"Nguyễn Du nhà thơ nhân đạo lỗi lạc"
EmailPrintAa
08:19 29/10/2015

Đó là nhận xét của nhà nghiên cứu văn hoá Nga N.Nikulin về Đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta. Sinh ra và lớn lên ở chặng đường tiếp nối hai thế kỷ (1765-1820), đồng hành cùng đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam và trước những thăng trầm của lịch sử, Nguyễn Du với tài năng và nhân cách của mình đã để lại cho hậu thế một di sản thi ca đồ sộ: Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trương Lưu, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn tế thập loại chúng sinh và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều, đỉnh cao của nền văn học Việt Nam và đi trước thời đại.

Nguyễn Du sống ở một thời đại lịch sử mà trong xã hội diễn ra biết bao nghịch lý. Nấp sau cái oai phong lễ nghi ở chốn cung đình, ở nơi nha môn là kéo theo một lũ lái buôn, mẹ mìn lừa đảo, sẵn sàng làm bất cứ hành động đê tiện nào. Bên cạnh những viên quan lại cao mạo, thì lộ hình những kẻ buôn người mà ở đó đồng tiền đã trở thành thế lực vạn năng, ở đó biết bao lớp người cùng cực bị đối xử tồi tệ, ở đó nhân phẩm đạo lý được rao giảng đã bị thực tế phũ phàng chôn vùi. Vốn được sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp cao trong xã hội phong kiến, được giáo dục bằng những gia phong khuôn phép và đào tạo thành bậc quan lại có chức sắc, thế mà Nguyễn Du đột phá từ quan niệm trung hiếu của một nhà nho tầng lớp trên để nhìn thẳng và xuyên suốt vào cuộc sống thực tại với tầm tư tưởng nhân văn mới mẻ và táo bạo lạ lùng. Với Nguyễn Du cái tâm là hạt nhân, là cốt lõi, là bản chất của nhân văn. Ông xem “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và từ cái tâm của mình ông đã hoà vào mọi kiếp người, đi đến tận cùng của những xung đột, những bi kịch, những nghịch cảnh, những nỗi bất hạnh của con người để hiểu và đồng cảm với họ. Ông vừa phê phán, vừa đề cao con người, vạch mặt tố cáo cái ác, cái xấu; vừa hết mực cưu mang, an ủi những số phận.

 

Thật kỳ lạ, đọc Truyện Kiều chỉ qua vài câu, thậm chí vài chữ trong thơ mà tính cách bộ mặt của mỗi nhân vật được ông vạch ra, được ông chỉ đích danh. Bằng một vài ngôn từ bóng bẩy nhưng dân dã, thẳng thừng mà chua chát, ông đã vạch mặt, chỉ trán tên quan tham ô, gã lái buôn xảo quyệt, mụ chủ lầu xanh gian xảo... Những câu thơ, những nhân vật trong Truyện Kiều đã được dân gian chuyển hóa thành ca dao, tục ngữ; thành nhân vật điển hình cho các loại người trong cuộc sống như là tên Sở Khanh, mụ Tú Bà, chàng Từ Hải... Nhưng tâm điểm và xuyên suốt trong sự nghiệp của Nguyễn Du, nhằm tố cáo, lột trần bản chất xấu xa của xã hội, đồng thời gửi gắm tỏ bày tư tưởng nhân văn, đạo lý, lòng thương yêu của mình ông đã đưa nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều thăng hoa đến vậy.

 

Dưới ngòi bút của nhà văn lãng mạn, ông đã ca ngợi một phẩm chất cao đẹp về đức hy sinh, chịu đựng cũng như sự xúc động thổn thức của trái tim yêu thương, tâm hồn ưu tư, trong sáng và vẽ nên chân dung một nhân vật mà trong đó chứa đựng được triệu triệu số phận con người. Quả là chỉ có tấm lòng nhân đạo cao cả, một trái tim vô hạn thương yêu, vô hạn cảm thông với con người, một tài năng xuất chúng, Nguyễn Du mới sáng tạo nên được những nhân vật như thế.

