Phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
EmailPrintAa
16:45 15/06/2017

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, sáng ngày 15/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ để nghe báo cáo về dự thảo tờ trình, Nghị quyết, Đề án “Phát triển công nghệ sinh học phục vụ quá trình CNH-HĐH kinh tế xã hội tỉnh hà tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Hồng Hải - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở ngành có liên quan. Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh

 

Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học và sự sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển CNSH ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế như sản phẩm CNSH chưa đa dạng, trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng chưa cạnh tranh được với các sản phẩm hiện có trên thị trường, ứng dụng CNSH trong các ngành nghề chưa phổ biến rộng rãi, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt trong thời kỳ tỉnh ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Trước yêu cầu phát triển bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, CNSH hiện diện như một tất yếu, khách quan; cùng với những thành tựu to lớn về CNSH trên thế giới và trong nước sẽ là thời cơ thuận lợi cho tỉnh trong việc tiếp cận, nghiên cứu ứng dụng và đầu tư phát triển CNSH thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hoá lớn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy, việc đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNSH tại tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra đối với sản xuất và đời sống.

Đồng chí Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
 

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tư duy và hành động trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển Công nghệ sinh học của Hà Tĩnh trong lĩnh vực: nông - lâm - ngư, công nghiệp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y - dược và bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường; xây dựng nền công nghiệp sinh học thành một ngành kinh tế- kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được một số sản phẩm chủ lực và có đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương. Tạo ra phong trào ứng dụng CNSH rộng khắp trong các ngành, địa phương và quần chúng. Là giải pháp quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Đồng chí Đoàn Đình Anh, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh

 

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Đề án đã đưa ra nhiệm vụ, các nhóm giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; nghiên cứu, ứng dụng CNSH phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học; xây dựng tiềm lực để phát triển CNSH; nâng cao hiệu quả hợp tác về CNSH… Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2017 - 2020 là 41.550 triệu đồng.

Đồng chí Võ Hồng Hải, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

 

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đánh giá cao công tác chuẩn bị, cơ bản đồng tình, nhất trí với tính cấp thiết của Đề án. Tập trung thảo luận, trao đổi một số vấn đề về: kết quả đạt được, những tồn tại, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp và nguồn kinh phí để thực hiện Đề án. Đồng thời đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung liên quan: tên Đề án, bố cục và tiêu đề của Dự thảo nghị quyết. Đối với sự cần thiết của Đề án, cần viết ngắn gọn, rõ, nhấn mạnh được sự cần thiết của việc ban hành Đề án, không nên đưa danh mục các nghị quyết vào. Về mục tiêu, cần viết gọn, cụ thể, xem xét lại các từ ngữ, thuật ngữ đảm bảo phù hợp, chính xác; nên nghiên cứu, xem xét lại việc thành lập trung tâm CNSH; cần nghiên cứu, cân nhắc đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu mang tính khả thi, thực hiện đạt hiệu quả cao; tách riêng phần nhiệm vụ và giải pháp để làm rõ các nội dung được nêu… Đề án cần sắp xếp lại các phần, mục cho hợp lý, khoa học tránh sự trùng lặp trong nội dung của Đề án. Xem xét lại các chính sách phát triển CNSH cho phù hợp, không được trùng với các chính sách đã được HĐND tỉnh ban hành.

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu tham dự và tổng hợp, thống nhất một số nội dung thảo luận; đồng thời đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, tham mưu UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh sớm hoàn thiện tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Đề án gửi Ban thẩm tra trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.


    Ý kiến bạn đọc