Ban KTNS HĐND tỉnh làm việc với Công ty cổ phần đầu tư Vạn Xuân Hà Tĩnh
EmailPrintAa
16:18 20/01/2016

Sáng ngày 13/01/2016, đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư Vạn Xuân Hà Tĩnh về dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng sericit. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Hoàng Thị cẩm Tú - Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, Lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở ngành có liên quan.

 


Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - TUV, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc

 

Theo báo cáo và các tài liêu liên quan, Sericit là một loại khoáng sản có giá trị trong công nghiệp và đang được khai thác ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ có tính chất đặc biệt như: nhẹ, dẻo, cách điện, không thấm nước, không độc, trơ với các môi trường hoá chất, hấp thụ được các tia tử ngoại và tia cực tím, mà sericit được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp như điện tử, nhựa, composit, sơn v.v... Đặc biệt gần đây sericit được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp hóa mỹ phẩm nhờ vào độ bóng, dễ phân tán, dễ pha màu, không bị phai trong nước và đặc biệt không độc hại cho da, hạn chế tác dụng của các tia UV. Những nước khai thác và sản xuất sericit hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Đài loan, Malaysia, Brazin, Mehico, Ấn Độ và Srilanca. Một số hãng sản xuất có tiếng trên thế giới như: Shanshin sericit, Myoshi Kasei, Nikko Toryo (Nhật), CAS for cosmetics (Hàn  Quốc), Chuzhou Grea Mineral, Mitsui China (Trung Quốc)... Ở nước ta, cho đến gần đây, sericit thậm chí vẫn chưa được coi là một loại hình khoáng sản.

 

Mỏ khoáng sản sericit Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh lần đầu tiên được Liên đoàn địa chất Bắc trung bộ phát hiện, đánh giá vào năm 2007. Theo tài liệu và kết quả nghiên cứu của Viện địa chất; Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Trường đại học mỏ địa chất (Tạp chí Các khoa học về trái đất; tháng 6-2013). Đây là loại khoáng sản còn khá mới và là một dạng nguyên liệu khoáng có giá trị kinh tế và độc đáo của nước ta. Được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến và đề ra Chiến lược phát triển khoáng sản, theo đó việc khai thác chế biến gắn liền với chế biến sâu hoặc đáp ứng nguyên, vật liệu cho nhu cầu sản xuất trong nước, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Tĩnh; phát triển bền vững với công nghệ tiên tiến, đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường; sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, chỉ xem xét xuất khẩu khi nhu cầu trong nước không sử dụng hết và không xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến. Đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác cho Công ty cổ phần đầu tư Vạn Xuân năm 2012 với diện tích khu vực khai thác 23 ha, trữ lượng địa chất: 1.215.000 tấn; trữ lượng khai thác: 1.117.581 tấn; công suất được phép khai thác: 42.000 tấn/năm. Đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động nhà máy chế biến và các hạng mục liên quan (Với tổng mức đầu tư: 196.099.662.000 đồng); Với công suất khai thác và chế biến đạt 25.000 tấn/năm. Sản lượng khai thác lũy kế đến nay là 41.000 tấn, tiêu thụ được 18.000 tấn, sản phẩm cung cấp chủ yếu cho một số khách hàng trong nước để làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ, hiện nay công ty đang mở rộng tìm kiếm thị trường như phụ gia sơn, polymer... Doanh thu từ hoạt động khai thác đến hết năm 2015 trên 30 tỷ đồng. Đã góp cho ngân sách Nhà nước 2.340.346.809 đồng (trong đó:Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 330.674.000 đồng, tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản 459.247.294 đồng, thuế tài nguyên 142.670.718 đồng, phí bảo vệ môi trường 355.059.450 đồng…) và tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn các xã thuộc khu vực mỏ huyện Hương Sơn.

