Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc tại Hương Khê về các vấn đề có liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng
EmailPrintAa
12:18 15/05/2014

Ngày 14/5, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi khảo sát, làm việc với UBND huyện Hương Khê và một số đơn vị có liên quan trên địa bàn về: công tác bảo vệ rừng năm 2013 và kế hoạch năm 2014; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tình hình tranh chấp, lấn chiếm đất rừng và một số vấn đề có liên quan. Trưởng Ban Pháp chế Nguyễn Trọng Nhiệu chủ trì các buổi làm việc.

      Năm 2013, Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các địa phương và các chủ rừng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc và thu hồi được gần 68 m3 gỗ các loại, phá hủy 16 lán trại tạm dựng trong rừng, tháo dỡ 2 thuyền máy và yêu cầu ra khỏi khu vực lòng hồ Đá Hàn; xử lý 106 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLBVR, phạt 250 triệu đồng, tịch thu gần 137 m3 gỗ các loại; tổ chức tháo dỡ máy cưa, cắt điện 3 pha đối với 93 xưởng chế biến, cưa gỗ trái phép...

 

  Triển khai kế hoạch năm 2014, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã kiểm tra, xử lý 37 vụ vi phạm, phạt tiền 154 triệu đồng, tịch thu gần 59 m3 gỗ các loại và một số tang vật, dụng cụ khác. Hiện chính quyền các cấp, các chủ rừng trên địa bàn đang tích cực kiện toàn các Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng, thành lập đội xung kích BVR - PCCR, tập trung tuyên truyền truyền giáo dục, tổ chức tuần tra, canh gác để ngăn chặn tình trạng sẻ phát trái phép, ngăn chặn các hoạt động phạm pháp và PCCR...

   Thực hiện Nghị quyết số 94/2008 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008 - 2020, huyện Hương Khê đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai các nội dung có liên quan. Đến nay đã có gần 9.115 ha đưa vào phương án giao đất, giao rừng; gần 8.880 ha đo vẽ xong và bàn giao thực địa xong cho 1.827 hộ; cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 1.053 hộ với trên 4.355 ha; tập trung giai quyết tranh chấp tại tiểu khu 226 thuộc xã Lộc Yên; tập trung bảo vệ gần 95 ngàn ha rừng các loại, trồng mới trên 1.236 ha (năm 2013)...

Đoàn khảo sát thực tế tại địa điểm tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

tại tiểu khu 192, xã Hòa Hải

   

Thực hiện Nghị quyết số 33/2012 của HĐND tỉnh về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020, huyện đã chỉ đạo các phòng ban liên quan rà soát đất rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất để đề nghị thu hồi, cắt chuyển gần 5.498 ha từ Ban QLRPH sông Ngàn Sâu và Ban QLRPH sông Tiêm về cho địa phương để giao cho các hộ gia đình. Ban hành kế hoạch giao đất, cho thuê đất gắn với giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 và đưa vào kế hoạch giao trên 8.930 ha cho các hộ gia đình ở 15 xã...

   Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê thì hiện nay trên địa bàn 14 xã đang xẩy ra tình trạng lấn chiếm, sẻ phát trái phép đất rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích trên 674 ha. Tình trạng này đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định tình hình cao...

Đoàn làm việc với UBND huyện Hương Khê và các chủ rừng trên địa bàn

  

Sau khi trực tiếp khảo sát tại Tiểu khu 192 (thuộc xã Hòa Hải) và nghe các ý kiến đánh giá, trao đổi của các thành phần tham gia về các vấn đề có liên quan, đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị huyện lưu ý các vấn đề sau: tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nội dung trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng và cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp, trong quá trình thực hiện phải chú ý đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân khu vực có rừng; quan tâm hơn nữa đến việc quy hoạch, xây dựng các khu vực chế biến lâm sản; tiếp tục kiểm soát, xử lý tốt các vụ việc vi phạm lâm luật, tránh để xẩy ra các vụ việc nghiêm trọng, các địa bàn điểm nóng; các lực lượng hữu quan phối kết hợp chặt chẽ để làm tốt công tác bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các vụ việc chống người thi hành công vụ.

     Liên quan đến tình trạng lấn chiếm rừng và đất rừng thì huyện cần tập trung xử lý, khi thực hiện cần phân loại đối tượng, phân loại vụ việc để xây dựng phương án cụ thể,  giải quyết dứt điểm, nghiêm minh. Các chủ rừng phải có trách nhiệm ngay từ đầu, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý để ngăn chặn việc xâm lấn. Huyện cũng phải xem xét trách nhiệm của một số Chủ tịch UBND xã trong việc để tình trạng lấn chiếm, sẻ phát rừng trái phép tràn lan. Riêng tại Tiểu khu 192 (Hòa Hải) thì phải có phương án giải quyết hợp tình hợp lý, hài hòa giữa quyền lợi của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của người dân...


    Ý kiến bạn đọc