Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh làm việc về thu hút đầu tư và hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
12:38 16/03/2017

Ngày 15/03/2017, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Công thương và các sở, ngành liên quan về tình hình thu hút đầu tư và hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự làm việc có các đồng chí lãnh đạo và thành viên ban KTNS, đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính. Đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban KTNS chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Trần Viết Hậu, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc

 

Theo báo cáo, sau gần 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển cụm công nghiệp (CCN), các cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện đã từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc đầu tư, phát triển CCN trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Hoạt động của các CCN đã có bước tiến khá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp Hà Tĩnh, kịp thời ban hành kế hoạch, trong đó xác định rõ lộ trình xử lý, phương án xử lý và yêu cầu cụ thể đối với từng cụm công nghiệp, công tác quy hoạch và quản lý quy hoach được tăng cường, thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp, bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, chú trọng thu hút đầu tư giải quyết việc làm, công tác xử lý môi trường.. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 20 cụm công nghiệp với tổng diện tích 552 ha; đầu tư 746 tỷ cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, đường giao thông nội cụm, mương thoát nước, hệ thống điện, xử lý nước thải; có 233 dự án đăng lý đầu tư vào CNN với số vốn 4.000 tỷ…

Đồng chí Trần Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành viên ban Kinh tế ngân sách phát biểu 

 

Phát biểu tại cuộc làm việc các đại biểu đã chỉ ra các tồn tại như: Công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn thiếu thống nhất, đồng bộ; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để hấp dẫn doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng chưa tập trung, còn dàn trải, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố chưa chủ động được các nguồn vốn; công tác xã hội hóa trong huy động đầu tư cơ sở hạ tầng còn khó khăn; sự phối hợp của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa quyết liệt; các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp chưa giải quyết kịp thời; vấn đề ô nhiễm môi trường trong CCN chưa được quan tâm đúng mức, một số CCN chưa đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường theo quy định, tỷ lệ lấp đầy tại các CCN đạt thấp…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí trưởng ban Kinh tế ngân sách Trần Viết Hậu đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các đơn vị, sở ngành liên quan trong thời gian qua, các cụm công nghiệp trong tỉnh nhìn chung khẳng định được vai trò, vị trí của mình, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.  Đồng thời đề nghị thời gian tới, cần đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư; tăng cường quản lý nhà nước trong các CCN nhất là công tác quy hoạch, lựa chọn các dự án có công nghệ sạch, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại các cụm công nghiệp. Đối với kiến nghị của các sở ngành đơn vị, ban tiếp thu và tổng hợp chung để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền.


    Ý kiến bạn đọc