Ở nước ta, dù được nhắc đến rất nhiều trong khuôn khổ các diễn đàn, hội thảo, các buổi tọa đàm, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thực tế thì điều trần lại chưa được quy định trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Vậy điều trần là gì? Thuật ngữ này có gì giống và khác với chất vấn và giải trình?
Buổi điều trần tại Văn phòng Quốc hội Ảnh: Nhật Minh |
Điều trần là một khái niệm được sử dụng thường xuyên ở hoạt động nghị viện các nước trên thế giới và điều này đã được quy định cụ thể trong các văn bản luật. Đây là hình thức hoạt động của các ủy ban của QH được áp dụng khá phổ biến ở các nước.
Về mặt ngôn ngữ, điều trần được dịch từ chữ “hearings” có nghĩa là nghe. Là các hoạt động “nghe” thông qua việc yêu cầu các nhân chứng, các bên có liên quan đến để giải trình về một chủ đề phục vụ hoạt động lập pháp và giám sát. Với khái niệm này thì điều trần được hiểu như là giải trình. Và thực tế thì các Ủy ban của QH Việt Nam gọi hình thức này là Phiên giải trình.
Thực chất của hoạt động điều trần, giải trình chính là làm sáng tỏ vấn đề mà cơ quan dân cử, cử tri đang hết sức quan tâm. Trong khi thực hiện hoạt động này, cơ quan dân cử đóng vai trò là cơ quan trực tiếp chủ trì. Căn cứ vào chủ đề đã lựa chọn để có đối tượng được mời giải trình phù hợp. Chủ đề được lựa chọn phải là chủ đề nóng, chủ đề đang gây bức xúc rộng rãi trong công luận; vấn đề có ý kiến trái chiều nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước, giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, giữa các đối tượng chịu tác động của chính sách; vấn đề gây cản trở việc thực thi chính sách pháp luật của cơ quan nhà nước, quyền lợi chính đáng của công dân.
Trở lại với QH Việt Nam, quyền giám sát tối cao của QH đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong khi đó, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, HĐDT, các Ủy ban của QH có quyền yêu cầu các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cung cấp tài liệu hoặc đến trình bày những vấn đề mà HĐDT hoặc UB xem xét, thẩm tra. Người nhận được yêu cầu của HĐDT hoặc UB của QH phải đáp ứng yêu cầu đó. Điều này đã được quy định trong một số văn bản pháp luật.
Với mục đích không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, của cơ quan dân cử, thời gian vừa qua, một số Ủy ban của QH đã tiến hành những phiên điều trần, giải trình về những vấn đề còn gây bức xúc kéo dài mà chưa được giải quyết và bước đầu đã đạt được một số chuyển biến tích cực… Mục đích chính của các phiên giải trình chính là nhằm thu thập thông tin mà các ủy ban của QH thấy cần thiết phải tiến hành để giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm. Đồng thời, tăng cường được tính minh bạch trong hoạt động của QH. Điều này được lý giải bởi, thông thường việc tiến hành các phiên giải trình được tiến hành công khai có sự tham gia của những bên liên quan và cơ quan truyền thông. Các bên cùng trao đổi, đối thoại trực tiếp để làm sáng tỏ vấn đề. Thông qua hoạt động giải trình mà nhiều vấn đề gây bức xúc kéo dài được giải quyết, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Thực tế HĐDT, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, TN, TN và NĐ, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiến hành các phiên giải trình. Nhiều ý kiến đánh giá về hiệu quả của các phiên giải trình này đều có ý nghĩa tích cực đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của QH. Điều này có thể thấy rõ, nhiệm kỳ QH Khóa XII, HĐDT đã tiến hành tổ chức phiên giải trình về Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tại phiên giải trình này, có tới 80 đại biểu tham dự, cơ quan phải chịu trách nhiệm giải trình chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, Bộ NN và PTN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Vẫn là để “nghe” và để thu thập thông tin, Ủy ban Về các vấn đề xã hội (QH Khóa XII) cũng đã tổ chức phiên giải trình về Chuẩn nghèo và tình hình thực hiện các chính sách về giảm nghèo. Tại phiên giải trình này, cơ quan chịu trách nhiệm giải trình là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có 33 thành viên Ủy ban dự và một số đại biểu của các Ủy ban khác, VPQH, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai, Long An, Bình Dương.
Việc lựa chọn nội dung giải trình là chính sách giảm nghèo – vấn đề được sự quan tâm rất lớn của cử tri cũng như trên diễn đàn Quốc hội của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nhận được sự ủng hộ cao của đại biểu cũng như của cử tri. Chính hoạt động giải trình này đã cung cấp thông tin cho đại biểu và giúp cho hoạt động giám sát có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về giảm nghèo. Bên cạnh đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành các hoạt động giải trình như mời Bộ Y tế đến để giải trình về giá thuốc, vấn đề cùng chi trả trong bảo hiểm y tế; mời Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đến để nghe giải trình về chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đây là những vấn đề bức xúc được đông đảo dư luận xã hội quan tâm. Nhờ có các phiên giải trình này mà các chính sách này đã được thực hiện hiệu quả hơn, tiến gần hơn với quyền lợi và mong mỏi của người dân.
Có thể thấy rằng, cơ chế điều trần dù chưa được thể chế hóa về mặt pháp lý ở nước ta, nhưng QH, các cơ quan của QH Việt Nam, và cơ quan dân cử ở một số địa phương đã có sự tham khảo cơ chế điều trần ở nghị viện các nước vào trong hoạt động động của mình. Chính điều này đã làm cho việc thẩm tra tại các Ủy ban, HĐDT và cơ quan dân cử nâng cao tính hiệu quả.
Tuy không truy đến cùng trách nhiệm thành viên của Chính phủ như trong hoạt động chất vấn và cũng không có một nghị quyết nào được ban hành sau một phiên giải trình, điều trần nhưng điều trần, giải trình là hoạt động có tính chuyên sâu về nhóm vấn đề mà các Ủy ban, cơ quan của QH, cơ quan dân cử địa phương, cử tri quan tâm. Cũng từ hoạt động giải trình, điều trần này, các Ủy ban của QH, đưa ra các kiến nghị, giúp QH xem xét, giúp gạn lọc khỏi chương trình những dự án Luật có nội dung chưa bảo đảm về mặt nội dung, cũng như quyết định vấn đề quan trọng quốc gia mà việc bác dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam thời gian qua là một ví dụ.
Để tạo tính thống nhất, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, HĐDT, các Ủy ban, cơ quan dân cử địa phương thì điều trần cần phải được nội luật hóa trong văn bản luật.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Thêm 02 hộ chính sách của huyện Hương Sơn có nhà mới đón Tết Ất Tỵ 2025 ( 15/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)