Tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả các nghị quyết trước khi ban hành chính sách mới
EmailPrintAa
11:09 29/09/2021

Sáng 29/9/2021, Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã làm việc với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh về các nội dung liên quan đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga chủ trì cuộc làm việc.

Lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng dự.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đã nghe và thảo luận kỹ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và phương án phân bổ nguồn kinh phí thường xuyên ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2021.

Chánh Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Trần Huy Oánh báo cáo về các nội dung liên quan đến việc phân bổ kinh phí và báo cáo bước đầu xây dựng cơ chế, chính sách, quy định sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, các đại biểu cho rằng: Giai đoạn 2016 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ giúp các địa phương huy động, thu hút nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội. Trong giai đoạn này, HĐND tỉnh đã ban hành 03 nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017-2018, Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020 và Nghị quyết số 194/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về sửa đổi một số Điều của Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND.

Trưởng phòng ngân sách huyện xã Sở Tài chính Lương Quang Diên: Việc phân bổ kinh phí tuân thủ nghiêm  theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chương trình.

Từ nguồn hỗ trợ của nghị quyết đã có gần 6.000 công trình xử lý nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh; phá bỏ 4.116 hố xí 01 ngăn, 2 ngăn để xây dựng hố xí tự hoại; kịp thời khuyến khích các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình NTM, đến nay có 171 xã đạt chuẩn, 19 xã nâng cao và 02 xã kiểu mẫu; từ năm 2017 đến 2020 đã hỗ trợ xây dựng 604 khu dân cư kiểu mẫu, hỗ trợ 5.656 vườn mẫu. Việc thực hiện cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, rãnh thoát nước, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã đầu tư bê tông hóa khoảng 2.309,5km đường giao thông với tổng kinh phí khoảng 4.619 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ xi măng là 146,8 tỷ đồng; 904,1km rãnh thoát nước với tổng kinh phí khoảng 1.085 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ xi măng là 41,14 tỷ đồng; phục hồi nâng cấp mặt đường bê tông xi măng khoảng 107,1km với tổng kinh phó khoảng 144 tỷ đồng, trong đó kinh phó ngân sách tỉnh hỗ trợ xi măng là 21,4 tỷ đồng… Về cơ chế, chính sách tạo nguồn nhân lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang đã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Cẩm Xuyên được Hồi đồng Trung ương bỏ phiếu thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận; huyện Hương Sơn, Lộc Hà đã có văn bản đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM, dự kiến đạt chuẩn trong năm 2021…

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Cần làm rõ kinh phí phân bổ thực hiện công tác thông tin truyền thông về xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh, các đại biểu cũng đã xem xét, thảo luận định hướng ban hành các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực hỗ trợ xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, về chính sách chung sẽ tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi số trong NTM; hỗ trợ xây dựng chương trình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình; xây dựng thôn đạt chuẩn kiểu mẫu đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí do UBND tỉnh ban hành. Đối với xã chưa đạt chuẩn, ưu tiên hỗ trợ lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt; phá bỏ, di dời công trình vệ sinh; cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng; thưởng xã đạt chuẩn NTM. Đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì hỗ trợ lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt; kinh phí phục hồi, nâng cấp mặt đường bê tông xi măng; thưởng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đối với cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các đại biểu cho rằng cần xem xét vấn đề cân đối nguồn lực và nội dung cơ chế, chính sách cụ thể để tạo nguồn lực cho các địa phương.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ : Tăng cường giám sát sâu công tác chuyển đổi số, các đơn vị, địa phương thụ hưởng từ nguồn ngân sách.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đề nghị các sở, ngành, đơn vị tiếp tục nâng cao trách nhiệm để kịp thời giải ngân nguồn kinh phí được phân bổ phù hợp thực tiễn; Ban KTNS HĐND tỉnh tiếp tục  giám sát việc triển khai thực hiện, trong đó giám sát sâu công tác chuyển đổi số, các đơn vị, địa phương thụ hưởng từ nguồn ngân sách.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu tại cuộc làm việc.

Đối với việc định hướng ban hành các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực hỗ trợ xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các chính sách cần có tính toàn diện, bao quát và tạo điểm nhấn. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ hơn kết quả, hiệu quả các chính sách đang thực hiện trước khi ban hành chính sách mới. Việc ban hành chính sách mới cần đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn và căn cứ vào nguồn thu của tỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi.

Các Ban HĐND tỉnh tiếp tục đồng hành với UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu các chính sách nhằm kịp thời bổ sung, sửa đổi các điểm chưa phù hợp.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc