Toàn dân tích cực chăm lo, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng
EmailPrintAa
16:33 26/07/2016

Qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đối với những người có công với nước. Chăm lo đời sống người có công vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Trong những năm qua, thực hiện chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước tăng trưởng phục hồi chậm, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân và các đối  tượng chính sách. Song được sự lãnh đạo, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành, công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, chính sách người có công, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đạt kết quả khá toàn diện. Đặc biệt, việc triển khai chính sách đối với người có công với cách mạng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị. Vai trò của địa phương, cơ sở trong chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi số 04/2013/PL-UBTVQH13; Pháp lệnh số 05/2013/PL-UBTVQH13 quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước bà “Mẹ Việt Nam anh hùng”; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày càng rõ nét.

 

 Cùng với sự phát triển, hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, các chế độ chính sách của Nhà nước về người có công liên tục được bổ sung, đối tượng được mở rộng, chế độ ưu đãi hàng tháng được tăng lên, từng bước đảm bảo sự công bằng và đồng thuận của xã hội. Toàn tỉnh hiện có 298.075 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó, chi trả thường xuyên gần 50 nghìn người, kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.

 

Chỉ tính tính từ thời điểm triển khai Nghị định số 31/2013/NĐ-CP đến nay, ngành Lao động- TBXH Hà Tĩnh đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 1.038 mẹ, nâng tổng số Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn tỉnh lên 1.857 mẹ (hiện nay còn 97 mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời); công nhận và giải quyết cho 374 trường hợp hưởng trợ cấp người hoạt động cách mạng (HĐCM) trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hi sinh và người hoạt động từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khỏi nghĩa tháng 8 năm 1945; xác nhận và giải quyết cho 378 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ hưởng trợ cấp thường xuyên; có 511 người HĐKC được tặng thưởng Huân, Huy chương; trợ cấp ưu đãi giáo dục, đào tạo 26.398 lượt; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 304 người, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 17.198 người, liệt sĩ 24, tuất vợ liệt sĩ lấy chồng khác 304 người, tuất từ trần 686 người và cấp mới bảo hiểm y tế đối tượng và thân nhân người có công 5.047, cấp mới BHYT cựu chiến binh, TNXP, quân nhân xuất ngũ 16.124 người; các chế độ điều dưỡng, trang cấp, chỉnh hình, chế độ mai táng phí được triển khai đồng bộ, kịp thời đúng đối tượng.

 

Vào các dịp Tết nguyên đán, ngày thương binh liệt sỹ (27/7), ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng người có công với cách mạng được nhận quà của Chủ tịch nước, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, UBND tỉnh và các địa phương còn trích ngân sách, tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh các ngành đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn; tổ chức dâng hoa, dâng hương tại các Nghĩa trang liệt sỹ trong và ngoài tỉnh và các Di tích lịch sử văn hóa, với tổng kinh phí trên 20 tỷ/năm.

 

    Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người có công, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, vận động, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được chỉ đạo, triển khai hiệu quả; mỗi năm huy động trên 05 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho 201 nhà với số kinh phí 9,7 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho 4.095 nhà ở người có công với số kinh phí 122,490 tỷ đồng; nhằm giáo dục tuyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các thân nhân liệt sỹ trong việc thăm viếng mộ liệt sỹ, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng, sửa chữa nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên các liệt sỹ, đảm bảo sạch đẹp, trang nghiêm. Năm 2013 lại nay, từ nguồn kinh phí Trung ương ủy quyền và nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác trên 60 tỷ đồng, xây dựng 3 nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện, nâng cấp, tu sữa 36 nghĩa trang và tượng đài, nhà ghi tên liệt sỹ, cơ bản đáp ứng nhu cầu thăm, viếng, di chuyển hài cốt và tri ân các anh hùng liệt sỹ đối với thân nhân gia đình liệt sỹ nói riêng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân nói chung; phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu tổ chức tiếp nhận và an táng 53 hài cốt Liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước; nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng được nâng lên, đa phần gia đình người có công có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.

 

Những kết quả đạt được thời gian qua không chỉ thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền mà còn là sự nỗ lực, quyết tâm  của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về người có công và các phong trào “ Đền ơn, đáp nghĩa” chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng; nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa đầy đủ, chưa am hiểu thực tế và thiếu kinh nghiệm; Chiến tranh đã lùi xa, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, thiếu và sai chệch thông tin, việc xác nhận, xác lập hồ sơ ở một số địa phương thiếu chặt chẽ; đời sống của một bộ phận người có công và các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách người có công với cách mạng, thời gian tới, đòi hỏi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên hơn của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tổ chức xã hội; đồng thời, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công; đặc biệt tăng cường tiếp xúc, trao đổi qua các kênh và trực tiếp đối tượng chính sách để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đối tượng, từ đó tham mưu kịp thời các chủ trương, chính sách phù hợp từng đối tượng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

 

 Hai là: Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thẩm định, xác định và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định; xây dựng kế hoạch  thực hiện cụ thể các chế độ, chính sách đối với các nhóm đối tượng mới được bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng được tiếp cận và thụ hưởng chính sách kịp thời.

 

Ba là: Tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động, huy động nguồn lực, xã hội hóa các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc chăm lo tốt hơn về đời sống, tinh thần cho người có công và gia đình chính sách; trở thành phong trào sâu rộng, có tính lan toả trong toàn xã hội; thành trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của mỗi người dân đối với người có công với cách mạng.

 

Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp thông tin đối với việc triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công; Hoàn thiện phần mềm quản lý đối tượng người có công với cách mạng, chuyển tải, cung cấp đến các đơn vị xã, phường, thị trấn để quản lý, theo dõi, đối chiếu và đính chính thông tin ngay từ cơ sở khi có phát sinh giao dịch.

 

Năm là: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện dứt điểm các Kết luận thanh tra về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn.

 

Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ, trong những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa, các cấp, các ngành đang tích cực tham mưu, tạo cuộc vận động xã hội rộng lớn tặng quà cho người có công, tổ chức thắp nến tri ân, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ và nhiều hoạt động cùng toàn xã hội tỏ lòng tri ân các thế hệ cha anh đi trước; thiết thực góp phần tích cực trong việc cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng và các gia đình chính sách./.

 


    Ý kiến bạn đọc