NHÌN LẠI SAU HƠN 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 78/2013/NQ-HĐND VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
EmailPrintAa
10:37 29/03/2019

Ngày 18/12/2013, Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 78/2013/NQ-HĐND (Nghị quyết 78) “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2020”. Việc triển khai Nghị quyết hơn 5 năm qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân số, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Nghị quyết 78 - Những kết quả đạt được

Cách đây hơn 5 năm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn công tác dân số trong tình hình mới và trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 13/2005/NQ-HĐND ngày 16/7/2005 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2005-2010 đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu lên các kiến nghị, đề xuất sát đúng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... đó là tiền đề quan trọng để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 78/2013/NQ-HĐND về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2020, gồm 3 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Đây được xem là những giải pháp đột phá để giải quyết, tháo gỡ một cách tổng thể những khó khăn, vướng mắc lâu nay trong công tác dân số.

Để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào thực tiễn. Ngay từ đầu năm 2014, ngành Y tế - Dân số đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 05/3/ 2014 về việc triển khai Nghị quyết 78; Quyết định số 77/2014/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 ban hành Quy định tạm thời về xử lý cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang sinh con vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 quy định tạm thời một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn Hà Tĩnh. Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND được ban hành đã thể hiện sự quan tâm, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với công tác DS-KHHGĐ và cụ thể hóa một số chính sách, hoạt động đã được nêu trong Nghị quyết 78.

Tư vấn cho người dân về thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình

Tại cấp huyện, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đều ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hóa các chế độ, chính sách thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc và thực chất. Một số huyện đã tổ chức triển khai và ban hành được hệ thống văn bản tương đối đồng bộ, nhất quán, quy định rõ mức đầu tư kinh phí, chính sách khuyến khích, xử lý, các giải pháp cơ bản và giải pháp đặc thù tại địa phương, điều này đã góp phần tác động tích cực đối với công tác dân số ở cơ sở, tiêu biểu như các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Vũ Quang, Lộc Hà.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 78 đã được triển khai tương đối nghiêm túc, rộng khắp trong toàn tỉnh qua các cuộc hội nghị, hệ thống thông tin đại chúng, qua các buổi nói chuyện chuyên đề, các lớp tập huấn... Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Đề cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

Đặc biệt, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy đã được thực hiện khá tốt ở cả hai cấp. Cấp huyện, bộ máy làm công tác dân số được bố trí đủ biên chế theo quy định của Trung ương và UBND tỉnh. 13/13 huyện, thị xã, thành phố có quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ, trong đó đã giao nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cho từng thành viên và tổ chức có liên quan. 100% xã, phường, thị trấn có quyết định thành lập Ban dân số xã, bố trí cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác DS-KHHGĐ. Đội ngũ công tác viên dân số có 3.172 người. Từ ngày 01/01/2016, thực hiện Nghị quyết 165/2015/NQ-HĐND tỉnh cộng tác viên dân số thực hiện ba chức danh của nhóm nhiệm vụ thứ nhất thì tùy địa bàn sẽ được hưởng phụ cấp từ 0,5 đến 0,6 mức lương cơ bản. Do số địa bàn phải bố trí cộng tác viên dân số quản lý theo quy định của Bộ Y tế cao hơn số thôn, xóm (3.172 địa bàn/2.144 thôn, xóm) nên để đảm bảo 100% địa bàn dân cư theo hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia đều có cộng tác viên, tỉnh tiếp tục bố trí 1.028 cộng tác viên ở những địa bàn này.

Riêng vấn đề “khó” lâu nay và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số đó là việc bố trí kinh phí thì sau khi có Nghị quyết, các huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện việc giao chỉ tiêu kèm theo bố trí kinh phí cho công tác dân số. Một số huyện đã làm tốt công tác bố trí kinh phí theo quy định tại Nghị quyết 78 như bố trí 0,1% tổng chi ngân sách thường xuyên, ghi ngân sách cho công tác DS-KHHGĐ trong nghị quyết về dự toán thu chi ngân sách của HĐND huyện và có quyết định về giao dự toán ngân sách của UBND huyện từ đầu mỗi năm kế hoạch hoặc được HĐND thông qua trong dự toán bổ sung trong kỳ họp giữa năm. Một số huyện quan tâm bố trí kinh phí như: Nghi Xuân, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên... Đối với cấp xã, hầu hết đã bố trí kinh phí cho công tác dân số. Nhiều xã đã bố trí đủ và vượt mức, ghi ngân sách cho công tác dân số trong nghị quyết về dự toán thu chi ngân sách của HĐND xã và có quyết định giao dự toán ngân sách của UBND xã từ đầu năm cho công tác dân số.

