Tăng cường công tác quản lý các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn
EmailPrintAa
22:15 15/05/2019

Sáng 15/5, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách chủ trì làm việc với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019.

Cùng dự có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thành Biển phát biểu

Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, tuân thủ theo các quy hoạch đã được phê duyệt; đối với những công trình xây dựng mới bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh cũng đã được cập nhật, điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch trước khi tiến hành công tác đầu tư.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 351 hồ chứa (kể cả hồ Ngàn Trươi) và 89 đập dâng nước với tổng dung tích toàn bộ 1.584 triệu m 3 (trong đó hồ Ngàn Trươi 775 triệu m 3 ). Toàn bộ các công trình hồ, đập và hệ thống kênh mương, thiết bị quản lý, vận hành đã được UBND tỉnh phân cấp cho các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác tại Quyết số 15/2011/QĐ-UBND 28/6/2011.

Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu

Hà Tĩnh có 32 tuyến đê, với chiều dài 317,6 km (trong đó đê La Giang là đê cấp II dài 19,2km, còn lại 31 tuyến đê cấp IV, cấp V với chiều dài 298,4km). Hệ thống đê điều được phân theo các hệ thống sông cụ thể: hệ thống sông La - Lam; hệ thống sông Nghèn; hệ thống sông Rác; hệ thống sông Trí, sông Quyền. Tính đến tháng 4/2019 toàn tỉnh đã củng cố, nâng cấp được 231 km đê, còn lại hơn 86 km chưa được nâng cấp; một số tuyến đê xung yếu chưa được nâng cấp như: đê Tân Long đoạn từ K1+00 đến K3+00 huyện Hương Sơn; đê Song Nam, huyện Nghi Xuân; đê Hữu Phủ đoạn qua xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà; đê Tả Nghèn đoạn qua xã Mai Phụ, Hộ Độ, huyện Lộc Hà...

Phó Giám đốc Sở NN và PTNN Nguyễn Bá Đức

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn; đồng thời đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến: công tác tổ chức thực hiện, phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao; việc phân cấp quản lý, vận hành, khai thác các công trình đê điều, hồ đập; kết quả kiểm toán, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm…

Trưởng ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu kết luận cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu ghi nhận và đánh giá cao công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đồng thời đề nghị ngành quan tâm: triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thủy lợi, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước…; rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, phát hiện các vấn đề hư hỏng để xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình; phân kỳ, phân cấp đầu tư một cách hợp lý, đảm bảo đồng bộ, không dàn trải; thường xuyên đánh giá việc thực hiện các quy trình vận hành; đối với các hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao, chưa có kinh phí để nâng cấp, tu bổ; cần kiểm tra kỹ, có phương án mở rộng, hạ thấp tràn, mở rộng tràn xã lũ phụ để tăng khả năng tháo lũ; sớm xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão cho hồ chứa và vùng hạ du; tăng cường kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vi phạm về hành lang đê; đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhất là đối với các tổ chức quản lý ở cấp cơ sở và các tổ chức Hợp tác dùng nước; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quản chủ quản với các đơn vị quản lý trực tiếp… Ngoài ra, cần bổ sung thêm kết quả kiểm toán, công tác thanh tra, kiểm tra để hoàn thiện báo cáo.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc