Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri huyện Hương Sơn, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê).
EmailPrintAa
09:39 06/08/2018

Câu hỏi 1.Về công tác quản lý, sử dụng rừng, đất rừng trên địa bàn tỉnh, cử tri kiến nghị:

- Kiểm tra, xử lý việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tự ý cắt đất bán cho một số cá nhân sử dụng trái quy định; giải quyết tình trạng tranh chấp rừng, đất lâm nghiệp tại xã Sơn Hồng (Cử tri Hương Sơn).

-Một số diện tích rừng tại huyện Kỳ Anh do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý hiệu quả kinh tế không cao. Đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch, giao cho nhân dân sản xuất (Cử tri huyện Kỳ Anh).

- Việc quản lý và sử dụng đất các dự án chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà và dự án trồng cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh có nhiều dấu hiệu sai phạm. Đề nghị tỉnh kiểm tra, cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý (Cử tri huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên).

- Trong thời gian qua một số chủ rừng nhà nước thực hiện việc giao khoán, quản lý rừng và đất rừng được giao còn xẩy ra sai phạm. Đề nghị tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng đất đối với các chủ rừng nhà nước, các công ty trên địa bàn (Cử tri huyện Hương Khê).

Trả lời:

1.1. Về kiểm tra, xử lý việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tự ý cắt đất bán cho một số cá nhân sử dụng trái quy định.

Sau khi UBND huyện Hương Sơn phát hiện và đề nghị kiểm tra, xử lý; UBND tỉnh đã có Văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, kết quả: Công ty đã có hành vi thực hiện thanh lý, bán tài sản cố định ho cán bộ, công nhân của Công ty để ở trên 02 khu đất (trong số 05 khu đất được tỉnh giao) gồm 02 dãy nhà cấp IV (16 gian) tại Khối 4 và 03 gian nhà cấp IV tại Khối 7, thị trấn Tây Sơn.

UBND tỉnh đã có Văn bản số 4066/UBND-NL2 ngày 10/7/2018 nghiêm khắc phê bình Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn trong việc quản lý sử dụng đất, tài sản trên đất, đã tổ chức thanh lý, bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm quy định về quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Yêu Công ty cầu khẩn trương xử lý thu hồi, hủy bỏ các quyết định về việc nhượng bán tài sản thanh lý; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm. Giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, địa phương xử lý thu hồi đất (do vi phạm), xử lý tiền bán tài sản và xử lý trách nhiệm của tổ chức, các nhân có liên quan.

1.2. Về giải quyết tình trạng tranh chấp rừng, đất lâm nghiệp tại xã Sơn Hồng

- Về tranh chấp đất lâm nghiệp giữa các hộ gia đình tại xã Sơn Hồng:  UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, hướng dẫn UBND huyện Hương Sơn giải quyết dứt điểm vụ việc.

- Về tranh chấp đất lâm nghiệp giữa Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê và các hộ gia đình, cá nhân tại xã Sơn Hồng:

Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê được UBND tỉnh cho thuê và giao đất gắn với giao rừng tại xã Sơn Hồng. Hiện còn lại là 305,84ha, Công ty thỏa thuận bồi thường hỗ trợ không thực hiện được, do đó Công ty vẫn không trồng được cao su. Do quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn và theo đề nghị của UBND xã Sơn Hồng, Công ty đồng ý trả lại diện tích cho chính quyền địa phương để quản lý.

UBND tỉnh chỉ đồng ý giao cho UBND xã Sơn Hồng diện tích 151,8 ha để lập phương án giao đất gắn với giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, còn 147,7ha rừng tự nhiên tiếp tục giao Công ty tiếp tục quản lý theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai năm 2013 (rừng tự nhiên không được giao cho hộ cá nhân). Hiện nay, UBND xã Sơn Hồng đang lập phương án trình UBND huyện phê duyệt để thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân trên diện tích 151,8 ha.

1.3. Về nội dung một số diện tích rừng tại huyện Kỳ Anh do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý hiệu quả kinh tế không cao

- Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh được giao diện tích 20.300, trong đó theo Quy hoạch theo 3 loại rừng: phòng hộ 15.700ha, rừng sản xuất 4.600ha.

+ Đối với diện tích 15.700ha phòng hộ:  đang tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển rừng theo đúng quy chế quản lý rừng phòng hộ (Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

+ Đối với diện tích 4.600ha rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch sản xuất đang giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trong đó trên địa bàn huyện Kỳ Anh có 3.010ha (bao gồm: rừng tự nhiên 1.950ha; rừng trồng 760ha; chưa có rừng 300ha). Diện tích 1.950ha rừng tự nhiên không thuộc đối tượng giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân (theo quy định tại Khoản 1, Điều 135, Luật Đất đai năm 2013). Diện tích 760ha rừng trồng, có 200ha Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã giao khoán cho 50 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP và 560ha chủ yếu nằm xen kẽ trong rừng tự nhiên, đơn vị đang tổ chức sản xuất. Diện tích còn lại 300ha đất chưa có rừng chủ yếu là vùng núi cao, dốc, lập địa cực đoan, khe xai, không thể phát triển sản xuất lâm nghiệp.

