Ngành Y tế: Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 58/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh
EmailPrintAa
19:55 21/11/2018

Nghị quyết 58/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2017. Sau khi Nghị quyết ban hành, Sở Y tế đã phổ biến, hướng dẫn để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của ngành và nhiều hình thức khác để người dân biết, thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt mức giá được quy định tại Nghị quyết 58/ 2017/NQ-HĐND, đồng thời công khai mức giá tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 149/2016 /NĐ-CP, ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá để người dân được biết và tham gia vào quá trình giám sát việc thực hiện. Bảo đảm bình đẳng về giá, không phân biệt về giá giữa khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh không có bảo hiểm y tế và người bệnh có có bảo hiểm y tế trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở y tế cùng tuyến, cùng hạng. Việc đồng nhất giá dịch vụ y tế cho hai nhóm đối tượng (có BHYT và không có BHYT) tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quản lý chi phí khám chữa bệnh trên phần mềm HIS đang áp dụng tại các bệnh viện công lập. Đảm bảo nguồn thu thực hiện lộ trình tự chủ chi thường xuyên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Góp phần giảm chi đáng kể Ngân sách Nhà nước chi trả lương và phụ cấp theo lương cho cán bộ, viên chức.

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác trao đổi với bác sỹ, bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn

Từ khi triển khai Nghị quyết đến nay, Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh không nhận được phản ánh của người dân về mức giá dịch vụ, việc thực hiện được thuận lợi. Trên thực tế, mức giá mới theo Nghị quyết 58/2017/NQ-HĐND chỉ tác động tới nhóm đối tượng có mức sống trung bình (tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh tính đến tháng 10/2018 là 86%, trong đó đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như người yếu thế, người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi... đã được hỗ trợ mua, cấp thẻ BHYT, phần còn lại là những đối tượng có mức thu nhập trung bình và trên trung bình chưa mua thẻ BHYT. Riêng đối tượng có thu nhập trung bình trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp nếu mua BHYT đã được ngân sách hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ (Trung ương 30%, tỉnh 20%), do vậy phần lớn nhóm này cũng đã mua BHYT. Vì vậy việc tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT như Nghị quyết 58/2017/NQ-HĐND không ảnh hưởng nhiều đến mức sống của nhóm đối tượng này.

Việc thực hiện Nghị quyết 58/2017/NQ-HĐND với mức giá dịch vụ y tế tăng đã góp phần thúc đẩy người dân tham gia BHYT (điều này được thể hiện qua việc tỷ lệ BHYT năm 2018 tăng nhiều so với năm 2017, nguồn thu viện phí trực tiếp (không BHYT) năm 2018 giảm hơn năm 2017. Sau một năm triển khai nghị quyết, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã tăng 13%, đến thời điểm hiện tại đã có 86% người dân tham gia BHYT. Giảm chi phí khám, chữa bệnh đối với người dân không có bảo hiểm y tế hơn 9,5 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, các cơ sở khám chữa bệnh không gặp phải vướng mắc, vì đây là chủ trương lớn, đúng đắn, có sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết được thực hiện rộng rãi nên người dân tiếp cận thông tin tốt, hiểu và tự giác chấp hành. Tuy nhiên nếu người dân có mức sống trung bình, không có thẻ BHYT mà bị bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày/nhiều lần hoặc các bệnh phải sử dụng kỹ thuật cao thì sẽ bị tác động làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và giảm chất lượng sống, vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhóm đối tượng này mua thẻ BHYT.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết, thời gian tới Sở Y tế có nhiều giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, hướng tới BHYT toàn dân. Từ đó sẽ giảm thiểu tác động không mong muốn về gánh nặng kinh tế và chất lượng sống đối với một bộ phận người dân không có thẻ BHYT khi thực hiện giá dịch vụ y tế. Căn cứ tình hình thực tế giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 15/2018/ TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp có giảm một số dịch vụ so với Thông tư liên tịch số 37/ 2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính, Sở Y tế đang có kế hoạch đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá dịch vụ y tế được quy định tại Nghị quyết 58/ 2017/NQ-HĐND theo hướng giảm giá một số dịch vụ (đưa giá dịch vụ y tế của đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế bằng giá dịch vụ y tế của đối tượng có BHYT). Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, bảo đảm sự công bằng trong hoạt động khám chữa bệnh giữa các đối tượng có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế hướng tới sự hài lòng của người dân.

Đình Thiện

    Ý kiến bạn đọc