Phát huy tiềm năng, tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương
EmailPrintAa
15:18 08/09/2020

Sáng 8/9, Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh do Trưởng ban Kinh tế ngân sách Trần Viết Hậu làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Can Lộc về “Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 -2020 trên địa bàn tỉnh”.

Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Rượu nếp Khánh Lộc…

… Cam giòn Xuân Hòa Thượng Lộc…

… tinh bột Nghệ An Tâm, viên nghệ mật ong An Tâm

Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện như: Rượu nếp Khánh Lộc; Cam giòn Xuân Hòa Thượng Lộc; tinh bột Nghệ An Tâm, viên nghệ mật ong An Tâm và cửa hàng nông sản an toàn thực phẩm sạch Hồng Cẩm, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc.

Ông Nguyễn Xuân Hòa - Chủ HTX Cam giòn Xuân Hòa (Thượng Lộc): Tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để HTX xây dựng kho chứa sản phẩm đảm bảo thu mua và xuất ra thị trường.

Bà Trần Phi Yến, Chủ HTX dịch vụ Thương mại - Kinh doanh Rượu nếp Khánh Lộc: Cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách về môi trường, các chương trình tập huấn để nâng cao chất lượng sản phẩm

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Nguyễn Hữu Dực phát biểu giải trình tại cuộc làm việc

Theo báo cáo và qua khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 24 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 18 sản phẩm nông sản tươi sống, 4 sản phẩm nông sản chế biến, 02 đồ uống có cồn và không cồn.

Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt đề nghị giải trình làm rõ việc hợp đồng với đơn vị tư vấn để phát triển sản phẩm, vai trò và năng lực của các đơn vị tư vấn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường: Tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Tăng cường tập huấn chuyên sâu về Chương trình OCOP.

Sau khi thực hiện Chương trình OCOP, các cơ sở đều có sự đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất; năng suất, chất lượng sản phẩm có sự cải thiện khá rõ rệt, một số cơ sở đã tích cực trong công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP là gần 2 tỷ đồng.

Năm 2020 huyện phấn đấu có thêm 10 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt sao lên 20 sản phẩm. Đối với các sản phẩm đạt chuẩn 3,4 sao phải tập trung đầu tư công nghệ vào sản xuất, mua máy móc thiết bị vào chế biến, bảo quản, nâng cấp sao trong các năm tới.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu phát biểu kết luận tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu và các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP của huyện, các cở sở sản xuất thời gian qua. Đồng thời đề nghị: tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; quan tâm công tác tuyên truyền, tăng cường tập huấn chuyên sâu về Chương tình OCOP; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm; quan tâm xây dựng kho chế biến, nâng cấp các gian hàng trưng bày, chú trọng liên kết đầu ra sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; chọn lọc, nâng cao năng lực của các đơn vị tư vấn để phát triển sản phẩm.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của UBND huyện và các chủ cơ sở sản xuất, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đưa vào nội dung Báo cáo giám sát của Đoàn và báo cáo với Thường trực HĐND để xây dựng chính sách phù hợp trình tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc