học, kỹ thuật; đội ngũ các nhà khoa học là vốn quý của đất nước; Đảng và Nhà nước phải có biện pháp thích hợp nhằm phát huy tối đa vai trò của vốn quý đó; (2) Từ thời kỳ kháng chiến, Đảng đã rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học. Chính bằng công tác nghiên cứu khoa học đã tổng kết kinh nghiệm, vạch ra đường lối, đưa nhân dân giành thắng lợi, ngày nay càng phải tăng cường phát huy hết khả năng chất xám của các nhà khoa học; (3) Khoa học xã hội không chỉ có nhiệm vụ “minh học” mà phải phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phải tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành các quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước. Các nhà khoa học kỹ thuật phải gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Chỉ một bộ phận đi vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, còn đại bộ phận phải nghiên cứu triển khai. Tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành…; (4) Phát huy tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, vì “không mở rộng tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học thì rất khó tiếp cận chân lý. Đảng và Nhà nước khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ của các nhà khoa học, sự trao đổi và tranh luận ý kiến”; (5) Trong khoa học cần tôn trọng những ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến của thiểu số. Đối với những vấn đề lý luận liên quan đến quan điểm chính trị, cũng cần được bảo lưu nhưng không được công khai truyền bá. Các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau phải tăng cường tranh luận, nhưng tất yếu là phải hợp tác, không được quay lưng với nhau.

Không “khoán trắng” giáo dục cho ngành giáo dục

 Phát huy mọi khả năng của con người, lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quan tâm đào tạo thế hệ trẻ cũng là một nội dung được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh rất quan tâm. Theo ông, chúng ta phải luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ,chú ý cả tài lẫn đức. Đào tạo thế hệ trẻ kế thừa là việc làm thường xuyên, lâu dài, có hệ thống. Muốn vậy, “phải có cái nhìn khoáng đạt với cán bộ trẻ, không định kiến, không cầu toàn. Trẻ thì bồng bột, có khi xốc nổi nhưng sáng tạo, năng nổ, nhạy bén với cái mới hơn. Điểm nào khiếm khuyết ở họ, nên bổ sung, chớ nên chê bai rồi không dùng”.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, muốn giáo dục con người cách mạng cần phải làm cho họ có phẩm chất cách mạng, dám hy sinh cả cuộc đời; phải anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng nhằm thực hiện cho được lý tưởng của mình, đấu tranh vì công bằng, tự do; biết thương yêu đồng bào, đồng chí, gần gũi với quần chúng nhân dân, biết đấu tranh không mệt mỏi bảo vệ lẽ phải, dù phải hy sinh tính mạng. Công việc đổi mới phải gắn liền với nâng cao trình độ dân trí, phải chăm lo công tác giáo dục, đào tạo. Ngày 29.8.1990, tại Hội nghị quán triệt nội dung sinh hoạt chính trị đầu năm học 1990 - 1991 cho các trường đại học, cao đẳng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: chỉ có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế, sớm thoát khỏi nghèo nàn và vươn lên trình độ một trước phát triển nếu biết ưu tiên phát triển một nền giáo dục hiện đại, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, tạo điều kiện tiếp thu và ứng dụng nhanh chóng những thành tựu khoa học, kỹ thuật của nhân loại nhằm phát huy hiệu quả nhất mọi tiềm năng của đất nước. Do đó, công tác giáo dục, đào tạo phải nhanh chóng đổi mới theo yêu cầu của cách mạng.

Trong một bài đăng trên mục Những việc cần làm ngay, ông viết: Hiện nay, trong ngành giáo dục đang có hàng vạn đơn xin thôi việc. Lý do là cuộc sống nhà giáo quá chật vật, phương tiện làm việc thiếu thốn. Điều kiện học tập của con em ở nhiều nơi rất tồi tệ. Các địa phương cần động viên đơn vị kinh tế, các đoàn thể xã hội cùng các bậc phụ huynh và nhân dân giúp đỡ ngành giáo dục sửa chữa trường lớp, nhà tập thể giáo viên, bảo đảm đủ bàn ghế cho dạy học. Nên có những việc làm cụ thể để chăm sóc thầy cô giáo, giữ cho đội ngũ này vững mạnh. Phải đề cao và đãi ngộ thỏa đáng giáo viên giỏi, tận tụy với nghề nghiệp, giúp đỡ thiết thực những gia đình giáo viên khó khăn về kinh tế. Mong rằng các cấp ủy và chính quyền cơ sở đưa những việc như thế vào chương trình thường xuyên của mình. Tránh tình trạng “khoán trắng” công tác giáo dục cho ngành giáo dục.

Việc chống tiêu cực trong giáo dục, gian lận thi cử được quan tâm đặc biệt. Ngày 25.6.1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa lên chuyên mục Những chuyện cần làm ngayviệc Phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Hà Sơn Bình cấp giấy tờ gian lận cho một số các nhân đi học đại học và đi lao động hợp tác ở nước ngoài; đồng thời yêu cầu ngành giáo dục tổ chức rút kinh nghiệm, tăng cường làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Ngay sau đó, nhiều địa phương tích cực thực hiện chống tiêu cực, nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp năm học 1986 - 1987. Nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra thi cấp tỉnh, huyện, thị xã đến tận cơ sở, kịp thời uốn nắn sự lệch lạc trong các khâu coi thi, chấm thi. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục chỉ thị các cơ sở giáo dục, trường học trực thuộc theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời các sai phạm, tạo kết quả trung thực, đưa chất lượng đi lên.

 

 


    Ý kiến bạn đọc