Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả giám sát chuyên đề về đất đai và môi trường
EmailPrintAa
07:30 10/05/2017

Sáng ngày 09/5/2017, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, Trưởng đoàn giám sát và đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách đã chủ trì làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị trực thuộc về “Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn tỉnh”.

Các đồng chí trong Thường trực HĐND; Lãnh đạo các ban và Văn phòng HĐND tỉnh; thành viên Đoàn giám sát theo Quyết định số 24/QĐ-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh; các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng dự.

Đồng chí Võ Tá Đinh, giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường phát biểu

 

Tại cuộc làm việc, các đại biểu thống nhất đánh giá: Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự xã hội. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được lập hoàn thành ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2 đã cơ bản hoàn thành tại 220/220 xã thực hiện chuyển đổi; việc cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành; công tác giải phóng mặt bằng nhất là liên quan đến các dự án lớn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất; đã cắt giảm hàng chục ngàn ha đất lâm nghiệp sử dụng không có hiệu quả để giao về cho các địa phương quản lý, thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân; kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất các dự án phát triển đô thị, thực hiện thu hồi đất các dự án không triển khai, chấm dứt các dự án chậm triển khai đầu tư; công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đang dần đi vào nề nếp, ổn định, tạo niềm tin cho các cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch hoặc đầu tư ở địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư phát biểu

 

Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: lập quy hoạch, kế hoạch tuy đã triển khai nhưng vẫn còn chậm, kéo dài, chắp vá; quản lý, sử dụng đất ở một số địa phương, cơ sở còn lỏng lẻo; tình hình khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo còn diễn biến phức tạp…

Trong lĩnh vực môi trường, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được một số kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh có 241 đơn vị thu gom và xử lý rác thải với 2.514 lao động; phương tiện hoạt động của các tổ chức tăng cả về số lượng và chất lượng.

Đại diện Sở Xây dựng phát biểu

 

Hà Tĩnh hiện có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, 5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 7 bãi chôn lấp tự phát và 7 lò đốt được đầu tư độc lập. Trong đó, Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) có công suất thiết kế xử lý 200 tấn/ngày đêm, Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn (thị xã Kỳ Anh) có công suất thiết kế 240 tấn/ ngày đêm.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành; việc lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương; tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và phương án cải tạo phục hồi môi trường; công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quản lý môi trường trong chăn nuôi được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, do đặc thù của ngành nên nhiều địa phương vẫn đang xảy ra tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn do các cơ sở chưa bố trí nguồn vốn cho bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải chưa đảm bảo, một số cơ sở không đảm bảo quy định khoảng cách về bảo vệ nguồn nước...

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu

 

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ thêm các vấn đề như sau: việc phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý đất đai và môi trường; giải pháp cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, đánh giá tác động môi trường; cơ chế quản lý việc nhà đầu tư chuyển nhượng đất sau khi được phê duyệt dự án; sự chênh lệch giữa giá đền bù cho dân và giá của doanh nghiệp sau đầu tư; tỷ lệ lấp đầu của các dự án đã được quy hoạch; quy hoạch trong chăn nuôi và lý do thường xuyên điều chỉnh quy hoạch trong chăn nuôi; việc giải phóng mặt bằng, đánh giá tài sản trên đất để thu hút nhà đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra việc giao đất lâm nghiệp; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong việc chuyển nhượng đất; cơ chế, chính sách trong công tác vận động người dân trong việc phân loại, xử lý rác tại các gia đình; danh mục các dự án Sở TNMT không đồng ý nhưng vẫn tiến hành bàn giao; việc xử lý ô nhiễm môi trường do nhà máy xử lý rác Phú Hà gây ra đối với 40 hộ dân; đánh giá rõ tình hình xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đánh giá hiệu quả việc giao đất, sử dụng đất của các công trình dự án; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi, bồi thường, tái định cư; đánh giá rõ việc thực thi pháp luật về đất đai, môi trường nhất là đối với các tổ chức, cá nhân, cơ quan đơn vị…

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên BTV, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở TNMT và Tổ giúp việc cũng như các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu sở ngành, đơn vị tại cuộc làm việc. Để việc giám sát của đoàn giám sát ở các cơ sở đảm bảo khách quan, đầy đủ, đồng chí đề nghị Sở TN&MT cung cấp thêm các danh mục về đất đai, các dự án được giao, cấp đất nhưng không nằm trong quy hoạch, danh mục dự án sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả hoặc không sử dụng từ tháng 3/2010 đến nay. Về lĩnh vực môi trường, đề nghị sở báo cáo kết quả xử lý và cung cấp đầy đủ danh sách cơ sở sai phạm cho đoàn giám sát. Đồng thời, đề nghị Sở TNMT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát để đợt giám sát đạt kết quả cao.


    Ý kiến bạn đọc