Cơ cấu lại Quỹ Đầu tư và phát triển Hà Tĩnh cần chú trọng hiệu quả các quỹ đầu tư
EmailPrintAa
18:15 05/07/2021

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 5/7/2021, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã làm việc với Quỹ Đầu tư và phát triển Hà Tĩnh để nghe phương án cơ cấu lại Quỹ trình kỳ họp HĐND tỉnh. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có Trưởng, Phó các ban HĐND tỉnh; thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các Sở: Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ.

Quỹ đầu tư được thành lập năm 2011, chính thức đi vào hoạt động vào quỹ IV năm 2012. Cơ cấu tổ chức, bộ máy Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát, Bộ máy điều hành. Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ Đầu tư phát triển kiêm HĐQL Quỹ Phát triển đất và Quỹ Bảo vệ môi trường có 7 thành viên.

Quyền giám đốc Quỹ đầu tư và Phát triển Hà Tĩnh Phạm Thái Bình báo cáo phương án cơ cấu lại Quỹ

Tính từ năm 2016-2021, vốn hoạt động của Quỹ tăng 155,3 tỷ đồng (từ 406,6 tỷ năm 2016 lên 561,9 tỷ đồng năm 2020). Tổng doanh số cho vay (số đã giải ngân) là 258,4 tỷ đồng; nợ đã thu hồi là 306,6 tỷ; tổng dư nợ đến thời điểm này là 243,8 tỷ đồng (bao gồm 16 dự án). Đối với các dự án nhận ủy thác quản lý thu hồi nợ, đến nay Quỹ đã trình xử lý và thu hồi được gần 69,3 tỷ đồng (nợ gốc gần 64,3 tỷ; nợ lãi gần 5 tỷ đồng). Về đầu tư trực tiếp, dự án thí điểm nhà ở xã hội đến thời điểm hiện nay đã bán hết phần diện tích được bán (gần 400 căn hộ), phần diện tích còn lại (gần 100 căn hộ) phải để lại cho thuê theo quy định.

Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa: Hoạt động HĐQL quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ ủy thác hiện không phù hợp với quy định khoản 1, Điều 10 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn: Việc tách Quỹ đầu tư Phát triển Hà Tĩnh và các Quỹ ủy thác (Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo vệ môi trường) phù hợp với quy định pháp luật.

Đối với việc quản lý các quỹ nhận ủy thác, Quỹ đầu tư phát triển thực hiện quản lý hiệu quả 5 quỹ ủy thác (trong đó quỹ bảo trì đường bộ tỉnh đã giải thể năm 2020). Về Quỹ Phát triển đất, đến thời điểm hiện nay có tổng nguồn vốn là 337 tỷ; thực hiện ứng vốn cho 20 dự án với tổng số tiền đã giải ngân là 369,6 tỷ đồng; thu hồi vốn ứng 182,5 tỷ đồng; dư nợ vốn ứng 187,1 tỷ đồng. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh có nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp hỗ trợ ban đầu 9,7 tỷ đồng; hàng năm quỹ đã phối hợp với các Sở, ban, ngành thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng…

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Nghĩa: Việc cơ cấu lại Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần đảm bảo hiệu quả hoạt động của Quỹ và các Quỹ ủy thác.

Ủy viên Ủy ban Pháp chế, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Hùng: Có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển và các Quỹ ủy thác sau khi tách.

Nhìn chung, từ khi thành lập đến nay, hiệu lực quản lý nhà nước được bảo đảm và tăng cường; gắn kết được trách nhiệm quản lý nhà nước của các Sở, Ban, ngành đối với hoạt động của các Quỹ; nhiều dự án của Quỹ đã góp phần xây dựng, phát triển bền vững tỉnh Hà Tĩnh.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các thành phần tham dự cho rằng: Hiện nay, do một số thành viên HĐQL Quỹ thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu nên HĐQL Quỹ chỉ còn lại 02 thành viên do đó HĐQL Quỹ không thể hoạt động. Hoạt động HĐQL quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ ủy thác hiện nay không phù hợp với quy định khoản 1, Điều 10 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ (HĐQL quỹ đầu tư phát triển địa phương có tối đa 05 người-PV). Việc tách riêng HĐQL Quỹ Đầu tư phát triển và các Quỹ ủy thác bảo đảm tính độc lập, thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng ủy thác giữa Quỹ Đầu tư phát triển và các Quỹ ủy thác.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư, cho vay các lĩnh vực từ Quỹ Đầu tư và phát triển Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, hoạt động HĐQL Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh và Quỹ ủy thác hiện nay còn có một số hạn chế, bất cập như: Một số nội dung hoặc nghị quyết của Quỹ này không thuộc phạm vu, lĩnh vực quản lý và trách nhiệm của thành viên HĐQL được phân công nhưng vẫn phải cho ý kiến và chịu trách nhiệm về nội dung và nghị quyết mà HĐQL của quỹ đã thống nhất. Do đó, việc tách HĐQL Quỹ đầu tư phát triển Hà Tĩnh và các Quỹ ủy thác như hiện nay và kiện toàn Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh là hết sức cần thiết.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần phát biểu tại cuộc làm việc.

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần và đại biểu tham dự đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư và Phát triển Hà Tĩnh; việc cơ cấu lại HĐQL quỹ là phù hợp, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị, khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư, cho vay các lĩnh vực từ Quỹ Đầu tư và phát triển Hà Tĩnh; việc cơ cấu lại quỹ cần đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư phát triển, bảo toàn vốn, góp phần xây dựng tỉnh nhà giai đoạn sắp tới. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới xem xét, quyết định.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc