Ban Kinh tế Ngân sách giám sát việc trả lời ý kiến cử tri
EmailPrintAa
07:49 11/11/2013

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh tại hội nghị rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 7, thông báo số 90/TB- HĐND của Thường trực HĐND tỉnh về việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cử tri và câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khoá XVI. Ngày 8/11/2013, Ban KTNS HĐND tỉnh đã tổ chức làm việc với Sở NNPTNT, Tài Chính, KHĐT, Ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng. Đồng chí Thiều Đình Duy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh và đồng chí Nguyễn Trí Lạc, Trưởng Ban KTNS chủ trì cuộc làm việc.

Tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI, đã có 28 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và 13 câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh gửi đến Kỳ họp. Trong đó, có 16 ý kiến, kiến nghị của cử tri và 5 câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực KTNS. Cụ thể như sau:

Đồng chí Nguyễn Trí Lạc, Trưởng Ban KT &NS HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc
 

Liên quan đến những vấn đề thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư cử tri kiến nghị: cần quan tâm hơn nữa để các Hợp tác xã có điều kiện hoạt động hiệu quả; đầu tư kinh phí các công trình, Dự án nâng cấp mở rộng đường 26-3; đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông); Hỗ trợ nguồn chi trả giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án Công viên thành phố; xem xét cho thành phố Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng nghĩa trang hung táng tạm thời để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân 4 phường nội thành; đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm CN-TTCN Bắc Cẩm Xuyên để tạo điều kiện giúp huyện và các nhà đầu tư tổ chức thực hiện.

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI, các đại biểu đã chất vấn: Thị trấn Thiên Cầm được thành lập theo Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 03/10/2003 của Chính phủ, trong đó có khu du lịch Thiên Cầm được xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh và được định hướng là Khu du lịch quốc gia. Tuy vậy, 10 năm qua nguồn lực đầu tư vào Thiên Cầm còn hạn chế, hệ thống kết cấu hạ tầng của thị trấn còn hết sức bất cập, kém hơn nhiều xã trong huyện Cẩm Xuyên. Đề nghị UBND tỉnh cho biết những cơ chế, chính sách để tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và huy động nội lực, phát huy trách nhiệm trong nhân dân để phát triển Thị trấn Thiên Cầm?

Về các vấn đề nêu trên, Sở KHĐT đã có trả lời, tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự cuộc làm việc thì việc trả lời của Sở chưa thực sự rõ ràng. Như việc trả lời về Khu công nghiệp – cụm công nghiệp Cẩm Xuyên, Sở chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể để thực hiện và trách nhiệm của huyện ở đây chưa thực sự rõ ràng. Về việc hỗ trợ các HTX môi trường Sở cũng chưa đưa ra cơ chế cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các HTX.

Về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử tri đã kiến nghị 6 vấn đề, các đại biểu đưa ra 3 câu hỏi chất vấn như: Tỉnh cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tỉnh cần kiểm tra, đánh giá nghề sản xuất muối và đời sống nhân dân vùng làm muối để có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời; chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh điều tiết nước phù hợp, đúng lịch, đảm bảo thời vụ sản xuất cho nhân dân; nghiên cứu đánh giá lại hiệu quả của Trại giống bưởi Phúc Trạch (Hương Khê), Trại giống hươu (Hương Sơn), Trại cá Tiến Lộc (Can Lộc), Trại cá Đức Long (Đức Thọ), Trại cá Kỳ Văn (Kỳ Anh) để có phương án xử lý, không để tình trạng lãng phí, hiệu quả thấp; hỗ trợ xã Xuân Lam quy hoạch đất ở và kinh phí di dời dân ra khỏi khu vụ sạt lở núi...

Cũng tại kỳ họp thứ 7, Sở NN& PTNT nhận được các câu hỏi chất vấn: Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp một số loại giống áp dụng trên địa bàn không ổn định, vẫn còn có hiện tượng độc quyền trong bán lúa giống, giá một số lúa giống còn quá cao trong khi giá cả nông sản còn thấp, tiêu thụ khó khăn. Đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới? Và thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành 25 Đề án và Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 và 2012-2020 với tổng nguồn vốn đầu tư được phê duyệt là 47.191,857 tỷ đồng, trong đó chỉ mới có Đề án "Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020" là được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 33/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012. Đề nghị UBND tỉnh cho biết kết quả triển khai thực hiện các Đề án, chính sách nói trên, nguồn lực và lộ trình trong thời gian tới ?

Qua trả lời, Sở chưa khẳng định được cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được; chưa nêu được các nhóm giải pháp để phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng như chưa có phương án cụ thể đối với việc giống đưa vào sản xuất năng suất, sản lượng thấp, độc quyền về giá; công tác quản lý hồ chứa, tưới tiêu nông nghiệp chưa làm rõ cách khắc phục và giải pháp trong thời gian tới; về thủy điện không sinh lợi chưa trả lời cụ thể, rõ ràng.

Đối với những kiến nghị liên quan đến Sở Tài Chính như: điều chỉnh chính sách hỗ trợ xi măng cho các địa phương xây dựng công trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện; xem xét cho các thị trấn được hỗ trợ cơ chế xi măng như các xã; rà soát và ban hành hướng dẫn cụ thể trong việc thanh lý các công trình công cộng của thôn xóm sau khi sáp nhập không sử dụng để tạo nguồn xây dựng các công trình mới; hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHYT, BHXH cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách xã, phường yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng nguồn cán bộ kế cận, thay thế đội ngũ cán bộ chuyên trách khi nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác; nâng mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố sau sáp nhập theo từng mức khác nhau căn cứ vào số hộ dân và diện tích tự nhiên, không cào bằng như hiện nay...

Qua trả lời, các đại biểu cho rằng: Sở cần giải thích nguyên nhân vì sao vì thực hiện chưa được; cần có cơ chế cụ thể để khi trả lời cử tri hiểu và thực hiện đúng chủ trương đường lối.

Đồng chí Thiều Đình Duy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

Liên quan đến những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Ban Quản lý KKT Vũng Áng, cử tri kiến nghị:  đẩy nhanh tiến độ để giải quyết việc làm tại Khu Công nghiệp Gia Lách; tiếp tục quan tâm chỉ đạo xử lý một số vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện các dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng, như: tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình tại xã Kỳ Thịnh; kịp thời chi trả tiền đền bù cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của các dự án: Đường trục ngang, Titanpicsmen, khu tái định cư (vùng 60ha Kỳ Thịnh); có kế hoạch di dời dân thôn Thắng Lợi (xã Kỳ Phương); đầu tư kinh phí xây dựng các tuyến đường từ Quốc lộ 1A lên: Khu tái định cư xã Kỳ Long, đường 1B đoạn qua xã Kỳ Liên và nghĩa trang xã Kỳ Nam; Khu vực hành lang cây xanh của dự án Fomosa được quy hoạch từ Quốc lộ 1A tiếp nối với hàng rào Fomosa và chiều dài từ xã Kỳ Long qua xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, trong khi nhân dân không được xây dựng công trình kiên cố thì một số công trình như: Cửa hàng xăng dầu, nhà nghỉ vẫn được xây dựng; nguồn kinh phí đào tạo nghề miễn phí cho lao động bị thu hồi sản xuất nông nghiệp, theo Nghị định 69 đã được Chính phủ phê duyệt 165 tỷ đồng đã chi hỗ trợ trực tiếp 31 tỷ đồng số còn lại chưa ứng gửi đào tạo nghề giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp theo quyết định của UBND tỉnh. Ban quản lý cũng đã trả lời câu hỏi chất vấn: Cử tri một số huyện còn băn khoăn đối với một số vấn đề liên quan đến các dự án kinh tế lớn đang triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng như: Thời hạn cho thuê đất của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; công tác tuyển dụng, quản lý lao động, trong đó có lao động là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc trong Khu kinh tế; tình hình an ninh trật tự, đảm bảo an ninh quốc gia...

Đối với các câu trả lời của Ban quản lý, các đại biểu cho rằng: cần trả lời rõ đã hoàn thành chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho nhân dân hay chưa; đối với các khu tái định cư cần trả lời cụ thể đến thời điểm này đã giải quyết đến đâu; việc đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho nông thôn nhất là những người dân mất đất sản xuất tại các khu kinh tế được chú trọng nhưng hiệu quả thấp, trách nhiệm thuộc về ai chưa được Ban làm rõ.

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch nhất trí với những kiến nghị của các đại biểu. Đồng chí yêu cầu các sở cần nghiêm túc tiếp thu và nỗ lực giải quyết những kiến nghị, thắc mắc của đại biểu tại cuộc làm việc và yêu cầu các sở không trả lời vòng vo mà cần đi vào trọng tâm câu hỏi, quan tâm nhiều hơn nữa những bức xúc trong nhân dân để có hướng giải quyết kịp thời. Đồng thời, trong thời gian tới, những kiến nghị của cử tri cần được trả lời rõ ràng với nhân dân, đúng với tâm tư, nguyện vọng cử tri.


    Ý kiến bạn đọc