Triết lý về cán bộ của Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
16:10 19/05/2016

Trong kho tàng lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như thực tiễn hoạt động cách mạng vĩ đại của Người, công tác cán bộ luôn là cốt lõi, là điều quan trọng nhất. Tư tưởng về cán bộ của Hồ Chí Minh rất rõ ràng, thật đơn giản và đời thường nhưng lại rất sâu sắc và mang tính triết lý cao.

Hồ Chí Minh nói cán bộ phải có đức và tài, nhưng đức là gốc, đức là trước hết. Người cán bộ có đầy đủ đức và tài tức là hội đủ điều kiện cần và đủ, bởi có đức thì mới có sáng tạo trong công việc, mới nắm bắt và đề ra được việc để làm. Cách mạng là sáng tạo nên người cán bộ cách mạng phải có tài năng để tìm tòi, sáng tạo. Nhưng muốn sáng tạo được thì tâm phải sáng, phải hết lòng, hết sức chăm lo đến công việc, không vì mục đích lợi lộc cá nhân, không ham danh, hám lợi; phải có đạo đức trong sáng. Suy cho cùng có đạo đức tốt, có tâm sáng thì mới có được sáng tạo, không bị luẩn quẩn, bó hẹp trong suy tính cá nhân. Mặt khác ở người cán bộ, nhất là những người đứng đầu, cán bộ do Đảng cử, dân bầu thì phải đủ sức để thuyết phục dân, phải nói và làm để dân noi theo, nếu không có đức thì làm sao dân tin, dân theo được. Mối quan hệ đức - tài là biện chứng và quy tụ lại cũng chỉ là một, nhưng suy cho cùng đức phải là gốc.

Hồ Chí Minh nói cán bộ là công bộc của dân, là đầy tớ trung thành của dân. Người cán bộ cách mạng từ dân mà ra, được dân tin, dân giao phó công việc cho thì phải lo phục vụ dân, phải toàn tâm toàn ý làm việc cho dân, không vụ lợi, không tham ô tham nhũng, không quan liêu hách dịch, không đứng trên dân. Việc người đầy tớ của dân lo phụng sự cho dân, hết mình phục vụ Nhân dân là điều đương nhiên. Nhưng thường khi có chức, có quyền rồi thì một bộ phận không ít là quay mặt lại với dân. Bác dạy điều này là vì trong thực tiễn đã xẩy ra. Bởi vậy cán bộ muốn được dân tin, dân yêu, dân quý thì phải hết lòng vì dân, phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ luôn phải gương mẫu, trăm ngàn bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương tốt. Tất nhiên đã là cán bộ thì phải biết diễn thuyết, phải biết kêu gọi, phải làm cho dân hiểu được đường lối, chủ trương để thực hiện. Nhưng chỉ có diễn thuyết suông thì chưa đủ. Dân nhìn xem cán bộ đó nói có giống như làm không, hay họ “nói một đường họ làm một nẻo”. Nếu mà chỉ nói suông thì chưa đủ để dân tin, mà dân xem họ sống thế nào, họ ứng xử thế nào với công việc, với dân; cuộc sống của họ thế nào có trong sáng không, có minh bạch không, có giản dị, khiêm tốn không... Chính là qua tấm gương tốt của người cán bộ thì mới có sức thuyết phục, cảm hóa dân để dân tin vào lời nói, lời kêu gọi của họ. Bác Hồ nói như vậy và Bác đã sống đã hiến dâng cuộc đời của mình bằng những việc làm cao cả, cũng như những sinh hoạt đời thường mà ai cũng thấy, ai cũng phục và chính vậy mà toàn dân tin yêu, toàn dân đi theo Bác.

Hồ Chí Minh nói cán bộ phải cần kiệm, liêm chính; chí công, vô tư. Đây là nội dung cô đọng nhất, đầy đủ nhất đối với mọi cán bộ cũng như mọi người trong việc rèn luyện tu dưỡng của mình. Hãy xem trong đội ngũ cán bộ ta đã chuyên lo đem hết tâm trí của mình ra để làm việc chưa, hãy vẫn còn “sớm vác ô đi tối vác về”. Hãy xem chúng ta đã tiết kiệm chưa hay còn lãng phí. Ta còn nghèo nhưng còn lãng phí nhiều lắm, từ những việc lớn lãng phí hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng; đến việc đua đòi tiêu xài, mua sắm trong cơ quan, đơn vị, đến việc lãng phí thời gian vào những việc vô bổ... Hãy xem chúng ta đã liêm chưa, đã chính chưa, hay còn khuếch trương, còn phô trương thành tích; chúng ta đã chính trực chưa, đã minh bạch chưa, đã trung thực chưa hay còn che đậy khuyết điểm, thiếu sót, dối trá trong công việc, cũng như trong ứng xử... Đó là những điều rất cốt lõi, nhưng cũng rất đời thường trong cuộc sống, mà người cán bộ lúc nào cũng phải nghĩ đến, nhớ đến để thực hiện cho tốt. Đó cũng là thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thiết thực nhất.

Điều tuyệt vời là, triết lý về cán bộ của Hồ Chí Minh không chỉ ở lý luận, ở đường lối, mà chính Người đã vận dụng vào thực tiễn rất sáng tạo, rất thành công. Người để lại bài học lớn về việc đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam. Khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, Người đã chọn cử những thanh niên trí thức yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng để đào tạo bồi dưỡng thành những nòng cốt của Đảng. Khi cách mạng thành công, Đảng ta đã giành được chính quyền, dưới ngọn cờ độc lập dân tộc Người đã chủ trương và đã chọn những cán bộ có đức, có tài trong mọi tầng lớp Nhân dân tham gia vào chính phủ lâm thời, vào chính quyền, Mặt trận các cấp không kể người đó là ở đảng phái nào, tôn giáo nào, giai cấp nào; Người đã tập hợp được những nhân tài không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài cùng chung sức gánh vác công việc kháng chiến, kiến quốc. Khi tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người nói muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, Người đã chủ trương cử những thanh niên trí thức đi học tập ở nước ngoài, mở rộng nền giáo dục và phát triển khoa học kỹ thuật trong nước để đào tạo bồi dưỡng và thu hút nhân tài xây dựng đất nước... Rất mừng là thực tiễn đã chứng minh triết lý cán bộ của Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, lớp lớp cán bộ qua các thời kỳ cách mạng đều đảm đương và làm tròn sứ mệnh của mình, đóng góp quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Vận dụng vào hoàn cảnh hiện nay, trong lúc Đảng ta thực hiện sự nghiệp đổi mới, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều vấn đề nảy sinh trong công tác cán bộ, thì những chuẩn mực về tiêu chuẩn cán bộ mà Hồ Chí Minh nêu ra vẫn còn mang tính thời sự. Sau Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp, tiếp đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chúng ta sáng suốt chọn lựa những cán bộ có đức, có tài, có tinh thần trách nhiệm cao trước dân, trước Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt được minh chứng qua thực tiễn để đưa vào các cơ quan quyền lực của Đảng, của dân từ Trung ương đến cơ sở. Có thể nói đây là một nội dung rất quan trọng của cách mạng vào lúc này không chỉ trong Đảng mà toàn xã hội cần quan tâm. Từ thực tiễn của cuộc sống và vận dụng những điều Bác Hồ đã dạy đối với công tác cán bộ để lựa chọn đúng những người có tiêu chuẩn có đủ tâm, đức, đủ tầm, đủ niềm tin đảm đương trọng trách Đảng và Nhân dân giao phó.

 


    Ý kiến bạn đọc