Vạch thời đại và xuyên thời đại
EmailPrintAa
10:58 02/09/2016

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là ba tiêu ngữ nổi tiếng của Nhà nước ta sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và được nhấn mạnh hùng hồn trong Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước toàn thể nhân dân ngày 2.9.1945. Với tinh thần đó, Tuyên ngôn đã vạch ra một thời đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.

TS. Đoàn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận định: “Mỗi chúng ta khi sinh ra đều có một bản khai sinh để khẳng định sự tồn tại cá nhân. Với dân tộc ta, Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình chính là bản khai sinh ra Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Và sự khai sinh đó, theo PGS. TS. Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế: “Ý nghĩa lớn nhất của bản Tuyên ngôn Độc lập là khẳng định sự hợp pháp, hợp hiến của một nước Việt Nam mới ra đời. Chúng ta đã đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế mấy mươi thế kỷ, đánh đổ chế độ quân chủ thực dân gần 100 năm để khai sinh, thiết lập một Nhà nước kiểu mới. Và ở kỷ nguyên mới, nhân dân chúng ta từ thành phần nô lệ đã bước lên địa vị làm chủ - làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ đất nước”.

 

 “Tuyên ngôn Độc lập thấm đượm tinh thần yêu nước và làm cho chúng ta thấy rõ niềm tự hào với truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, bản Tuyên ngôn cũng thể hiện rõ nét tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước tiếp tục phát triển rực rỡ với nội dung yêu nước gắn liền với Chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc là đáng quý nhất, phải gắn liền và đem lại hạnh phúc cho nhân dân”.

TS. Nguyễn Thị Tình Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Tiếp nối cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, các thế hệ người Việt Nam đã tiến hành ba cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Thời gian đã chứng minh bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa “vạch thời đại” mà còn mang giá trị “xuyên thời đại”. PGS. TS. Phạm Ngọc Anh - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ của Đảng, nhấn mạnh: “Tuyên ngôn Độc lập thực sự là bản tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn. Ra đời đã hơn 70 năm, nhưng Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc, cả trên bình diện trong nước và quốc tế. Quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, độc lập, chủ quyền và tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc... vẫn đang là những vấn đề dân tộc Việt Nam và cả loài người hết sức quan tâm”. Theo TS. Đoàn Thị Thu Hương, tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa soi đường cho hành trình củng cố, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, nhất là trong giai đoạn phức tạp hiện nay: “Trong thời điểm hiện nay, khi sự phát triển của dân tộc được tính bởi từng giây, từng phút, khi những xung đột và mâu thuẫn giữa một số dân tộc trong khu vực và trên thế giới diễn ra từng ngày, thì hơn bao giờ hết, đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta như được tiếp thêm niềm tin và sức sống, sự trường tồn và hồi sinh mãnh liệt của dân tộc Việt Nam”.Khẳng định ý nghĩa “xuyên thời đại” của bản Tuyên ngôn Độc lập, PGS. TS. Bùi Đình Phong cho rằng, hiện nay chúng ta cần khơi dậy tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập và coi đó như nguồn động lực để vượt qua mọi khó khăn. “Khơi dậy tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập là khơi dậy tinh thần yêu nước, là ý chí tự lực, tự cường, là đại đoàn kết toàn dân tộc… mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường gọi đó là lòng dân. Và có thể nói, lòng dân chính là quốc bảo trong dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Khi chúng ta có được lòng dân như thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, như trong tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập thì chúng ta sẽ vượt qua được tất cả khó khăn” - PGS.TS. Bùi Đình Phong nói.

 

 


    Ý kiến bạn đọc