Các nội dung giải pháp tăng cường xã hội hóa công tác dân số đi đôi với nâng cao hiệu quả công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS và thực hiện các chính sách khen thưởng, xử lý vi phạm đối với tập thể, cá nhân một cách phù hợp đã góp phần thực hiện khá tốt mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 78 đề ra như tập trung giảm sinh, giảm sinh con thứ 3, giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Kết quả cụ thể, năm 2018, số trẻ được sinh ra là 18.992 cháu, giảm 962 cháu, tương ứng tỷ suất sinh thô đạt 14,65%, giảm 2,33% so với năm 2013; tỷ số giới tính khi sinh là 108,08 bé trai/100 bé gái, giảm 5,95 điểm phần trăm so với năm 2013, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh. Số cặp vợ chồng mới sử dụng BPTT lâm sàng là 18.626, đạt 93,15%, tăng 12,19% so với năm 2013. Lấy mẫu máu và xét nghiệm cho 7200 trẻ sơ sinh, đạt 100% kế hoạch.

Vẫn còn đó những khó khăn

Mặc dù công tác dân số đã đạt một số kết quả quan trọng, đáng ghi nhận tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn: Năm 2018, tỷ suất sinh thô là 14,65% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 đạt được 12,50%; số con trung bình của một bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,95 con/bà mẹ, mục tiêu đề ra năm 2020 là 2,3 con/bà mẹ, việc thực hiện, hoàn thành các mục tiêu là rất khó, bởi trong 5 năm qua (2013-2018) tỷ suất sinh thô chỉ giảm được 2,33%, số con trung bình của bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ cao hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số trong các tầng lớp nhân dân chưa đều khắp và mạnh mẽ, thiếu thường xuyên, liên tục. Phương pháp truyền thông chưa đổi mới, chưa đột phá. Công tác cung cấp, đáp ứng dịch vụ về dân số, chăm sóc SKSS-KHHGĐ đôi lúc, đôi chỗ còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu đầy đủ của Nhân dân.

Trong phổ biến, quán triệt Nghị quyết ở một số ban, ngành, đoàn thể và các địa phương còn thiếu độ bền và chiều sâu. Công tác ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhất là ở cấp xã chưa được Đảng ủy, HĐND, UBND quan tâm thực hiện. Việc Quyết định số 77/2014/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 ban hành quy định tạm thời về xử lý cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang sinh con vi phạm chính sách DS-KHHGĐ bị bãi bỏ đã khiến nhiều địa phương, đơn vị lúng túng trong công tác xử lý, đồng thời xuất hiện nhiều luồng tư tưởng về việc không hạn chế số con, sinh con thứ 3 không bị kỷ luật gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác truyền thông dân số. Hiện nay, ngành Y tế triển khai Nghị quyết số 94/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh “về một số chính sách thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành Y tế Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngành. Theo đó, việc sát nhập, thành lập Trung tâm Y tế đa chức năng và tinh giản đội ngũ cán bộ bán dân số cấp xã, chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác DS-KHHGĐ về Trạm y tế xã theo Hướng dẫn số 110/HD-SYT ngày 14/01/2019 của Sở Y tế nên một số cán bộ dân số cấp huyện, xã có biểu hiện dao động về tư tưởng, chưa thực sự yên tâm công tác.

Việc thực hiện song song mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số cũng là một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số Hà Tĩnh. Bởi, ngay từ năm 2006, nước ta đã đạt mục tiêu giảm sinh thay thế (bình quân 2,1 con/bà mẹ) thì Hà Tĩnh vẫn là một trong số ít tỉnh có mức sinh cao của cả nước (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2017 của Hà Tĩnh là 2,95 con/bà mẹ, cả nước 2,09 con/bà mẹ). Ngoài ra, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW XII đã chỉ rõ nội dung trọng tâm của chính sách dân số trong thời gian tới là chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Tuy nhiên, chuyển trọng tâm chứ không đồng nghĩa với việc chấm dứt thực hiện KHHGĐ, Hà Tĩnh muốn nâng cao chất lượng dân số thì phải nỗ lực thực hiện tốt, đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ KHHGĐ.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ, khi cùng lúc ngành Dân số Hà Tĩnh phải thực hiện hai trọng trách nặng nề đó là: Tiến tới ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số nhưng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến cơ sở với việc ban hành những chính sách đúng đắn, hợp với xu thế phát triển của cuộc sống thì chúng ta tin rằng ngành Dân số Hà Tĩnh sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết số 78 đề ra và tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XVII.


    Ý kiến bạn đọc