 

Từ nhiều góc nhìn khác nhau, các nhà nghiên cứu về Truyện Kiều, về Nguyễn Du ở trong nước và quốc tế không chỉ thâm nhập, giải mã bình phẩm về nội dung, về ngôn từ của Truyện Kiều mà còn tiến tới đối chiếu, so sánh thi phẩm với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện (Trung Quốc) và mở rộng so sánh với các kiệt tác như Thần Khúc của nhà văn Đantê (Italia), Kim Ngư truyện của Khúc Đình Mã Cầm (Nhật Bản), Fauxt của Gớt (Đức), Epghênhi Ônhêghin của Puskin (Nga)... Cho đến nay đã có trên 30 bản dịch Truyện Kiều ra 20 thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, Nhật, Trung, Nga, Hàn, Ba Lan, Tiệp, Phần Lan, Đức, Bungari, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Lào, Thái... Vượt qua thời gian và không gian tên tuổi Nguyễn Du cùng với Truyện Kiều ngày càng tỏa sáng, lan xa từ Việt Nam cuốn hút biết bao nhiêu trái tim bè bạn đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Đã hơn hai thế kỷ rồi mà Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn còn mới mẻ.

 

Đó chính là sự thành công của Nguyễn Du mà đến nay chưa có một ai có được về viết tiểu thuyết bằng thơ, một quyển thơ - tiểu thuyết đặc trưng cho thơ lục bát đã đưa Truyện Kiều đến đỉnh cao sáng chói không chỉ của nền thơ văn Việt Nam mà còn là của nhân loại. Đỉnh cao của Đại thi hào Nguyễn Du còn là ở chổ, ông đã chải chuốt, tinh luyện tiếng Việt đưa ngôn ngữ dân tộc đến chói sáng, lung linh, vừa khuôn mẫu, uyên bác, vừa đậm đà chất đời thường. Để rồi đọc Truyện Kiều ai cũng hiểu, cũng cảm nhận được, nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó cao xa hơn nữa mà mình chỉ mới nhận biết được như vậy là chưa đủ. Truyện Kiều được dân gian hóa cho mọi tầng lớp nhân dân, cả việc vận dụng vào cõi tâm linh để linh ứng cho những số phận đời thường...

 

Nguyễn Du từng băn khoăn: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân  khấp Tố Như”. Thế mà 200 năm sau (năm 1965) Nguyễn Du đã được Hội đồng Hòa bình thế giới đưa vào danh sách 9 danh nhân văn hóa để các quốc gia trên thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Đến nay, từ điểm nhìn 250 năm về sau, cả dân tộc ta lại hướng về ông để cùng chia sẻ những yêu thương, căm giận; để ngưỡng mộ ông về sự mẫu mực tuyệt vời của một nhân cách ở đỉnh cao chói lọi trong nền thơ ca của dân tộc. Hôm nay đây đọc lại những tác phẩm của Nguyễn Du vẫn như đang gợi mở cho ta biết bao câu hỏi lớn về thời cuộc, bao vấn đề đang đặt ra cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng con người; về xây dựng một cuộc sống thật dân chủ, bình đẳng, tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

 

Thật vô cùng tự hào, quê hương Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có được Nguyễn Du. Theo suốt chiều dài lịch sử tên tuổi Cụ Nguyễn Tiên Điền gắn liền với núi Hồng Lĩnh, dòng Lam Giang, làm rạng rỡ và sống mãi cùng với non sông đất nước Việt Nam. Tư tưởng nhân văn của ông không chỉ nằm ở câu chuyện văn chương, mà hiện nay với chúng ta vẫn đang là câu chuyện của cuộc đời, của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới. Thiết nghĩ tưởng nhớ đến ông, noi theo ông hướng tới cái thiện, lấy cái tâm cái đức làm đầu, các thế hệ con cháu cùng chung lòng, chung sức phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, văn minh, để cho Sông Lam mãi “long lanh đáy nước in trời”, núi Hồng sừng sững muôn đời “non soi bóng vàng”.


    Ý kiến bạn đọc