 
 

Đoàn khảo sát tại nhà máy chế biến Sericit tại công ty cổ phần đầu tư Vạn Xuân Hà Tĩnh

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện thực hiện dự án còn một số khó khăn, hạn chế sau: Tiến độ đầu tư khai thác chậm, công nghệ, thiết bị máy móc chế biến còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh, môi trường khu vực mỏ khai thác chưa nghiêm; Hiệu quả khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn thấp. Sản phẩm sericit hiện nay của Công ty mới chỉ đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu làm xương cho ngành công nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng và dân dụng, chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng để làm phụ gia cho ngành sơn, polyme và làm men cho gốm sứ cao cấp (thị trường trong nước còn hạn chế). Với chất lượng quặng hiện có chưa thể chế biến ra sản phẩm đạt chất lượng làm nguyên liệu, phụ gia cho công nghiệp hóa mỹ phẩm; thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chưa có, sản phẩm sau chế biến chưa đáp ứng với yêu cầu của thị trường;

 

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đã ghi nhận những kết quả đạt được của Công ty cổ phần đầu tư Vạn Xuân Hà Tĩnh trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị Công ty cần phải quan tâm khắc phục những tồn tại hạn chế để đạt được một số mục tiêu sau:

 (1) Khẩn trương xây dựng chiến lược chiến lược phát triển ngắn và dài về chế biến sâu nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước và thị trường thế giới; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc chế biến, tiếp cận các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác của doanh nghiệp; phối kết hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; liên danh, liên kết đầu tư trong nước và nước ngoài; Tuyệt đối không xuất khẩu sản phẩm trong khi nhu cầu sử dụng trong nước chưa phát huy hết; quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, đóng nộp đầy đủ phí bảo vệ môi trường, phí xả nước thải vào nguồn nước, chất thải rắn thông thường, nguy hại.

 

(2). Thống nhất các ý kiến, kiến nghị của công ty, đề nghị các sở ngành nghiên cưu tham mưu các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, và các cơ chế chính sách đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác chế biến sâu khoáng sản, đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh lao động, thực hiện nghiêm các chế độ chính sách đối với người lao động, đảm an sinh xã hội và sức khỏe người dân khu vực mỏ khai thác; Sở Khoa học và Công nghệ: Tham mưu cơ chế chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí hối hợp với công ty, nghiên cứu chế biến sâu sản phẩm serit để phục vụ cho ngành hàng  Polyme, cao su, que hàn hay hóa mỹ phẩm; Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ, tìm kiếm nhà đầu tư; kêu gọi thực hiện đầu tư khai thác chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Đề xuất các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm Sericit; Sở Tài nguyên tăng cường công tác bảo vệ Tài nguyên nguyên khai Sericit và quan tâm đến công tác môi trường, phí BVMT, phí xả nước thải vào nguồn nước, chất thải rắn thông thường, nguy hại, lập chiến lược khoáng sản Hà Tĩnh trình Chính phủ phê duyệt.

(3) Theo tài liệu nghiên cứu đã được công bố (Tạp chí Các khoa học về trái đất; tháng 6-2013) hàm lượng của các nguyên tố kim loại nặng và độc hại trong quặng sericit Sơn Bình thuộc loại thấp. So sánh với các chỉ tiêu sericit dùng trong mỹ phẩm, sản phẩm khoáng sericit trên thế giới, cho thấy quặng sericit Sơn Bình đạt tiêu chuẩn nguyên liệu cho các lĩnh vực công nghiệp, kể cả mỹ phẩm. Trên thị trường, bột tinh sericit có giá khoảng 600-2000 USD/tấn (tuỳ thuộc vào chất lượng sericit). Các sản phẩm đã được chế biến có chất lượng cao có thể đạt giá trị trên 15.000USD/tấn, thậm chí tới trên 40.000USD/tấn. Vì vậy đề nghị các sở, ngành, UBND huyện Hương Sơn phối hợp Công ty Cổ phần đầu tư Vạn Xuân Hà Tĩnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ, quản lý và nâng cao hiệu quả khai thác chế biến, tiêu thụ sản phẩm sericit trên địa bàn tỉnh xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chiến lược nhằm góp phần tăng trưởng phát triển Kinh tế- Xã hội của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo./.


    Ý kiến bạn đọc