Một số kinh nghiệm trong việc thẩm tra dự toán ngân sách và nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện ngân sách địa phương của HĐND tỉnh Hà Tĩnh
EmailPrintAa
09:39 11/07/2012

               Thẩm tra các báo cáo tài chính ngân sách của địa phương là việc xem xét, có ý kiến về tính hợp pháp, tính hợp qui, tính khoa học và kinh tế của các nội dung, chính sách được nêu trong các báo cáo. Báo cáo thẩm tra là căn cứ quan trọng để  Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận và quyết định. Thẩm tra về dự toán ngân sách địa phương là nhiệm vụ của các cơ quan của HĐND do ban KT&NS chủ trì. 

 

           Thẩm tra dự toán ngân sách là một trong những khâu quan trọng để đảm bảo và nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện ngân sách của HĐND. Để giúp HĐND, các đại biểu HĐND thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu quả, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND đóng vai trò rất quan trọng, đưa ra những gợi ý, những định hướng và đặc biệt là cung cấp thêm những thông tin, những ý kiến cần thiết để đại biểu HĐND xem xét và hình thành những yêu cầu chất vấn và đánh giá. Ban Kinh tế - Ngân sách có trách nhiệm nghiên cứu và thẩm tra các báo cáo, có điều kiện về chuyên môn, thông tin, thời gian tiếp cận các báo cáo.

           Vì vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND cần chủ động phối hợp ngay từ đầu với Sở tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư­  và các cơ quan có liên quan để tiến hành thẩm tra, giám sát về dự toán, ph­ương án phân bổ và các báo cáo về ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách không thụ động chờ các báo cáo trình ra HĐND mới tiến hành thẩm tra, giám sát mà cần tiến hành thẩm tra, giám sát ngay trong quá trình lập dự toán và lập quyết toán ngân sách địa phương.

            Bảo đảm có thông tin đầy đủ và cần thiết. Nguồn thông tin phục vụ cho công tác xem xét, quyết định phân bổ ngân sách địa phương không chỉ từ các báo cáo của UBND, mà còn được thu nhận qua họat động giám sát của thư­ờng trực HĐND, tiếp xúc với cử tri của các đại biểu HĐND, báo chí và các nguồn thông tin khác.

          Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND thực hiện thẩm tra dự toán, phương án phân bổ ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương. Nội dung thẩm tra tập trung vào các vấn đề nhất trí, vấn đề chư­a nhất trí đề nghị bổ sung làm rõ; những kiến nghị và đề xuất giải pháp đối với quá trình quản lý và điều hành ngân sách địa phương.

          1. Về thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, báo cáo thẩm tra cần đưa ra những bình luận về những nhận định trong báo cáo của UBND trình HĐND, cần đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND, phân tích những tồn tại và nguyên nhân tồn tại theo quan điểm độc lập của Ban. Bên cạnh việc nêu những thành tựu, những mặt được về ngân sách của năm hiện hành, Ban KT&NS đặc biệt chú trọng phân tích những tồn tại, thiếu sót, những bất cập trong lĩnh vực này để trên cơ sở đó có thể đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới (ngoài những giải pháp mà báo cáo của UBND đã trình bày).

          Thẩm tra dự toán ngân sách phải chỉ ra được những căn cứ xác đáng, vừa khoa học vừa thực tiễn của các mục tiêu, nhiệm vụ ngân sách, tính hợp lý, khả thi của các giải pháp tài chính - ngân sách để các đại biểu HĐND có thêm căn cứ đồng tình ủng hộ. Ngược lại, cũng phải chỉ ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp còn thiếu cơ sở, hoặc đang còn nhiều ý kiến khác nhau và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tài chính - ngân sách cần được bổ sung. Ý kiến thẩm tra đó phải có sức thuyết phục, cung cấp được thêm thông tin, làm cơ sở tin cậy cho đại biểu HĐND thảo luận, quyết định dự toán ngân sách.

          Về nội dung và hình thức thể hiện, báo cáo thẩm tra phải cô đọng, rõ ràng, có tính khái quát cao, song phải cụ thể, không chung chung và phải có tính phản biện, tránh sao chép lại những nội dung mà báo cáo của UBND hoặc các ngành đã đề cập (trừ những đoạn có tính trích dẫn).

          Để xây dựng báo cáo thẩm tra về dự toán ngân sách, trên thực tế ban KT&NS cần phải:

          - Căn cứ vào Chỉ thị hàng năm của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của năm kế hoạch.

          - Căn cứ vào Nghị quyết của Tỉnh uỷ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm kế hoạch; nắm bắt, sử dụng những thông tin trong quá trình Tỉnh uỷ bàn và quyết định về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các Văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ, Ngành Trung ương, Nghị quyết của hội đồng Nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách, liên quan đến phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán, chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu NSNN…

          - Tham khảo các tài liệu của kỳ họp Quốc hội như: báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, Nghị quyết của Quốc hội,...

          - Cử cán bộ, chuyên viên tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng dự toán ngân sách như: Tham dự các buổi thảo luận dự toán ngân sách với các cơ quan cấp tỉnh, các địa phương (UBND cấp huyện) do Sở Tài chính tổ chức, tham gia các cuộc họp UBND tỉnh xem xét, thảo luận dự toán ngân sách.

          - Làm việc cụ thể với một số cơ quan, đơn vị liên quan như Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan, Kho bạc nhà nước (có thể làm việc riêng từng cơ quan hoặc tổ chức hội nghị toàn thể Ban, mời các cơ quan, đơn vị đến báo cáo và giải trình). Ngoài ra, nếu có điều kiện, có thể tổ chức làm việc thêm với một số Sở, Ngành kinh tế tổng hợp, các cơ quan đơn vị kinh tế, hoạt động sự nghiệp và các địa phương.