-  Từ năm 2011 - 2014, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 5.600 ha đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý chuyển về cho UBND các xã thuộc huyện Kỳ Anh để giao cho các hộ dân theo quy định. Hiện nay, theo hồ sơ quản lý rừng huyện Kỳ Anh còn khoảng 10.000ha đất rừng chưa giao, chưa cho thuê  đang do UBND các xã quản lý, trong đó có trên 1.000ha/6 xã đã được UBND tỉnh thu hồi để thực hiện giao đất, giao rừng theo Đề án 3952, nhưng chưa được UBND huyện, xã xây dựng phương án giao cho các hộ dân. Do vậy, để có quỹ đất sản xuất lâm nghiệp giao cho các hộ dân trên địa bàn theo nguyện vọng của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, UBND các xã có liên quan kiểm tra, rà soát lại các diện tích đất rừng chưa giao, chưa cho thuê, hiện đang do UBND xã quản lý để lập phương án giao đất, giao rừng cho các hộ dân theo quy định.

Như vậy, việc đề xuất xem xét điều chỉnh quy hoạch, giao cho nhân dân sản xuất đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý theo nguyện vọng của cử tri là không phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định hiện hành.

1.4. Về nội dung việc quản lý và sử dụng đất các dự án chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà và dự án trồng cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh

          - Dự án Chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND ngày 15/4/2015 và Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 12/01/, UBND tỉnh đã thu hồi đất của Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh cho Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà thuê 819,87ha tại Quyết định số 2689/QĐ-UBND ngày 12/7/2015 và số 1088/QĐ-UBND ngày 06/5/2016, trong đó: tại Cẩm Xuyên 492,31ha; đến nay đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà với tổng diện tích 427,78ha, trong đó: tại huyện Cẩm Xuyên 337,88ha; huyện Kỳ Anh 89,90 ha.

Hiện nay UBND tỉnh đã có Văn bản số 2384/UBND-NL ngày 02/5/2018 và số 3017/UBND-NL ngày 28/5/2018 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng và các địa phương có liên quan kiểm tra, soát xét toàn bộ dự án để tham mưu UBND tỉnh quyết định việc điều chỉnh quy mô dự án, quy hoạch lại phạm vi các vùng đất cho thuê và trả lời kiến nghị cử tri.

- Dự án trồng cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh tại huyện Cẩm Xuyên được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 10/8/2012. Quá trình thực hiện do địa hình, chất đất, điều kiện khí hậu nên trồng cây cao su không hiệu quả, do đó Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã có Văn bản số 250/CSHT-TGĐ ngày 16/6/2015 trả lại đất cho địa phương để thực hiện dự án Chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà. UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 819,87 ha để cho Công ty cổ phần chăn nuôi bò Bình Hà thuê, còn diện tích 1.600 ha do còn có tài sản cây cao su và rừng trồng của Công ty chưa xử lý được. Giá trị tài sản trên đất hiện nay Công ty đang phải tạm thời quản lý, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thu hồi, bố trí sử dụng cho dự án mới theo quy hoạch được duyệt.

Việc thu hổi đất của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà thuê được thực hiện theo quy định Luật Đất đai và quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về cơ cấu sử dụng đất chi tiết (trồng cây cao su, trồng rừng, trồng cỏ chăn nuôi …) là thực hiện theo quy hoạch của ngành nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.5. Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng đất đối với các chủ rừng nhà nước, các công ty trên địa bàn:

 - Thời gian qua, việc thực hiện giao khoán, quản lý rừng, đất rừng của một số chủ rừng nhà nước trên địa bàn tỉnh còn xảy ra sai phạm như cử tri phản ánh. UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục các tồn tại hạn chế trong công tác giao khoán; thực hiện rà soát, phân loại đối tượng, nội dung khoán theo các Nghị định 01/CP, Nghị định 135/2005/NĐ-CP; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố một số vụ vi phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó có vấn đề giao khoán (tiểu khu 229, huyện Hương Khê: đã khởi tố vụ án, khởi tố 05 đối tượng).

- Trong năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện công tác giao khoán rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ. Kết quả kiểm tra: Tổng diện tích thực hiện giao khoán ổn định lâu dài trên toàn tỉnh là: 15.434,2 ha/2.103 hộ, chiếm 04% diện tích rừng và đất lâm nghiệp; hầu hết các đơn vị chủ rừng đã rà soát việc thực hiện giao khoán rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định số 01/NĐ-CP và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP để chuyển sang hợp đồng giao khoán mới theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau: Tiến độ thực hiện còn chậm; một số diện tích giao khoán trên thực địa không khớp với diện tích trong hồ sơ giao giao khoán; một số hộ nhận khoán đất rừng chưa sản xuất đúng theo quy hoạch lâm nghiệp; còn có hiện tượng mua bán, chuyển nhượng chưa đúng trình tự thủ tục quy định …

- Giải pháp trong thời gian tới: Để tăng cường quản lý nhà nước về công tác giao khoán rừng và đất lâm nghiệp, UBND tỉnh giao:

+ Các chủ rừng nhà nước (các Ban QL rừng phòng hộ, đặc dụng; các Công ty; các tổ chức được giao quản lý rừng và đất lâm nghiệp) khẩn trương tiến hành rà soát, phân loại hợp đồng đã ký kết theo Nghị định số 01/NĐ-CP, số 135/2005/NĐ-CP để thực hiện việc giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đúng theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2018. Thủ trưởng đơn vị nào để xảy ra sai phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh.

 

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giao khoán tại các đơn vị chủ rừng để có chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện giao khoán rừng và đất lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác.


    Ý kiến bạn đọc