Ban Kinh tế ngân sách làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư
EmailPrintAa
16:49 15/09/2016

Để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII, sáng ngày 14/9/2016, Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tỉnh Hà Tĩnh; danh mục các dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2017-2020 sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ. Dự làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên Thường trực HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan. Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban KTNS HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Trần Viết Hậu, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, quá trình xây dựng các văn bản dự thảo, đơn vị chủ trì đã đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, địa phương, qua đó đã tiếp thu và giải trình. Đồng thời, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về mặt chủ trương tại Kết luận số 01-KL/TU ngày 25/02/2016 về phương án bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Về dự thảo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, cơ bản đã bám sát theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, đồng thời cũng đề nghị quan tâm một số nội dung như: Nguồn vốn phân bổ theo cơ cấu vốn đầu tư giữa các ngành, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố (50%-50%) là hợp lý; phần ngân sách tỉnh, sau khi trừ phần phân bổ cho các nội dung chung, số còn lại phân bổ cho các ngành, lĩnh vực như tiếp tục tăng mức đầu tư cho lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, rác thải, tài nguyên, môi trường, nông, lâm  nghiệp, thủy lợi và thủy sản; xem xét giảm tỷ lệ đầu tư lĩnh vực giao thông vì hiện nay hạ tầng giao thông của tỉnh cơ bản đã được đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, và lĩnh vực y tế, dân số, vệ sinh an toàn thực phẩm, xã hội để khuyến khích xã hội hóa và hợp tác công tư.


Đồng chí Trần Tú Anh – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo

 

Phần phân bổ cho cấp huyện được xác định bởi 05 nhóm tiêu chí tính điểm đã bám sát với quy định của trung ương và cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương có tiếp thu, giải trình của các đơn vị, số liệu tính toán cụ thể theo các căn cứ pháp luật, các nguồn đáng tin cậy; Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị quan tâm đến các tiêu chí đánh giá khác nhằm cân đối nguồn lực hỗ trợ một số huyện khó khăn, mới thành lập hay các đô thị trọng điểm.

Một số ý kiến cho rằng, về nguồn tăng thu ngân sách cần xem xét trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, tăng thu chủ yếu là nguồn thu thuộc ngân sách cấp tỉnh, do đó không nên đưa vào tổng nguồn phân bổ mà đưa vào thực hiện các nhiệm vụ chung của tỉnh. Ngoài ra, việc phân bổ nguồn vốn cho các cấp ngân sách cần thực hiện theo lộ trình gắn với phân cấp về quản lý đầu tư nhằm tăng tính chủ động quản lý cho cấp huyện, xã.


Bí thư Thành ủy TP Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh, thành viên Ban KTNS phát biểu

 

Về danh mục các dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2017-2020 sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ được xây dựng dựa trên danh mục dự kiến đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất thông qua và các dự án cấp bách mới bổ sung. Theo đó, danh mục dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2017- 2020, đề nghị HĐND tỉnh thông qua kỳ họp thứ 2 là 58 dự án, bao gồm 49 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; 6 dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; 3 dự án cấp bách, cần bổ sung xin nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo danh mục, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì cần làm rõ mục tiêu, quy mô và tổng mức đầu tư các dự án này. Quan tâm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện một số công trình cấp bách của tỉnh hiện nay như Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, Nhà liên hợp kết hợp Quốc môn tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bảo tàng tỉnh, Các cầu yếu, các dự án hạ tầng đô thị, nguồn đối ứng các dự án ODA,...


Phó Giám đốc Sở Tài chính Phùng Thị Nguyệt phát biểu

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cơ bản thống nhất với nội dung các dự thảo và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp; trong đó cần tiếp tục rà soát các danh mục dự án đầu tư công để phân bổ nguồn vốn hợp lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tránh thất thoát, lãng phí; về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cần ưu tiên thực hiện nhiệm vụ trả nợ xây dựng cơ bản, đối ứng ODA, hỗ trợ PPP, các dự án trọng điểm, cấp bách; cần làm rõ tỷ lệ phần chi chung so với phân bổ ngân sách tỉnh và cấp huyện; các nhóm tiêu chí tính điểm cấp huyện cần được soát xét phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương…


 

Đồng chí Nguyễn ​Thị Nữ Y, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch 

Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng ban Kinh tế ngân sách thống nhất một số nội dung mà đại biểu thảo luận và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 2. Việc thông qua hai nội dung trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới và cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm việc phân bổ nguồn vốn nhà nước theo đúng các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, góp phần khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải trong thời gian qua, bảo đảm việc phân bổ nguồn lực một cách công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình, nâng cao hiệu quả  sử dụng và quản lý nguồn vốn ngân sách nhà nước. /.


    Ý kiến bạn đọc