          - Sử dụng thông tin đã tích luỹ được qua các cuộc giám sát, khảo sát trước đó.

          - Nghiên cứu các ý kiến của cử tri tham gia xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, nhất là từ các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND.

          - Nghiên cứu kỹ dự thảo báo cáo của UBND về đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm hiện hành và dự toán ngân sách năm sau.

           Trên cơ sở các thông tin đó, trước khi có báo cáo chính thức của UBND trình HĐND, cần chủ động đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm hiện hành, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tài chính-ngân sách đã đề ra trong Nghị quyết HĐND kỳ họp trước, nêu kiến nghị về dự toán ngân sách. Các ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ban được gửi trước cho Thường trực HĐND và UBND xem xét, điều chỉnh, không đợi đến kỳ họp HĐND mới gửi.

          - Bộ phận thường trực Ban (trưởng, phó ban) phải nghiên cứu rất kỹ, chuẩn bị trước dự thảo báo cáo thẩm tra và gửi cho các thành viên của Ban để nghiên cứu trước, sau đó họp Ban thảo luận để bổ sung, điều chỉnh và thống nhất ý kiến của toàn Ban.

          Ngoài việc giúp HĐND thảo luận, quyết định dự toán ngân sách, Ban còn phải tham gia tích cực vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết kỳ họp HĐND. Đây là việc làm rất cần thiết để các kết quả thẩm tra có thể được HĐND chấp nhận và được thể hiện trong Nghị quyết, làm căn cứ để thực hiện công tác giám sát sau này.

          2. Một số vấn đề về mặt tổ chức, nhân sự đảm bảo cho công tác thẩm tra:

          - Chúng tôi cho rằng, để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, giám sát nói chung, hay thẩm tra, giám sát các vấn đề về ngân sách nói riêng thì Ban Kinh tế-Ngân sách phải đủ mạnh (mạnh cả về phẩm chất và trình độ, năng lực). Việc lựa chọn các đại biểu HĐND làm thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách có tính quyết định đến hoạt động của Ban. Điều này đòi hỏi ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban phải quy tụ những thành viên có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động cần thiết và có một cơ cấu hợp lý để đảm bảo hoạt động của Ban. Các đại biểu là thành viên của Ban cần phải có hiểu biết, có kinh nghiệm chuyên môn thuộc lĩnh vực hoạt động của Ban. Bộ phận thường trực Ban (trưởng, phó ban) không nhất thiết phải là những người giỏi về nghiên cứu kinh tế và ngân sách nhưng nếu đã kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý hoặc nghiên cứu, tham mưu về kinh tế và ngân sách, có phương pháp công tác tốt và điều không kém phần quan trọng là phải có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc thì hoạt động của Ban sẽ tiến triển thuận lợi hơn. Từng thành viên Ban phải dành thời gian và công sức tối thiểu cho hoạt động của Ban. Bộ phận chuyên viên giúp việc cho Ban phải đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng (trong đó nhất thiết nên có chuyên viên về tài chính-ngân sách).

          - Chúng tôi thấy rằng, cần phân công nhiệm vụ ổn định, cụ thể cho từng thành viên Ban (có thể phân công phụ trách theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn) nhằm sử dụng kiến thức chuyên môn và những lợi thế hiểu biết về tình hình kinh tế-ngân sách ở địa phương thông qua cương vị công tác của từng thành viên để vừa phát huy sức mạnh của tập thể nhưng đồng thời cũng nêu cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên đối với công việc. Bên cạnh đó, bộ phận thường trực Ban cần cung cấp thông tin, tư liệu cho các thành viên Ban một cách thường xuyên, đầy đủ theo từng lĩnh vực đã phân công, đồng thời cung cấp những thông tin tổng hợp nhằm giúp cho mỗi thành viên có cái nhìn tổng thể, có quan điểm toàn diện khi xem xét, đánh giá các vấn đề kinh tế và ngân sách, tạo sự thống nhất cao trong Ban khi đánh giá từng vấn đề cụ thể, tránh thiên lệch về lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Cần tranh thủ huy động các cơ quan, các cá nhân liên quan cùng tham gia công tác thẩm tra, giám sát, trong đó cần tăng cường phối hợp với Văn phòng Tỉnh uỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ban HĐND, các cơ quan thuộc UBND, Uỷ ban Kinh tế-Ngân sách của Quốc hội,  Thường trực HĐND và Ban Kinh tế-Xã hội của HĐND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thường xuyên nắm bắt và khai thác thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phục vụ tốt công tác thẩnm tra và giám sát.

          Tóm lại, để tiến hành công việc thẩm tra, phân tích, đánh giá số liệu và mối quan hệ giữa các số liệu trong biểu mẫu báo cáo ngân sách đòi hỏi người làm công tác thẩm tra phải nắm rõ quy trình ngân sách, lịch biểu tài chính, hiểu rõ nội dung và kết cấu của các biểu mẫu báo cáo theo quy định hiện hành.

          Có thể nói, nếu làm tốt công tác thẩm tra nói chung hay thẩm tra các vấn đề về ngân sách nói riêng sẽ làm cơ sở, tiền đề vững chắc cho các hoạt động giám sát, khảo sát sau này. Ngược lại, các hoạt động giám sát, kháo sát nếu được thực hiện tốt, đúng trọng tâm, trọng điểm có hiệu quả sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác thẩm tra được thuận lợi, xác đáng, đánh giá đúng vấn đề.

 


    Ý kiến bạn đọc