Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn
EmailPrintAa
08:54 20/11/2015

Sáng ngày 18/11, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có cuộc làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường, các ngành liên quan về công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh và thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề. Cùng dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, các Sở, ngành có liên quan. Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách

Theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, trên địa bàn tỉnh hiện có 85 mỏ; trong đó, nhóm khoáng sản kim loại: có 38 mỏ và điểm khoáng sản (gồm 11 mỏ và điểm quặng sắt, 14 mỏ Titan, 05 mỏ Mangan, 01 mỏ thiếc và 07 điểm quặng vàng); khoáng sản nhiên liệu: có 09 mỏ và điểm khoáng sản (gồm than đá, than nâu, than bùn); khoáng chất công nghiệp: có 11 mỏ và điểm quặng (gồm Kaolin, Đolomit, Cát thủy tinh, đá vôi xi măng, Quaczit, sét phụ gia xi măng, thạch anh, sericit); khoáng sản làm vật liệu xây dựng: có 27 mỏ và điểm mỏ (gồm sét làm gạch ngói, đá xây dựng và đá ốp lát, cát, cuội, sỏi xây dựng, nước khoáng).

Giai đoạn 2011-2015, sản lượng khai thác một số loại khoáng sản chủ yếu như sau: Imenite 130.590 tấn quặng thô (44.791 tấn quặng tinh), Mangan 76.583 tấn quặng, sắt 32.110 tấn quặng, đất san lấp 997.773 m3, sét gạch ngói 96.308 m3,Thạch Anh sạch 40.067 tấn, đá xây dựng 7.442.880 m3. Tổng thu ngân sách đạt gần 443 tỷ đồng. Trên địa bàn hiện có 116 giấy phép đang còn hiệu lực khai thác, trong đó có 79 mỏ có quyết định, hợp đồng giao đất, cho thuê đất hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 3455,45 ha. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 95 báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án Cải tạo phục hồi môi trường; tiến hành 2 cuộc kiểm tra, rà soát hoạt động khoáng sản đối với 103 tổ chức, cá nhân khai thác 119 mỏ khoáng sản, thu hồi 12 giấy phép khai thác và thông báo hết hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản của 20 mỏ; tạm đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của 17 mỏ; gia hạn thời gian 90 ngày cho 68 mỏ để khắc phục, xử lý các tồn tại; xử phạt hành chính 18 doanh nghiệp khai thác...

...đồng chí Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường...

Trong những năm qua, phải khẳng định rằng, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho địa phương, cung ứng sản phẩm cho thị trường, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế của tỉnh nhà, tăng nguồn thu ngân sách và tạo được công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức và trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác quản lý cũng như nhân dân và doanh nghiệp đối với hoạt động khoáng sản còn thấp; việc quản lý quy hoạch khai thác, sử dụng khoáng sản chưa gắn với công tác bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ; công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc quản lý khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ; hiệu quả khai thác chế biến và tiêu thụ khoáng sản còn thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng chậm được phục hồi…

Tại cuộc làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo kết quả giám sát; đồng thời góp ý, bổ sung vào báo cáo một số nội dung về bố cục trình bày, nội dung đánh giá về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và những kiến nghị, đề xuất. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đã chỉ ra thêm một số tồn tại, hạn chế của công tác quản lý quy hoạch, khai thác và sử dụng khoáng sản như: khả năng dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế; việc khai thác khoáng sản chưa chú trọng đến chế biến, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm; chưa quan tâm đến việc đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái; trong khảo sát, cấp phép quản lý khoáng sản còn nhiều bất cập; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa chặt chẽ; sản lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ đạt thấp so với kế hoạch khai thác theo giấy phép; mức độ đóng góp cho sự tăng trưởng, phát triển nền kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có chiến lược về hoạt động khoáng sản, đáp ứng yêu cầu trong thời thời kỳ mới. Các đại biểu cho rằng tài nguyên khoáng sản là tài sản không tái tạo, vì vậy cần phải quản lý khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, đạt mục tiêu hiệu quả cao, đóng góp cho nên kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững…


...và đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV, Phó chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao chất lượng giám sát và nội dung báo cáo giám sát của Đoàn. Đồng thời lưu ý một số vấn đề: về bố cục báo cáo, cần được chỉnh sửa cho phù hợp, ngắn gọn, rõ ràng và súc tích hơn; về nội dung, cần bổ sung thêm các nội dung về đảm bảo quyền lợi, cơ chế chính sách đối với người lao động, công tác quy hoạch, quản lý thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản… và đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để sớm bổ sung hoàn thiện báo cáo. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề nhằm tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát xin tiếp thu những ý kiến góp ý của đại biểu tham dự; Đoàn giám sát sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh báo cáo trình HĐND tỉnh vào kỳ họp sắp tới.


    Ý kiến bạn đọc