Bảo đảm “xử đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm”
Thảo luận tại tổ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phản ánh thực tế việc giải quyết các vụ án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay các tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, đặc biệt là tội cố ý gây thương tích thì việc bị hại từ chối giám định, dẫn giải sẽ dẫn đến việc xác định không chính xác hành vi phạm tội của bị can, bị cáo do đó có thế xác định sai tội danh, áp dụng sai điều, khoản.
![]() |
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu thảo luận
|
Theo đại biểu nhiều trường hợp bị hại thỏa thuận với bị can hoặc người nhà bị can khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập người bị hại để giám định theo quyết định trưng cầu giám định thì họ từ chối hoặc không có mặt vì lý do chính đáng dẫn đến vụ án đi vào bế tắc vì không có căn cứ để khởi tố bị can, khởi tố vụ án. Từ đó đại biểu Trần Đình Gia đề nghị, nghiên cứu, quy định cụ thể giải quyết khó khăn, vướng mắc này để đảm bảo xử phạt đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Góp ý quy định về thời hạn điều tra (Khoản 14 Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh hầu hết những vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng thường có tính chất phức tạp, thường phải gia hạn tạm giam và gia hạn thời hạn điều tra.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền gia hạn điều tra lần thứ nhất, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, sửa khoản 3 Điều 173, thành “ Trường hợp vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt mà Bộ luật Hình sự quy định là đến 20 năm tù do Viện kiểm sát nhân dân khu vực thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân khu vực gia hạn tạm giam lần thứ nhất ”.
Đối với quy định về kết thúc điều tra (Khoản 19 Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu Trần Đình Gian nhấn mạnh cần bổ sung quy định về trường hợp không niêm yết kết luận điều tra, cáo trạng đối với các vụ án có bị can, bị hại là người dưới 18 tuổi, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đồng thời bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em.
Hình phạt phải phản ánh đúng bản chất và hậu quả hành vi phạm tội
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu tại khoản 1 Điều 126 Bộ Luật Hình sự quy định “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm ”; tại khoản 3 Điều 136 “ Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm ”.
Theo đại biểu, mặc dù cùng phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội và để xảy ra hậu quả là “ chết người ” nhưng hình phạt dành cho tội “ giết người ” trong trường hợp này lại lại thấp hơn so với tội “ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác ”. Đại biểu đề nghị việc xây dựng hình phạt cần bảo đảm tính tương xứng với hậu quả thực tế và bản chất hành vi, tránh gây khó khăn trong xét xử và áp dụng pháp luật.
Đại biểu Trần Đình gia dẫn chứng Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định mức hình phạt chưa phù hợp, quy định mức án cao nhất của khoản 1 cao hơn mức thấp nhất của khoản 2, cụ thể: Tại Điều 128 quy định về tội “Vô ý làm chết người”: khoản 1 quy định “người nào vô ý làm chết người” thì bị phạt mức án từ 1-5 năm nhưng khoản 2 quy định “nếu làm chết 02 người trở lên” thì bị phạt mức án từ 3-10 năm.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát các điều luật còn có sự chênh lệch bất hợp lý giữa các khoản trong cùng một tội danh, ví dụ như các tội: Vô ý làm chết người, làm chết người khi thi hành công vụ, bức tử, đe dọa giết người... để bảo đảm tính nhất quán và dễ áp dụng.
Cuối cùng, đại biểu đề nghị bổ sung quyền hạn điều tra của Bộ đội Biên phòng đối với các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự, gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm./.
Tin mới cập nhật
- Xác định rõ cơ chế kiểm soát việc cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ ( 13/06)
- Sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả ( 11/06)
- Tăng cường phân cấp, phân quyền, kịp thời giải quyết các vụ án, vụ việc ( 27/05)
- Tăng cường kỷ cương tài chính, triển khai hiệu quả Luật Ngân sách nhà nước ( 26/05)
- ĐBQH Quốc hội Hà Tĩnh: Cần có cơ chế điều chỉnh các quỹ đất nhà ở xã hội thành quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại ( 25/05)