Quy hoạch hệ thống trường lớp lộ trình bền vững
EmailPrintAa
15:26 30/07/2015

Thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 20/2011 /NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, năm 2012 UBND tỉnh xây dựng Đề án “Quy hoạch hệ thống trường Mầm non và Phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020” nhằm từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân vừa đảm bảo quy mô phù hợp, tập trung để nâng cao chất lượng giáo dục... Trên tinh thần ấy, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các cấp ủy chính quyền địa phương đã có sự phối kết hợp chặt chẽ, quyết liệt trong cách làm đặc biệt là việc chú trọng công tác tuyên truyền đưa chủ trương đường lối của tỉnh đến với người dân. Đến nay, việc sáp nhập, giải thể các trường học theo quy hoạch đến năm 2015 đã cơ bản hoàn thành lộ trình đã định.

Quy hoạch hệ thống trường lớp là một chủ trương đúng, có ý nghĩa lớn trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này càng trở nên bức thiết khi thực tế trẻ em trong độ tuổi có xu hướng giảm dẫn đến quy mô các trường học ngày càng nhỏ, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Để chủ trương đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả là một việc làm không dễ, bởi những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Còn nhớ hơn 10 năm trước, mặc dù chưa có chủ trương của tỉnh trong việc quy hoạch lại hệ thống trường lớp, nhưng trước thực tế về số trẻ em trong độ tuổi có xu hướng ngày càng giảm, việc tổ chức dạy học, nâng cao chất lượng trở nên khó khăn nhất là ở lĩnh vực THCS đã khiến các cấp lãnh đạo huyện Thạch Hà băn khoăn, suy nghĩ. Ý tưởng, chủ trương về nhập trường cũng được bắt đầu từ đấy. Năm 2004 được xem là một mốc quan trọng trong việc đưa chủ trương nhập trường của huyện đi vào thực tế khi Huyện ủy đã có Nghị quyết về vấn đề này, ngay sau đó UBND huyện cũng đã xây dựng đề án.


CSVC khang trang của trường THCS Thư Thọ (Kỳ Anh)

sau sáp nhập (nguồn ảnh baohatinh.vn)

 

Kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy sức mạnh đồng thuận của lòng dân làm gốc, nên tất cả những khó khăn của buổi đầu tiên như sự dày công trong việc tuyên truyền vận động lãnh đạo và nhân dân ở 2 xã Mai Phụ - Hộ Độ trong quá trình hình thành trường THCS Tân Vịnh. Hay quá trình làm việc ròng rã hàng tháng trời ở để đả thông tư tưởng cho người dân trong việc giải phóng mặt bằng trường THCS Phan Huy Chú... Đó cũng chính là tiền đề để phong trào xây dựng trường chuẩn, thi đua dạy tốt, học tốt ở Thạch Hà ngày càng lan rộng.

Nhà giáo ưu tú Trần Quang Cảnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Từ sự quan tâm của huyện, sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân đã là tiền để từ năm 2012 đến nay, Thạch Hà đã sáp nhập thêm được 6 trường ở cả 3 bậc học trên địa bàn”. Cùng với việc sáp nhập các bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, đã giải thể trường THPT Mai Kính.

Bà Nguyễn Thị Liên - phụ huynh học sinh ở xã Ngọc Sơn cho biết: “Trước đây trường THPT Mai Kính và trường THPT Lý Tự Trọng cùng tuyển sinh học sinh trên địa bàn hơn 10 xã trong vùng, trong đó có xã chúng tôi. Nhưng từ khi sáp nhập và giải thể trường THPT Mai Kính về Lý Tự Trọng chất lượng học tập của con em ngày càng được cải thiện. Điều đó làm chúng tôi thực sự vui mừng”.

Để nâng cao chất lượng dạy và học trong khi thực tế quy mô trường lớp trên địa bàn manh mún, nhỏ lẻ thì việc sáp nhập trường là một chủ trương đúng đắn và tất yếu. Trong xu thế chung đó, Can Lộc cũng đã sớm là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào vào  năm 2003, huyện đã tiến hành sáp nhập 6 trường học trên địa bàn. Thầy Võ Đức Đại - Trưởng phòng giáo dục huyện Can Lộc cho biết: “Từ sự chủ động tham mưu của ngành, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và sức mạnh đồng thuận của lòng dân đã là những yếu tố thuận lợi để từ năm 2012 đến nay Can Lộc đã sáp nhập thành công thêm 8 trường ở cả 3 cấp học. Đến thời điểm hiện tại toàn huyện đã sáp nhập 23 trường THCS thành 15 trường, 29 trường TH thành 24 trường và 24 trường MN thành 23 trường”.

