Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm OCOP
EmailPrintAa
16:55 10/09/2020

Sáng ngày 10/9, Đoàn giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh” của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã đi khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Hương Sơn. Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Đoàn khảo sát tại Chè Tây Sơn (sản phẩm OCOP gắn với xây dựng điểm du lịch cộng đồng, xã Sơn Kim II)…

Theo báo cáo của huyện Hương Sơn, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay toàn huyện có 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP chủ yếu thuộc ngành nông nghiệp nhóm nông sản tươi sống và nông sản chế biến (16 sản phẩm); nhóm đồ uống có cồn, đồ uống không cồn (3 sản phẩm).

… Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm)…

… Nhung hươu Thuận Hà (xã Sơn Giang)

Năm 2019 huyện có 21 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, trong đó, có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao (Nem chua Ý Bình, Nhung hươu tươi Chiến Sơn, Nhung hươu khô tán bột Chiến Sơn, Rượu nhung hươu Chiến Sơn, Nhung hươu tươi thái lát Thuận Hà, Nhung hươu khô xay bột Thuận Hà, Rượu nhung hươu Thuận Hà, Nhung hươu tươi Hương Luật, Nhung hươu khô thái lát Hương Luật, Nhung hươu khô tán bột Hương Luật; Nhung hươu tươi Hiền Ngọc, Nhung hươu khô thái lát Hiền Ngọc, Nhung hươu khô tán bột Hiền Ngọc, Rượu Nhung hươu Hiền Ngọc, Cam bù Trường Mai, Cam chanh Huy Mạnh, Chè Tây Sơn, Mật ong Cường Nga) và 01 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao (Nhung hươu khô tán bột Chiến Sơn). Năm 2020 có 97 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình, trong đó có 35 ý tưởng sản phẩm được tỉnh thẩm định, xét chọn đủ điều kiện tham gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng báo cáo tại cuộc làm việc

Chủ cở sở Mật ong Cường Nga đề nghị thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các sản phẩm OCOP

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cơ bản đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng, sản phẩm ghi nhãn đúng theo quy định về nhãn hàng hóa, sản phẩm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Tại cuộc làm việc, UBND huyện cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất chưa lớn, còn thiếu liên kết với doanh nghiệp; chưa huy động được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển liên kết sản xuất; số lượng sản phẩm OCOP được cấp sao còn ít và quy mô còn nhỏ; các sản phẩm của địa phương sản xuất đang còn nhỏ lẻ, thiếu định hướng sản xuất; các chủ cơ sở năng lực kinh doanh còn hạn chế, chưa có mạnh dạn để đầu tư, đổi mới khoa học kỹ thuật để sản xuất hàng hóa lớn; các cơ sở tham gia Chương trình chưa chủ động đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Đỗ Khoa Văn: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và đề nghị huyện giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến: việc đăng ký ý tưởng sản phẩm; thẩm định, xét chọn ý tưởng sản phẩm; việc đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh; chất lượng, giá trị gia tăng, mức độ tiêu thụ, thị trường tiêu thụ của sản phẩm và doanh thu, năng suất lao động của các tổ chức sau khi tham gia chương trình OCOP…

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình nhằm tạo sức lan tỏa; tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực, trách nhiệm, vai trò và sự chủ động của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN để phát triển các sản phẩm; quan tâm đến công tác tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở trong xây dựng, lựa chọn, phát triển sản phẩm; chỉ đạo các cơ sở nâng cấp chất lượng sản phẩm tham gia đánh giá nâng hạng sao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối sản phẩm.

Tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của huyện và các chủ cơ sở, Đoàn sẽ tổng hợp, xem xét, tham mưu xây dựng các chính sách phù hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để trình tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Trước đó, Đoàn đã trực tiếp khảo sát thực tế một số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện như: Chè Tây Sơn; mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm); nhung hươu khô xay bột, nhung hươu tươi thái lát, rượu nhung hươu Thuận Hà (xã Sơn Giang); cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình; cửa hàng Nông sản sạch Hương Sơn; cửa hàng đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP (thị trấn Phố Châu).

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc