MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI 2014
EmailPrintAa
10:51 17/08/2015

Ngày 20 tháng 11 năm 2014, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ điểm b khoản 1 điều 2 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Thay thế luật Bảo hiểm xã hội 2006. So với Luật Bảo hiểm xã hội 2006 thì Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã đánh dấu một bước tiến trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước, trong đó tiếp tục khẳng định bảo hiểm xã hội là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội được hoàn thiện theo hướng đa dạng, linh hoạt; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm xã hội; có chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Để giúp bạn đọc tìm hiểu nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội mới, xin trích giới thiệu những điểm mới cơ bản của Luật mới 2014 so với luật Bảo hiểm xã hội 2006.

1. Về quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc (điểm b khoản 1 Điều 2)

Đây là nhóm lao động cơ bản đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở có quan hệ lao động nhưng chưa được quy định phải ký kết hợp đồng lao động nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thực tiễn lâu nay nhóm lao động này, cũng chưa được hưởng quyền được đóng Bảo hiểm xã hội, nên chịu thiệt thòi về quyền lợi, và các chủ sử dụng lao động cũng chưa phải bắt buộc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc nhóm này.

2. Về việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi 2 chế độ hưu trí và tử tuất (điểm i khoản 1 Điều 2)

Đây là vấn đề bất cập lâu nay, đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã là đội ngũ kế cận của cán bộ chuyên trách, nhất là chức danh Phó các đoàn thể chính trị, do quy định không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên nhiều người khi trở thành cán bộ chuyên trách, lại không còn đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu. Do vậy lần này Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung đối tượng này vào là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức đóng như sau: Nhà nước đóng 14%, người lao động đóng 8% trên mức tiền lương cơ sở (hiện nay là 1.150.000).  Chế độ được hưởng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Cả nước có khoảng 240 ngàn người hoạt động không chuyên trách ở xã. Nếu Nhà nước đóng 14% thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng 443 tỷ đồng. Riêng tỉnh Hà tĩnh có 262 xã phương với số cán bộ hoạt động không chuyên trách được bố trí khoảng 3750 biên người.

3. Về chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Luật cũng quy định căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ. Hiện nay Chính phủ đang chuẩn bị dự thảo Nghị định quy định mức hộ trợ từ ngân sách nhà nước cho những người tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện để kịp ban hành trong năm 2015 làm căn cứ thực hiện vào năm 2016.

Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng: hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc Một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, khác với quy định đóng hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

4. Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 54)

Bổ sung nhóm Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (khoản 3 Điều 54).

Mức hưởng, nếu đủ 15 năm tính 45%, Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2% (khoản 4 Điều 56).

5. Về mức lương hưu hằng tháng (Điều 56)

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a. Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

6. Về điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH (Điều 62)

a. Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ này, bắt đầu tham gia từ ngày 1/1/1995 thì tính bình quân tiền lương tháng của 5, 6, 8 và 10 năm cuối như luật hiện hành và kéo dài thêm 2 lộ trình 15 năm, 20 năm, đến người bắt đầu tham gia từ ngày 1/1/2025 thì tính bính quân cả quá trình như khu vực tư.

b. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (khu vực ngoài Nhà nước) thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

c. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian

7. Về giao thẩm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội

Quy định cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Bộ máy thực hiện công tác thanh tra sẽ là đội ngũ cán bộ đang làm công tác kiểm tra của cơ quan bảo hiểm xã hội hiện nay để không làm tăng thêm biên chế khi thực hiện thẩm quyền này. Đồng thời, thanh tra của ngành lao động – thương binh và xã hội, thanh tra của ngành tài chính vẫn có chức năng thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

8. Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (Điều 90)

Định kỳ 3 năm một lần Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiemr xã hội cụ thể (Điều 90). Hằng năm, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội và Quốc hội thẩm tra, giám sát các báo cáo này, đồng thời, để đồng bộ với Luật bảo hiểm y tế, Luật việc làm, Luật an toàn vệ sinh lao động, 3 năm một lần, Kiểm toán Nhà nước phải báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán Quỹ bảo hiểm xã hội, ngoài ra, khi có yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán đột xuất đối với Quỹ bảo hiểm xã hội.

9. Về Nghị quyết số: 93/2015/QH13 Về việc thực hiện Chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.

Sau khi Luật bảo hiểm xã hội 2014 được thông qua, tài kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 93 nhăm bổ sung một số điểm của điều 60, tại điều 1 Nghị quyết quy định như sau:

1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Nghị quyết này nhằm bổ sung Chính sách cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng như bảo hiểm xã hội  tự nguyện chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, sau một năm nghỉ việc hoặc thôi đóng bảo hiểm tự nguyện được lựa chọn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hay yêu cầu nhận một lần. Các quy định khác vẫn thực hiện như điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.


    Ý kiến bạn đọc