Những bước đi vững chắc của các địa phương tiên phong, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành giáo dục, sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền vận động đã là những yếu tố góp phần đả thông tư tưởng, vướng mắc, tạo sự đồng thuận của lòng dân. Vượt qua mọi khó khăn đến nay Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành việc sáp nhập, giải thể các trường theo đúng lộ trình đã định.

Đến thời điểm hiện tại, cụ thể là lộ trình đến năm 2015 của Đề án Quy hoạch hệ thống trường Mầm non và Phổ thông của tỉnh ở bậc học mầm non đã quy hoạch từ 278 trường còn 267 trường (trong đó có 3 trường tư thục); bậc tiểu học từ 304 trường còn 260 trường; THCS từ 185 trường quy hoạch lại còn 151 trường (bao gồm 7 trường TH&THCS); THPT còn 44 trường. Điều đáng mừng là chất lượng dạy và học của các nhà trường sau sáp nhập có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong hành trang của thầy và trò trường THCS Thư Thọ (Kỳ Anh) những ngày cuối năm học này lại có thêm niềm vui bởi sự đột phá về chất lượng giáo dục. Từ một trường luôn xếp tốp cuối của huyện,  kể từ sau khi sáp nhập chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn của trường đã có nhiều chuyển biến tích cực và là một trong những đơn vị dẫn đầu bậc THCS ở Kỳ Anh.

Thầy Lâm Anh Đức - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để tạo niềm tin trong nhân dân và chính quyền địa phương, thời gian qua nhà trường đã tập trung đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ có trình độ đạt chuẩn mà còn phải là những người tâm huyết, trăn trở với nghề. Chính vì thế, ngoài các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên, ngoài việc tổ chức tốt các cuộc thi do phòng, trường tổ chức, bằng nhiều hình thức chơi mà học, học mà chơi chúng tôi đã tạo không khí vui vẻ, thân thiện khơi dậy phong trào thi đua học tập trong mỗi lớp học...”.

Cùng với khí thế thi đua của học sinh, những hình ảnh giáo viên dạy tăng giờ, thêm buổi để phụ đạo cho học sinh yếu, hay việc giáo viên trích lương để mua vở tặng cho học sinh nghèo, đến tận nhà kiểm tra việc học của các em đã trở thành những hoạt động quen thuộc ở trường THCS Thư Thọ. Và đến nay, những cố gắng của các thầy cô trong sự nghiệp trồng người đã được đền đáp bằng kết quả học tập của học sinh, bằng niềm tin của các bậc phụ huynh và cấp ủy chính quyền.

Tương tự, trường TH Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) cũng đã đón niềm vui sau một quãng thời gian được quy tụ về một mối. Có điều kiện để tập trung cơ sở vật chất, thuận lợi cho việc sinh hoạt chuyên môn và lựa chọn giáo viên trong công tác bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn, nên trong thời gian qua trường đã có học sinh giỏi quốc gia, được UBND huyện công nhận là tập thể lao động tiên tiến. Trường THCS Phan Huy Chú (sáp nhập từ trường THCS Thạch Thanh và thị trấn Thạch Hà) cũng đã có bước chuyển mình về cơ sở vật chất, chất lượng dạy học và đang từng bước hình thành vóc dáng của một trường trọng điểm bậc THCS của huyện Thạch Hà. Đặc biệt Trường THCS Yên Thanh (THCS Yên Lộc và Thanh Lộc) sau quãng thời gian sáp nhập, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng mũi nhọn xếp top đầu trong toàn huyện, tập thể nhà trường được công nhận là đơn vị xuất sắc. Trường TH Gia Hanh - một trong những trường nằm trong tốp cuối của huyện, sau sáp nhập cũng đã vươn lên ở thứ hạng khá về chất lượng giáo dục...

Quy hoạch hệ thống trường lớp là một chủ trương đúng có ý nghĩa lớn trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Dẫu việc thực hiện ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, ngoài huyện Đức Thọ 100% các trường sáp nhập đã dạy và học tại 1 địa điểm, các huyện còn lại một số trường còn học ở 2 phân hiệu; hoặc trong quá trình thực hiện có những địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận cao từ đầu trong phụ huynh học sinh nhưng bằng sự tiên phong của một số huyện đi đầu, bằng những biện pháp tháo gỡ kịp thời nỗi băn khoăn, trăn trở của người dân và đặc biệt là sự chuyển biến đáng ghi nhận về chất lượng dạy và học tại các nhà trường sau sáp nhập... đã là những yếu tố quan trọng góp phần củng cố thêm niềm tin cho các bậc phụ huynh và cấp chính quyền địa phương trước một chủ trương lớn.


    Ý kiến bạn đọc