Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
09:58 15/03/2023

Câu hỏi: Có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi trâu bò bị viêm da nổi cục và chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn Châu Phi chết phải tiêu hủy; chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch phân bổ vacxin tiêm phòng cho đàn trâu, bò hợp lý, tránh vào mùa nắng nóng và vụ sản xuất của người dân; tiếp tục có chính sách hỗ trợ 50% giống cho bà con nông dân để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất (Cử tri huyện: Đức Thọ, Lộc Hà).

Trả lời:

- Về chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi trâu bò bị viêm da nổi cục và chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn Châu Phi chết phải tiêu hủy:

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính và các địa phương rà soát số gia súc chết, buộc phải tiêu hủy do Dịch tả lợn Châu Phi và Viêm da nổi cục, tổng hợp nhu cầu kinh phí thiệt hại trên địa bàn tỉnh, tham mưu các văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ngày 31/10/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 7262/BNN-TY đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật gửi Thủ tướng Chính phủ [1] . Hiện nay đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định để có cơ sở thực hiện. Thời gian tới, khi có cơ chế cụ thể của Trung ương, UBND tỉnh sẽ giao các ngành chuyên môn tham mưu triển khai hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quy định.

- Về chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch phân bổ vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò hợp lý, tránh vào mùa nắng nóng và vụ sản xuất của người dân:

Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo công tác tiêm phòng định kỳ để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 28/1/2022 về phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022, trong đó có quy định khung thời gian triển khai các loại vắc xin tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; riêng vắc xin LMLM được Nhà nước hỗ trợ để tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn trâu, bò (từ đầu tháng 5 năm 2022, vắc xin LMLM đã được Sở Nông nghiệp và PTNT cung ứng về cho các địa phương để triển khai tiêm phòng theo kế hoạch).

Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm là bắt buộc theo quy định tại Luật Thú y và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bao gồm các loại dịch bệnh LMLM, Viêm da nổi cục, THT trâu bò, Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng lợn, Cúm gia cầm…). Hiện nay các loại vắc xin phục vụ cho công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh không được hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước; riêng vắc xin phòng bệnh LMLM tiêm phòng cho đàn trâu, bò được hỗ trợ theo Văn bản số 259/UBND-NL ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh.

Để chủ động trong công tác tiêm phòng vắc xin năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 470/KH-UBND ngày 30/11/2022 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023, trong đó quy định thời gian tiêm phòng 02 đợt chính (đợt 1: từ ngày 01/3/2023 đến ngày 30/4/2023 và đợt 2: từ ngày 01/9/2023 đến ngày 30/10/2023). Ngoài các đợt tiêm phòng chính trong năm, thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng chưa được tiêm trong đợt tiêm chính và số hết thời gian miễn dịch.

Thời gian tới, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ phát triển sản xuất, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã:

+ Chỉ đạo tiếp tục triển khai rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, mới nhập đàn, hết thời gian miễn dịch; khẩn trương rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm, đăng ký các loại vắc xin gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, xây dựng kế hoạch cung ứng, mua sắm kịp thời, đảm bảo tiến độ tiêm phòng.

+ Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát tại cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn.

- Về tiếp tục có chính sách hỗ trợ 50% giống cho bà con nông dân để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; theo đó, đối với hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất (tại Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP) quy định: “Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa…”

Hiện nay, diện tích trồng lúa toàn tỉnh khoảng 60.000 ha, trong đó: 52.000 ha đất chuyên lúa, 9.000 ha đất lúa khác. Từ năm 2019 đến nay, hàng năm UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa từ 48 - 60 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giống lúa mới cho người sản xuất lúa, cụ thể:  Năm 2019: Hỗ trợ 1.589,84 triệu đồng (lượng giống hỗ trợ 71.954 kg), năm 2020: Hỗ trợ 16.615,939 triệu đồng (lượng giống hỗ trợ 719.490 kg), năm 2021: Hỗ trợ 28.781,58 triệu đồng (lượng giống hỗ trợ 959.043 kg), năm 2022: 28.044,3 triệu đồng.

Riêng huyện Đức Thọ: Kinh phí hỗ trợ giống lúa từ năm 2019 đến nay là 11,425 tỷ  đồng  (Năm 2019: 198 triệu đồng, năm 2020: 857,2 triệu đồng, năm 2021: 7,3693 tỷ đồng, năm 2022: 3 tỷ đồng); huyện Lộc Hà: Kinh phí hỗ trợ giống lúa từ năm 2019 đến nay là 2,698 tỷ  đồng  (Năm 2019: 76 triệu đồng, năm 2020: 573 triệu đồng, năm 2021: 1,481 tỷ đồng, năm 2022: 568,3 tỷ đồng).

Việc triển khai chính sách hỗ trợ giống lúa mới vào sản xuất theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP đã góp phần đưa nhiều giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thúc đẩy phong trào phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, dồn diền đổi thửa, hướng tới tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, đồng nhất về quy trình, giống, thời vụ, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, nâng cao giá trị, tăng hiệu quả sản xuất.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt các giải pháp sau:

+ Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Hàng năm, bám sát Đề án sản xuất hàng vụ và thực tiễn sản xuất để lựa chọn các loại giống lúa mới phù hợp để hỗ trợ người sản xuất theo đúng quy định.

+ Tổ chức trình diễn, khảo nghiệm, đánh giá tính thích ứng của các giống lúa mới sản xuất trên địa bàn để lựa chọn những giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng và thích ứng với điều kiện địa phương bổ sung vào cơ cấu sản xuất. Tổ chức Hội thảo đầu bờ các giống lúa mới, lấy ý kiến góp ý Đề án sản xuất hàng vụ; kịp thời ban hành và tổ chức triển khai đề án sản xuất đến tận cơ sở, người dân.

+ Thành lập các đoàn kiểm tra chất lượng hàng hóa, vật tư nông nghiệp, đoàn chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất tại các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, cơ cấu giống để có giải pháp bổ cứu kịp thời. Đồng thời, kiểm tra việc niêm yết, công khai giá và chất lượng giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm.


[1] Trong đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và trâu, bò phải tiêu hủy do mắc bệnh Viêm da nổi cục trong năm 2021 và năm 2022 tại các địa phương từ thời điểm các Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT và số 09/2021/TT-BNNPTNT nêu trên có hiệu lực thi hành cho đến khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép xây dựng Nghị định mới quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.

ĐN

    Ý kiến bạn đọc